Một người nặng lòng với Hà Nội
Duy Ngọc là người đa tài. Ông hoạt động trên nhiều lĩnh vực như âm nhạc, nhiếp ảnh, báo chí, văn học. Là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội, ông từng giành nhiều giải thưởng về báo chí, nhiếp ảnh và cho ra đời nhiều cuốn truyện ngắn, ký, tiểu thuyết... gây ấn tượng với bạn đọc. Đặc biệt, ông dành nhiều thời gian viết về Hà Nội, mảnh đất mà ông gắn bó hơn bảy mươi năm qua...
1. Tôi làm bạn với Duy Ngọc (tên đầy đủ là Nguyễn Duy Ngọc) khá muộn màng, khoảng dăm năm gần đây. Tuổi bầu bạn vừa bằng tuổi cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông mang tên “Còi tàu trong đêm”. Cuộc gặp gỡ đầu tiên qua chính con gái ông, nhà văn Di Li. Chuyện là, qua điện thoại, tôi mới biết thân phụ của Di Li vừa hoàn thành bản thảo cuốn tiểu thuyết hơn ba trăm trang. Họ muốn tìm người tin cậy thẩm định và viết lời giới thiệu. Vài hôm sau, vào một sáng xuân lành lạnh, Di Li đi cùng ông Duy Ngọc tới nhà riêng của tôi như đã hẹn. Đó là một người hơn tôi vài tuổi nhưng dáng dấp còn đủ phong độ của một người ưa hoạt động, khuôn mặt đầy đặn, hiền lành, phong thái nhẹ nhàng, lịch thiệp.
Tôi đọc bản thảo “Còi tàu trong đêm” của Duy Ngọc và nhận ra đó là một cuốn tiểu thuyết khá hấp dẫn. Viết theo thể tự sự, tiểu thuyết dựng nên câu chuyện về khoảng thời gian những thập niên cuối của thế kỷ trước. Một câu chuyện tình làm đầu mối của tiểu thuyết và thân phận của nhiều nhân vật, nhiều bi kịch, cho bạn đọc hình dung cuộc đời các nhân vật, cả chính và phụ tựa như một chuyến đi dài của một con tàu. Trên con tàu ấy có gặp gỡ và ly biệt ở những sân ga, có vui buồn, oái oăm và lắm khi bâng khuâng như tiếng còi tàu buồn hú trên những sân ga. Cuốn tiểu thuyết của Duy Ngọc ra đời trong kế hoạch của Hội Nhà văn Hà Nội, có lời tựa của tôi và sự chào đón vui mừng của bè bạn và nhiều độc giả. Đó cũng là cái duyên cho sự kết nối, tình bạn giữa ông và tôi cũng như con gái ông là nhà văn Di Li.
Dăm năm bầu bạn với Duy Ngọc, nhiều lần gặp gỡ, chúng tôi có nhiều dịp du ngoạn quanh Hà Nội. Tôi được ông dẫn đi làm quen với nhiều người bạn của ông, những nhà nhiếp ảnh nổi tiếng và không nổi tiếng. Nhờ ông, tôi cũng gặp lại nhiều thú chơi, quán ăn, món ngon của Hà Nội cũ.
Hơn 70 năm gắn bó với mảnh đất kinh kỳ có lẽ Duy Ngọc là một trong số bạn văn hiếm hoi biết hầu hết các quán ăn còn giữ được hương vị, cách nấu và cách thưởng thức truyền thống của người Hà Nội xưa, khác hẳn cách thưởng thức đã lai tạp hôm nay. Cũng qua đó, tôi mới biết Duy Ngọc là một nhiếp ảnh gia có hạng. Qua nhiều bức ảnh ông chụp, dễ dàng nhận thấy ông có cái nhìn về con người và thiên nhiên bằng tâm hồn giàu cảm xúc. Ông cũng là một tay chơi rất bài bản nhiều nhạc cụ, từng hòa âm, biểu diễn với nhiều nhạc công, nghệ sĩ, ca sĩ chuyên nghiệp nổi tiếng.
2. Sinh năm 1946 tại Hà Nội, Duy Ngọc có vốn sống rất dày dặn, đó là sự hiểu biết nhiều điều về Hà Nội cũ, Hà Nội của những năm 1950, 1960. Độc giả tìm đọc tác phẩm của ông bởi họ tìm được trong đó tâm hồn của những con người trong lịch sử, lề lối sinh hoạt, suy nghĩ, kể cả thói quen hay tập quán của Hà Nội xưa. Những điều đó biểu hiện rất rõ trong sinh hoạt, trong phép sống, trong sự giao đãi, yêu ghét và trong thưởng ngoạn ẩm thực. Duy Ngọc thể hiện điều đó qua nhiều bài báo của ông viết về Hà Nội cũ, những món ăn cũ, những cách giải trí cũ với điều kiện của một thời và một vài nhân vật điển hình, rất Hà Nội... Nhiều người nhận định, nếu không có những người như ông nhẩn nha viết ra thì các thế hệ sau không hề biết cha ông họ đã từng sinh sống ra sao, sở thích thế nào, tức là sẽ không biết một mặt không nhỏ của “lịch sử tâm hồn Hà Nội”.
“Chuyện kể Hà Nội” là tập sách của những câu chuyện ấy. Những câu chuyện tưởng như rời rạc nhưng tính thống nhất cao ở chỗ dựng lại bằng con mắt rất tinh tế và chi tiết về khuôn mặt một Hà Nội cũ. Đó là những câu chuyện chưa ai kể về một gánh xiếc rong, về một người đẹp nức tiếng, cả về xem phim trong các xe hòm dạo phố, về cái cách uống trà hay quà vặt của người Hà Nội...
Có nhiều câu chuyện cũng đã có người viết, như về tàu điện Hà Nội, nhưng Duy Ngọc đi sâu vào chi tiết là tiếng leng keng của tàu điện, dựng lại khá sinh động những chuyến tàu điện cũ xưa. Bằng cách viết khá cụ thể, gợi hình, Duy Ngọc đã tạo nên những tấm ảnh mà ghép lại như những thước phim khá sinh động về Hà Nội một thời. Cách viết tả thực như khi người ta chụp một tấm hình phải am tường kỹ thuật lộ sáng, để tạo sự chân thực của những khuôn dung, đặc tả đúng cả cái không khí của tình cảnh hay sinh hoạt của xã hội một thời. Duy Ngọc có lối viết điềm tĩnh như bản ngã con người ông, khoan dung và giản dị, không cầu kỳ, cố dụng xảo ngôn, nên những câu chuyện ông dựng lại dễ để người đọc tin cậy và giúp họ hình dung khá rõ ràng về một thời gian sống thuộc về Hà Nội đã trôi sâu vào quá vãng.
3. Nghĩ về văn chương của Duy Ngọc, không hiểu sao tôi cứ nghĩ đến món xôi Phú Thượng, món xôi cám dỗ khắp hang cùng ngõ hẻm bao đời nay ở Hà Nội. Thứ xôi dẻo không màu mè diệu vợi có những hạt đậu vàng lóe lên trong những hạt nếp trắng mọng như ngọc, bọc trong lá sen đòi hỏi người ta phải ăn chậm nhai kỹ để nhận ra sự béo bùi của xôi đỗ. Văn Duy Ngọc giản dị như món xôi đỗ xanh không màu mè có thể cho mọi giai tầng làm một bữa sáng ngon lành mà thanh đạm.
Những năm tháng cầm bút, ông cho ra mắt bạn đọc nhiều bài báo hay, chất nhân văn sâu đậm. Ông viết chủ yếu mảng văn hóa, nghệ thuật - chân dung về con người, phóng sự, bút ký, tản văn... Từ ngày nghỉ hưu, ông cộng tác với nhiều tờ báo. Đam mê, bền bỉ lao động không nghỉ, Duy Ngọc không chỉ trình làng một cuốn tiểu thuyết dày dặn mà ông còn có cả trăm tản văn, tùy bút. Sau cuốn tản văn, tùy bút “Chuyện kể Hà Nội”, tôi được biết ông sắp trình làng thêm một cuốn sách nói riêng về ẩm thực của đất kinh kỳ.
Như mọi người đã biết, Di Li, con gái ông cũng là một nhà văn được nhiều độc giả yêu thích. Không hiểu giữa ông và Di Li, ai là người tác động lên nhau để cả hai đều say mê với nghệ thuật. Nhưng, một điều chắc chắn rằng nhà văn Di Li đã được sống trong bầu không khí nghệ thuật từ nhỏ khi cha chị chơi đàn và chụp ảnh, tinh thần nghệ sĩ của ông ít nhiều làm giàu thêm tâm hồn của chị. Và, cái hiệu ứng ngược lại cũng thật hợp lý, khi Duy Ngọc cầm bút đã được con gái hết lòng động viên. Tôi từng xem những clip hai cha con hòa tấu nhạc cụ. Di Li đàn piano và Duy Ngọc đệm guitar, có khi cả contrabass... Những giá trị tinh thần tốt đẹp ấy của hai cha con chính là những hạt phù sa gom bồi thêm dày phẩm chất nghệ sĩ của họ và sự lao động không biết mệt mỏi của nhà văn Duy Ngọc.
Bất cứ ai quen biết đều nhớ tới Duy Ngọc với một khuôn mặt hiền lành, khiêm tốn và luôn nhường nhịn bạn bè. Với riêng tôi, nhà văn Duy Ngọc luôn là một người nặng lòng với Hà Nội. Tôi quen với cái dáng ông chầm chậm trên các con phố cũ xưa của Hà Nội 36 phố phường, cả khi ông trầm tư cùng tôi trên vỉa hè bên Tây Hồ để chúng tôi nói cho nhau nghe về một Hà Nội thương yêu, bây giờ và cả sau này sẽ lấp lánh mãi trong những áng văn đậm tình của ông.