Hà Nội văn

Món quê dân dã

Nông Quốc Lập 03/12/2023 - 06:33

Đã hết vụ mùa, không còn cánh đồng lúa chín vàng để nương náu, lũ châu chấu chỉ còn bấu víu lấy những nhành cỏ thấp bên bờ ruộng. Cuối thu sương xuống, tiết trời se lạnh, châu chấu không còn bay, nhảy khỏe như ban ngày có ánh nắng mặt trời.

Người đi soi chỉ việc thò tay bắt lấy thả vào những cái chai thủy tinh hoặc chai nhựa là đem về nhà chế biến thành món ăn dân dã, thơm ngon, ngầy ngậy. Với người dân thị thành, châu chấu đôi khi là đặc sản không dễ kiếm, còn với người dân nông thôn, đặc biệt ở miền non cao quê tôi, mùa nào thức đấy, cơm mới trắng dẻo với đĩa muồm muỗm, châu chấu đã là món ăn quen thuộc lâu đời.

minh-hoa-1.jpg
Minh họa: Công Quốc Hà.

Quê tôi người dân trồng cả lúa nếp, lúa tẻ. Ngày đi gặt lúa tẻ, người ta thường bắt những chú muồm muỗm xanh xanh xám xám, tối về đổ vào nước sôi chần qua rồi rán trên chảo. Mùi thơm muồm muỗm ăn mỡ tỏa ra căn bếp nhỏ. Muồm muỗm beo béo, ngầy ngậy ăn kèm cơm, nhấm nháp thêm chút rượu thì ngon biết mấy.

Để bắt được nhiều muồm muỗm, phải cắt lúa rồi dồn chúng vào một chỗ, đến khi lúa cắt gần hết thì người cắt lúa, người đón đợi muồm muỗm bay ra chỉ việc thuận tay bắt thả vào trong lọ nhựa, đậy nắp lại là về nhà chế biến được đĩa thức ăn ngon. Món ăn dân dã quen thuộc mà vẫn luôn bị hấp dẫn đến lạ.

Cánh đồng lúa gặt xong cũng chẳng còn nhiều muồm muỗm để bắt, người dân quê tôi bắt đầu rủ nhau đi soi châu chấu, mà cứ phải chọn đám châu chấu sống ở ruộng lúa mới cho thức ăn ngon. Châu chấu cứng hơn muồm muỗm, nên khó nhai hơn, ít được người thích bằng.

Đêm, những ánh đèn loang loáng ở những bờ ruộng bên những đám lúa nếp cao đã cắt hết bông để soi châu chấu. Đèn đeo trên trán, bước chân người nhè nhẹ để tránh động đến những con châu chấu đang đậu trên thân cây lúa, trên nhành cỏ, đôi bàn tay, ngón tay nhẹ nhàng bắt lấy chúng bỏ vào chai. Châu chấu lúa nhiều, chỉ bắt chừng một tiếng là mấy cái chai đã đầy châu chấu xanh.

Chế biến châu chấu cũng như muồm muỗm, thật đơn giản, chỉ việc mở nắp chai thả xuống nồi nước đang sôi để chần qua. Khi vớt ra đem rán sơ trên chảo rồi bỏ thêm các loại gia vị vào đảo một lúc là có thể “lên đĩa”. Người cầu kỳ hơn sẽ cắt bỏ cánh và càng, cầm đầu châu chấu rút nhẹ để loại bỏ ruột. Châu chấu cứ phải thấm chút mỡ dầu, khi để trên đĩa vàng thơm, bắt mắt thì bỏ vào miệng nhai mới thấy thơm, giòn, có độ ngậy.

Nhưng, ăn châu chấu nhanh chán, không biết là do độ đạm cao hay do dầu mỡ, ăn một hai bữa thì ngon chứ sang các bữa sau là không ăn nổi. Ấy cũng là lúc người dân quê tôi đem châu chấu bán cho những người ở phố, có khi bán theo chai, có khi bán theo cân, giá tiền ngang với giá của cân thịt lợn ngon.

Nếu ngày xưa bắt châu chấu chỉ để cải thiện chất đạm trong bữa cơm, để lạ miệng với một món “thời trân”, thì ngày nay soi châu chấu bán tốt hơn rau xanh, vừa kiếm được tiền lại vừa bảo vệ những cây ngô khỏi bị đàn châu chấu ăn lá tấn công.

Bắt châu chấu còn là niềm vui của những đứa trẻ miền núi bao đời, ăn cơm tối xong là tranh thủ nửa tiếng cùng người lớn ra đồng bắt châu chấu để ngày mai có được đĩa thức ăn thơm phức chấm với cơm trắng ngon lành...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Món quê dân dã