Mùa mưa mòi đã đến
Đã gần một tuần nay, bầu trời Hà Nội sương nước mây mù trong mưa bay phơi phới suốt buổi sáng nhưng lại giãn ra vào lúc trưa chiều, đôi khi còn loe nắng và có buổi nắng oi đến bất ngờ.
Khung cảnh ấy làm tôi chợt nhớ đến câu tục ngữ của các bậc tiền nhân: “Sáng mưa mòi, trưa nắng lòi mắt ra”. Vậy là mùa mưa mòi đã đến, mùa mưa khiến lớp người cũ như tôi hồi tưởng về những ngày ấu thơ theo mẹ từng bước chông chênh trên bờ ruộng ngô ra bờ bãi sông Hồng đón bố lấy cá mòi về bán cho kịp buổi chợ...
Cá mòi là loài cá sống ở vùng nước lợ, nơi cửa sông Hồng đổ ra biển. Hằng năm, vào cữ từ cuối tháng Giêng trở đi, khi mùa xuân ấm áp ùa đến thì cũng là mùa cá mòi sinh sản. Chúng lũ lượt từng đàn mê mải ngược dòng sông Hồng lên đẻ trứng rồi đến khi trứng nở, đàn cá con ra đời lại theo dòng nước xuôi về nơi bố mẹ chúng sinh sống vùng cửa sông. Quãng thời gian này, bố tôi và nhiều chú bác trong làng lại tòng teng đoạn sào tre nhẵn bóng màu gác bếp trên vai, một bên là cái vợt bên trong có mấy mớ lưới, một bên là cái lồng đựng cá, tay cầm đôi dầm tre dùng để bơi thuyền đi ra bờ sông từ 3 - 4h sáng để thả lưới bắt cá ngược dòng buổi sớm.
Ngoài bãi bồi sát với ruộng ngô là dãy thuyền thúng úp liền nhau san sát thành hàng, không cần khóa giữ cũng không ai nhầm lẫn thuyền của nhau. Bố tôi vẫn kể, để bắt được cá phải bơi thuyền ngược dòng sông vượt qua bến phà Khuyến Lương lên đến gần cầu Long Biên, rồi một tay bơi thuyền, một tay giăng lưới đón những đàn cá ngược dòng bơi lên. Thuyền trôi xuống đến điểm ban đầu lại bơi ngược dòng lên để giăng những mẻ lưới mới.
Đầu mùa muốn bắt cá phải đi buổi sớm, nhưng cuối mùa khoảng tháng 2 đến đầu tháng 3 âm lịch lại đi thả lưới bắt cá từ 6 - 7h tối. Cá mòi thịt thơm mềm, khi rán hoặc nướng trên than hoa thì thơm đến nức mũi, khi kho nhừ cũng là món ăn đưa cơm đậm đà khó quên. Đến gần cuối mùa cá mòi thì còn thỉnh thoảng xuất hiện loài cá cháy. Cá cháy nhiều trứng và béo, thịt thơm ngon, có con nặng đến hơn một cân. Bố tôi bảo may mắn mới bắt được cá cháy, nên hễ khi có chú cá cháy nào mắc lưới cũng không ai bán, để dành chế biến rán giòn hoặc kho tương ngô cho cả gia đình cùng thưởng thức.
Cuối mùa xuân, cùng với cá mòi, cá cháy còn có sự xuất hiện của con vờ - loài sâu đất sinh sống ở vùng bãi bồi sát bờ nước sông. Mùa xuân cũng là mùa sinh nở của con vờ. Vào những buổi sớm sương giăng mù trời chưa rõ mặt người thì những con sâu đất đến kỳ sinh sản cựa quậy ngóc dần lên từ lớp đất bồi. Chúng rủ nhau lột xác sâu, mọc ra đôi cánh trắng mỏng mịn, ngước đôi mắt đen tròn nhìn ngắm đất trời rồi se sẽ bay lên tìm bạn đời từng đôi xoắn xuýt giao hoan giữa mênh mang trời đất. Càng về sáng, chúng bay lên càng nhiều, hết đợt này đến đợt khác chao liệng vẽ vòng trong màn sương tạo nên khung cảnh rất sống động. “Cuộc vui” kéo dài chừng gần một tiếng, khi trời sáng dần thì chúng rã rời đôi cánh rồi lả tả rơi dưới sóng nước sông đẻ trứng. Trứng dạt vào bờ cát được lớp đất bồi ấp ủ chở che lớn dần lên thành sâu rồi lặp lại chu kỳ sinh nở mới.
Những ngày ấy, tôi thường dặn mẹ gọi dậy sớm cùng các bạn đội rổ ra bờ sông lội xuống bờ cát lấy rổ con xúc từng đám vờ dập dềnh trên sóng đổ vào rổ to. Ra cầu ao rửa vờ phải bẻ cành lá ô rô khuấy trong lòng rổ cho xác sâu và cánh vờ còn sót lại sẽ dính vào nhành cây để nhấc bỏ đi. Con vờ rang với lá chanh dậy mùi thơm khó tả. Đó cũng là món ăn dân dã một thời của người dân ven sông Hồng mỗi khi mùa mưa mòi đến. Giờ đây, những món ăn chế biến từ con vờ đã thành đặc sản trong các nhà hàng…
Bầu trời hôm nay vẫn lất phất mù sương buông trắng một vùng, tôi ngỡ như gặp lại hình ảnh bố gò lưng mải miết bơi con thuyền thúng nhỏ nhoi theo đàn cá mòi ngược dòng sông Hồng mỗi sớm. Bỗng nhiên tôi muốn phóng xe máy về ngồi bên bờ lở con sông để đăm đắm nhìn vào khoảng không nơi đàn vờ vui thú bên nhau một thuở...