Mùa cưới ngày ấy - bây giờ

Quý Yên Văn| 14/04/2023 15:14

(HNMCT) - Ngày ấy, mùa cưới quê tôi thường diễn ra từ tháng Tám âm lịch năm trước đến khoảng tháng Ba năm sau. Nhà nào chuẩn bị cưới cho con đầu cháu sớm thì lo phải biết. Bố mẹ mời các anh chị em ruột đến bàn kế hoạch rồi phân công mỗi người một tay một chân giúp đỡ. Cô dâu, chú rể tương lai đưa nhau đi may bộ quần áo cưới gồm áo sơ mi trắng, quần sa tanh đen cho cô dâu và quần ka ki xanh, áo sơ mi trắng cho chú rể.

Những đám cưới ngày xưa mang đậm nét truyền thống, ấm cúng.

Ngày ấy, quê tôi cũng chưa có tục mừng cưới bằng phong bì nên không có chuyện “lỗ” hay “lãi“ sau đám cưới. Quà mừng cưới thường là xoong nhôm nấu cơm, nấu canh, xoong quấy bột trẻ em, khăn rửa mặt... và phần nhiều là phích nước Rạng Đông, chậu men. Cưới cho con xong, có nhà mang biếu anh chị em rồi mà vẫn còn xếp đầy cả thùng phuy để dùng dần.

Ngày ấy cũng chưa có phong trào đặt in thiếp mời mà chỉ mua thiếp in sẵn, họ và tên cô dâu, chú rể cùng với tên của người được mời và ngày tháng, địa điểm tổ chức sẽ điền vào chỗ để trống. Thiếp mời chung chỉ mời dự tiệc “ngọt”, bạn bè thân thiết sẽ được đính thêm một tờ giấy nhỏ mời dự bữa cơm thân mật vào bên trong mà ngày ấy gọi vui là “phiếu bé ngoan”. Vì vậy, ngoài người thân, họ hàng, số bạn bè được mời dự tiệc “mặn” là có chọn lọc. Điều đó có nghĩa, họ mới là những người bạn thân thiết, tin cậy của cô dâu, chú rể, biết thế mà trân trọng nhau hơn. 

Ngày ấy cũng chưa phổ biến lệ xem ngày đẹp, ngày tốt mà hai họ bàn bạc chọn ngày chủ nhật, nếu được là ngày chẵn âm lịch thì tốt, nếu vì lý do gì đấy thì tổ chức cưới vào ngày lẻ cũng chẳng sao. Chọn chủ nhật vì đó là ngày nghỉ, rất thuận lợi cho những người được mời dự, nhất là những người được nhận “phiếu bé ngoan”...

Tối chủ nhật vừa rồi, vợ chồng chú em tôi đến chơi để bàn việc tổ chức lễ ăn hỏi, lễ thành hôn cho cậu con lớn, và quan trọng nhất là nhờ bác đại diện họ nhà trai phát biểu, đáp lễ họ nhà gái. Tôi hơi giật mình khi biết đám cưới sẽ tổ chức trong tháng Năm, tức vào khoảng đầu tháng 7 dương lịch, vào thời điểm đó thời tiết khá nóng. Cô chú thì tủm tỉm: “Bác sĩ bảo cưới ạ. Như thế là chắc đấy bác ơi. Bác xem có mấy đám ở làng cưới nhau 4 - 5 năm rồi, đi khám đông khám tây rồi mà mãi đã có gì đâu...”. Tôi gật đầu: “Mừng cho cô chú!”. 

Theo “thầy” xem thì cả hai lễ ăn hỏi, đón dâu đều diễn ra vào ngày thường. Mẹ tôi ngồi giường bên nói sang: “Sao thằng Hai không cưới cho con nó vào chủ nhật? Việc gì mà cứ phải “thầy” xem? Ngày trước, bố mẹ lo cưới cho mấy anh em có phải xem ngày tốt ngày xấu gì đâu, bây giờ sao cứ vẽ vời nhiêu khê quá. Tổ chức cưới vào ngày thường thì ai làm cỗ giúp, ai ăn cỗ cho. Không khéo rồi ế chỏng ra đấy”. Chú em hướng về phía mẹ: “Bây giờ cả làng thế rồi mẹ ơi. Việc trăm năm của các cháu là phải xem xét cẩn thận. Mà thuê nấu cỗ chứ anh em họ hàng có phải nấu nướng gì đâu. Hồi xưa, người họ nhà mình tự nấu cỗ nên ai cũng tất bật, ăn vội ăn vàng rồi xoay ra dọn dẹp cho kịp giờ đón dâu. Bây giờ cứ mặc đẹp, complet, áo dài rực rỡ mời khách thôi. Như thế chả sướng hơn là gì...”. Tôi thêm vào: “Chú ấy nói đúng đấy mẹ ạ. Con chỉ lăn tăn là chú ấy mời cỗ hơi rộng. Lễ ăn hỏi 15 mâm. Chiều dựng rạp 15 mâm. Tiệc chính 60 mâm. Vị chi 90 mâm”. Mẹ tôi đồng tình: “Bác Cả nói đúng đấy. Thằng Hai nên gọn lại chứ nhiều cỗ thế ăn sao hết?”. Chú em tiếp: “Thế là gọn rồi. Mẹ không thấy chú Hiền đầu năm cưới con gái còn “thỉnh” mẹ là “cụ trẻ” đời thứ tư đến ăn cỗ sao?”. Mẹ cười móm mém: “Ừ. Có thế thật”.

Mùa cưới ngày ấy - bây giờ tuy có khác nhau đôi chút bởi nó mang dấu ấn “lịch sử” của từng giai đoạn cụ thể, nhưng tựu trung là đều thể hiện trách nhiệm của những bậc làm cha làm mẹ, hướng đến sự làm đẹp, xây dựng hạnh phúc trăm năm cho con cháu. Đám cưới bây giờ càng trang trọng, văn minh hơn đã khẳng định sự phát triển đi lên của xã hội ta.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mùa cưới ngày ấy - bây giờ