Mùa hoa gạo

Truyện ngắn của Ngô Bá Hòa| 14/04/2023 06:36

(HNMCT) - Điểm trường Khuổi Phụ đón giáo viên mới. Đó là một ngày mưa phùn lất phất. Nhình đứng dưới gốc cây gạo trên con dốc đầu bản lén nhìn xuống. Thầy giáo trẻ trong bộ trang phục ướt nhẹp đang an ủi bác xe ôm vì cả người lẫn xe bị bùn đất dính bẩn hơn lũ trâu bừa ruộng.

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Nhình thèm học chữ. Ước mơ tự viết tên mình khiến Nhình nhiều lần rơi lệ bởi những trận đòn roi. Bố Nhình ghét người dạy chữ và ghét luôn người học vì mẹ đẻ Nhình học xong đã bỏ đi theo người học cùng lớp xóa mù chữ năm xưa.

Đêm ấy, Nhình ngồi đan áo dưới ánh đèn dầu leo lét. Hình ảnh thầy giáo trẻ thoảng đến trong suy nghĩ. Nhình muốn đến gặp thầy để xin học. Đợi bố đi ngủ, Nhình cất tấm áo đan dở vào chiếc gùi treo trên vách. Một tay lấy đèn pin, tay kia vơ áo khoác, Nhình len lén cậy chốt cửa, nhẹ bước ra ngoài. Đến lưng chừng dốc, Nhình bắt gặp ánh đèn pin loang loáng đang ngược lên. Là Chơ! Thoáng nhận ra Nhình, Chơ vui sướng vồn vã:

- Nhình đi đâu đấy? Tôi đang định lên nhà Nhình, may quá gặp luôn ở đây. Nghe giọng Chơ nói trong nồng nặc hơi men, Nhình khó chịu hỏi:

- Có chuyện gì nói tại đây đi, không cần lên nhà đâu. Bố tôi ngủ rồi!

Thấy điệu bộ của Nhình, Chơ hơi bối rối nhưng rồi hắn quả quyết:

- Nhình cũng biết rõ tôi thích em từ lâu rồi! Giờ em đã lớn, tôi muốn xin phép bố Nhình để người lớn đến bàn chuyện cưới xin.

Nghe Chơ nói, Nhình thấy như có thứ gì nhớp nhúa chảy vào lỗ tai:

- Chơ à! Tôi nói nhiều lần rồi! Tôi sẽ không lấy Chơ! Tôi thích người khác rồi!

Nghe vậy, Chơ lồng lên như con thú hoang bị thương, hét vang rừng đêm thanh vắng:

- Nó là thằng chó nào?!!!

Mặc kệ Chơ gào thét, Nhình ngược đường lẻn về nhà. Đêm như dài vô tận.

***

Nhình và Chơ được hai bên cha mẹ hứa hôn từ khi mới lọt lòng nhưng càng lớn Nhình càng không thích hắn. Chơ thô thiển, cục mịch, đã làm bao nhiêu việc xấu, kể cả đi buôn lậu để lấy tiền ra phố huyện tiêu xài, gái gú. Đã nhiều lần Nhình phải tìm lý do trì hoãn hôn sự.

Những hôm đi bóc quế về ngang lớp học, Nhình thường dừng lại lén nhìn vào. Một hôm Nhình ra suối lấy nước, thấy thầy giáo đã đứng sẵn ở đó từ khi nào. Vừa thấy Nhình, thầy cười tươi chào hỏi. Nhình luống cuống hất văng một chiếc thùng ra giữa suối. Thầy vội vàng lội xuống khiến ống quần ướt sũng. Nhình ngượng ngùng nói cảm ơn. Nhanh tay múc đầy hai thùng nước xếp vào đòn gánh cho Nhình, thầy ân cần hỏi:

- Nhà Nhình có xa không? Để tôi gánh về giúp!

- Dạ, không cần đâu ạ! Sao thầy biết tên em?

- Hôm qua lúc Nhình nhìn trộm vào lớp, các em nhỏ đã nói cho tôi biết rồi. Tôi rất trân trọng những người ham học như em. Không phiền thì tối nay cứ đến, tôi sẽ dạy chữ cho em.

Thầy chưa dứt câu Nhình đã vội gánh hai thùng nước phăm phăm lên dốc. Thầy gọi với theo: “Tối nhớ đến nhé. Tôi tên là Minh!”.

Hôm ấy vào rừng bóc quế, Nhình cứ hồi hộp như sắp vỡ ngực. Nhình  muốn đến nhờ thầy dạy chữ nhưng sợ bắt gặp nụ cười của thầy.

Và Nhình quyết định không đến học. Những ngày sau, Nhình lấy cớ đau chân để nhờ chị dâu gánh nước giúp. Có hôm về chị dâu bảo: “Thầy giáo hỏi thăm em, hỏi sao em không đến học. Em đến đi, chị không mách bố đâu”.

Đêm đó, Nhình khóc. Lần đầu tiên em đối diện với nhiều nỗi sợ như vậy. Nhình sợ những cảm xúc mơn man xuân thì khi bắt gặp ánh mắt thầy. Sợ bố phát hiện, cho trận mưa roi và sợ nhất là Chơ biết được, hắn sẽ không để thầy yên.

***

Những ngày mưa bụi qua đi. Nắng ấm áp tràn về. Hương quế nồng nàn cay dịu theo gió tỏa lan khắp không gian. Cây gạo già đầu bản đã trổ muôn ngàn chùm hoa lửa trên nền trời xanh. Nhình miên man ngắm những ngọn đèn do tạo hóa thắp trên cây.

- Em thích hoa gạo sao?

Câu hỏi bất chợt làm Nhình bối rối. Không cần ngoảnh lại Nhình vẫn nhận ra thầy. Chỉ một lần nói chuyện bên suối sáng hôm đó là đủ khiến Nhình nhận ra chất giọng ấm áp, nhẹ nhàng ấy không người con trai nào ở đây có được. Thầy ngồi xuống cạnh Nhình. Nhìn những bông hoa lửa, thầy tâm sự:

- Quê thầy cũng có cây gạo rất to ở đầu làng. Khi các loài hoa xuân sắp tàn hết, cây gạo mới bung nở. Hồi nhỏ thầy hay nhặt những cánh hoa gạo về nhà, viết chữ lên đó rồi ghép chúng lại. Những dòng chữ thể hiện ước muốn trẻ con nhưng lại vô cùng tha thiết. Những cánh đỏ au xếp bên nhau cùng dòng chữ vụng về thỏa nỗi khát khao con trẻ.

Nghe thầy kể, Nhình như đang lạc chốn nào. Thầy nói mà như đang rót vào tai Nhình muôn ngàn giọt mật ngọt.

- Con người ai cũng có ước mơ. Nghịch cảnh chỉ làm cho ước mơ ấy thêm lung linh hơn. Hãy vươn lên, chạm tay vào nó. Tối nay đến nhé! Tôi sẽ dạy em.

Thẫn thờ lúc lâu, Nhình mới gật đầu trong vô thức. Có điều gì đó thôi thúc Nhình vượt qua nỗi sợ hãi vô hình.

Tối hôm đó, Nhình ăn vội bát cơm rồi chui tót vào buồng, bày ra tấm áo đan dở hôm trước. Vừa đan vừa hồi hộp ngóng ra gian nhà ngoài. Khi nghe thấy bố đã cất tiếng ngáy đều đều, Nhình nhẹ nhàng cất tấm áo vào chiếc gùi treo trên vách nứa, vơ lấy đèn pin, rón rén bước ra khỏi nhà. Dưới ánh đèn leo lét. Thầy Minh tận tình chỉ dạy cho Nhình từng mặt chữ. Nhình nuốt lấy từng lời thầy dạy như sợ không còn cơ hội. Đêm trôi thật nhanh...

Cứ thế, đêm đêm Nhình đến nghe thầy dạy. Ngày ngày đi rừng, lên nương Nhình đều tranh thủ học. Khi bóc quế, Nhình viết những chữ nguệch ngoạc lên thân quế vừa tróc vỏ bằng viên than củi. Lúc nấu cơm, Nhình cào tro bếp ra, viết đi viết lại những chữ mới học. Sau một thời gian, Nhình đã đọc được các chữ cái và có thể viết chúng. Tuyệt vời hơn, Nhình  đã viết được tên mình.

***

Cây gạo xù xì đang bắt đầu thả những đốm lửa rơi. Từng cánh đỏ theo gió bay trong không gian, rụng đầy dưới gốc. Mỗi chiều đi rừng bóc quế về, Nhình đều ngang qua gốc cây gạo, nhặt lấy những cánh hoa bỏ vào tay nải. Tối tối, sau mỗi buổi học về, dưới ánh đèn dầu leo lét, Nhình cặm cụi viết tên mình lên những cánh hoa. Viết mãi, viết mãi mà Nhình vẫn chẳng thấy đẹp như chữ của thầy. Những cánh hoa chất đầy trên bàn như đống than đang cháy đỏ rực.

Một chiều, Nhình đang lúi húi nhặt những cánh hoa thì thầy Minh đến. Thầy đưa cho Nhình một cánh hoa có chữ rất đẹp. Nhình nhận ra ngay chữ đó là tên mình. Những nét chữ của thầy như đoàn vũ công đang múa. Đúng lúc ấy Chơ chợt đi ngang qua. Hắn cưỡi chiếc xe Minsk màu đen mua được từ tiền đi buôn lậu. Thấy Nhình ngồi cạnh thầy, mắt Chơ như có hai hòn than đang cháy trong đó. Từ hôm lên nhà tìm Nhình, hắn bỗng mất hút. Chắc hắn vừa tham gia vận chuyển chuyến hàng lậu mới. Chơ luôn tìm ra những con đường chỉ mình hắn biết nên rất được giới chủ buôn lậu tin cậy.

Chơ lướt ngang qua, để lại đám khói đen sì. Nhình xin phép thầy về trước. Đêm ấy, Nhình không đến học. Dưới ánh đèn, Nhình nhìn thật kỹ từng nét chữ thầy viết trên cánh hoa rồi cặm cụi viết theo. Mải mê viết đến hết sạch những cánh hoa lúc chiều nhặt được, Nhình ngủ thiếp đi khi nào không hay. Sáng ra đã thấy bố ngồi ở gian ngoài, trên tay ông cầm nắm hoa với những nét chữ thô vụng. Bố gằn giọng, Nhình sợ hãi nép vào sát người chị dâu đang ngồi gần đó. Bố cầm nắm hoa ném vào bếp lửa. Những cành củi quế đang cháy đượm gặp đám hoa tươi liền bốc khói nghi ngút, đám khói xanh lè tràn ra bủa vây gian bếp. Sợ bố đốt hết những cánh hoa còn lại, Nhình vội nhét chúng vào túi áo đang mặc rồi theo chị dâu lên rừng bóc quế.

Sáng hôm đó trời mây u ám. Hơi sương bám trên cây mãi chẳng chịu về trời. Đang cặm cụi bóc vỏ quế thì có ai đó từ phía sau lấy tay bịt miệng Nhình lại. Tiếp đó có thêm hai tên nữa ập đến. Một tên giữ chân một tên giữ tay. Nhình bị nhét giẻ vào miệng không thể kêu thành tiếng. Tên còn lại nhanh chóng lấy dây thừng trói Nhình lại. Trói xong, chúng đặt Nhình lên vai, vác thẳng vào rừng. Nhình cố nhúc nhích bàn tay để thò vào túi áo. May sao hai ngón tay em thọc được vào nách túi đang bị bó sát sườn. Em móc từng cánh hoa thả xuống. Cách vài mét lại thả một cánh. Mấy tên kia vác Nhình chạy thục mạng nên không phát hiện ra việc Nhình thả hoa.

Chị dâu bóc xong một bó vỏ quế, chuẩn bị mang về thì không thấy Nhình. Chị gọi nhưng chỉ có tiếng chị vọng lại từ vách núi. Chị nhìn quanh khu vực Nhình bóc quế, đồ nghề vẫn ở đó mà không thấy người đâu. Nhặt được một cánh hoa gạo đỏ rơi gần đó, biết có chuyện không lành nên chị chạy vội về nhà báo tin. Thầy Minh đang dạy trong lớp thấy dân bản nhốn nháo, trai tráng tập hợp liền chạy ra xem. Cầm cánh hoa có tên Nhình từ chị dâu, thầy nhận ra nét chữ nên bảo chị dâu đưa đến vị trí nhặt hoa. Thầy tìm mấy lượt thì thấy thêm cánh hoa khác. Cứ thế, thầy cùng trai tráng trong bản lần theo hướng những cánh hoa Nhình thả.

Sau khi vác Nhình đến sát biên giới, mấy tên kia dừng lại ở một hang đá. Chúng chờ trời tối mới tìm cách đưa Nhình vượt biên. Qua tiếng nói chuyện, Nhình nhận ra giọng Chơ. Nhình cố giãy giụa nhưng vô ích vì chúng trói quá chặt.  

Những cánh hoa đỏ Nhình thả dẫn thầy Minh cùng đám trai bản đi đúng hướng. Chẳng lâu sau họ cũng đến được hang đá. Bị tập kích bất ngờ, Chơ và đồng bọn hốt hoảng chạy tán loạn. Thầy Minh cởi trói cho Nhình, thầy xoay người Nhình một vòng xem có bị thương ở đâu không. Đúng lúc này, bố Nhình cũng kịp tìm đến. Ông chạy lại ôm lấy con gái. Suýt nữa thì ông đã mãi mãi không được gặp lại Nhình. Cầm cánh hoa gạo có chữ viết của con gái trên tay, ông quay lại cảm ơn thầy giáo. Nhờ có những chữ của thầy, Nhình đã kịp thời được giải cứu. Đêm đó, bộ đội biên phòng đã bắt gọn nhóm của Chơ đang lẩn trốn trên biên giới.

Những ngày sau, điểm trường Khuổi Phụ có thêm một học sinh đặc biệt. Dù đã sắp bước qua tuổi thiếu nữ nhưng những con chữ vẫn khiến Nhình say mê học, bởi thầy Minh đã nói: “Học không bao giờ là muộn cả”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùa hoa gạo