Lại thêm Phạm Đình Hổ, Tế tửu Quốc tử giám nhà Nguyễn, viết về người Thăng Long: “Tràng An tiểu nhi nữ/ Mi đại nguyệt song loan/ Vị ái mai hoa khiết/ Lâm phong bất giác hàn” (Người thiếu nữ Tràng An/ Mày như đôi trăng cong/ Ngắm hoa mai tinh khiết/ Giữa trời, mặc gió đông)(2). Đúng là nho sĩ đa tình! Cảnh ấy, người ấy, dễ nơi nào tao nhã thế?
Nguyễn Huy Lượng, làm quan cả thời Lê lẫn thời Nguyễn, tả cảnh Tây Hồ: “Dư nghìn mẫu nước trời lẫn sắc/ Trải bốn bên hoa cỏ nhiều mùa...”. Rồi ông bảo: “Vẻ hoa lẫn dấu cờ năm thức/ Mặt nước in bóng giáo ba ngù/ Lễ nhạc ấy nghìn thu ít thấy/ Phong cảnh này mấy thuở nào so”. Phú, mà đẹp như thơ vậy!
Thời Nguyễn, danh sĩ Nguyễn Văn Siêu viết về sông Hồng ngày ấy: “Duyên lưu yên hỏa thiên thôn quýnh/ Bạc phố châu phàm vạn lý thông” (Suốt dòng xa, lửa ngàn xóm lập lòe bên khói sóng/ Chật bến gần, thuyền giương buồm vạn dặm hẹn đường khơi), “Vân đê viễn thụ tà khuy thủy/ Thiên khoát cao lâu dị đáo không” (Mây sà thấp, cây xa lồng bóng nước/ Trời rộng ra, lầu gác chạm tầng không)(3). Chả thế mà ông cho xây đền Ngọc Sơn và dựng Tháp Bút, rồi chính ông đến đền Ngọc Sơn làm thơ: “Hồ thượng cô sơn sơn thượng lâu/ Thanh phong đình ngọ bạc song châu/ Hoa không vãng tích xuân tương mộ/ Kiếm hữu dư linh khí dục thu” (Núi lẻ trên hồ, lầu trên núi/ Gió nhẹ, thuyền đôi đậu bến trưa/ Hoa hết, bỗng từ trong xuân muộn/ Hơi kiếm xưa về tựa gió thu)(4).
Với bạn ông - danh sĩ Cao Bá Quát ("thần Siêu, thánh Quát"), cảnh quan Thăng Long kỳ vĩ còn hơn thế: “Tế Bắc sơn liên bình dã hợp/ Trực Nam vân nhập đại hoang không/ Thành y Long Đỗ kiêm thiên tráng/ Lãng quyển đào hoa sách địa hồng” (Ngó Bắc núi cao kề châu thổ/ Nhìn Nam trời lớn cuộn ngàn mây/ Rốn Rồng thành quách vươn uy tráng/ Sóng cuốn hoa đào vạn sắc bay)(5). Hồn cốt Thăng Long sừng sững, đế vương! Sau này có người viết: “Sông Hồng, Sông Hồng, ngang trời sóng đỏ” thì cũng là cảm quan ấy.
Bà huyện Thanh Quan, thời cuối Lê, đầu Nguyễn thì hoài cổ: “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”; “Mấy giò sen rớt hơi hương ngự/ Năm thức mây phong nếp áo chầu”. Đẹp đến nao lòng!
Dương Khuê, thời Nguyễn, bạn của Nguyễn Khuyến, thì dịu dàng: “Phất phơ ngọn trúc, trăng tà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ” (Hà thành tức cảnh). Giản dị đến nỗi nhiều người nhầm là ca dao. Giản dị mà đặc trưng/tiêu biểu Thăng Long.
Ngay cả khi thất thế, ông Hoàng Hiền (Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền), thời Nguyễn vẫn còn lưu luyến/ ngợi ca sen Tây Hồ: “Mạn phóng liên hoa chiếu tửu bôi” (Hoa sen Tây Hồ thả sắc vào cả chén rượu).
Không chỉ đẹp vì vẻ hào hoa, vẻ hào hùng của Thăng Long càng khiến kinh đô thêm hoàn mỹ. Thăm bến Chương Dương, Nguyễn Văn Siêu viết: “Nguyên nhân vô yếm tứ lăng xâm/ Bách vạn Nam lai độc cựu cầm/ Tranh đạo chiết xung đa tướng lược/ Thùy chi sát Thát thử nhân tâm” (Người Nguyên càn lấn đất vua Trần/ Sang Nam bị bắt trăm vạn quân/ Cứ bảo phá thù do tướng giỏi/ Ai hay sát Thát tự lòng dân)(6).
Ông nghè (Tiến sĩ) Vũ Tông Phan, thời Nguyễn, qua “Kiếm Hồ” (Hồ Gươm) vẫn thấy: “Bảo khí đương niên ẩn Đẩu Ngưu” (Hơi gươm báu xưa giờ vẫn náu trong sao Ngưu sao Đẩu), qua đền Ngọc Sơn cũng vậy: “Đẩu khí thâm sơn tự” (Hơi gươm báu xưa tẩm đẫm vào chùa núi).
Cao Bá Quát thì vịnh Phù Đổng Thiên Vương: “Kim tiên phá lỗ thiên thanh chấn/ Thiết mã đằng không cổ tích kỳ/ Việt điện càn khôn lưu vĩ tích/ Ân giao thảo mộc thức dư uy/ Chí kim từ vũ tùng phong động/ Do tưởng đương niên đắc thắng quy” (Roi vàng phá giặc, trời xanh động/ Ngựa sắt lên không, chuyện lạ kỳ/ Cao dày xứ Việt ghi công lớn/ Cây cỏ nhà Ân còn nghe uy/ Giờ nghe thông réo quanh đền miếu/ Còn thấy Thiên Vương đắc thắng về)(6).
*
* *
Thơ cổ/cận đại đã vậy. Đến thời ta, dòng thơ ấy vẫn còn chảy tiếp.
Thăng Long - Hà Nội qua thơ Huỳnh Văn Nghệ có kiểu tráng lệ không thể bì: “Từ buổi mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Hai câu thơ của “Thi tướng rừng xanh” có thể lấy làm slogan cho tình yêu Hà Nội xưa nay.
Không thể không nhắc tới Vũ Đình Liên với những vần thơ đã trở thành câu “cửa miệng” của người Hà Nội: “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu, giấy đỏ/ Trên phố đông người qua...”.
Hồ DZếnh lấy cảm hứng bi - mỹ từ Loa Thành: “Người xưa xa rồi! Lông ngỗng hết/ Người xưa xa rồi! Tình xưa không chết/ Nghìn năm trăng sáng đất Phong Châu/ Duyên cổ còn mơ vạn kiếp sầu”. Có một nhà thông thái từng nói: “Cái đẹp buồn là cái đẹp có sức chinh phục lòng người lớn nhất”. Hồ DZếnh chắc không thể không biết câu này.
Quang Dũng cũng rất bi - hùng, bi - mỹ về Hà Nội: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm/ Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Cái câu cuối, chỉ những anh lính thư sinh Hà Nội mới hiểu được, viết được!
Trương Thị Kim Dung có một khổ thơ Hà Nội hay: “Sen đang mùa rất cốm/ Thơm bước theo lối mòn/ Tỉnh vì chuông cõi tịnh/ Trời cũng ngày tân hôn”.
Trinh Đường nhìn/nghĩ về Cỏ Bồ Đề: “Kể từ đất nước Văn Lang/ Phải màu cỏ ấy xanh sang các đời/ Cỏ xanh qua mấy lở bồi/ Qua bao giông bão, mấy hồi trầm luân”.
Tế Hanh đang ở Hàng Châu - Trung Hoa mà lòng thì tại Hà Nội: “Tiếng mùa thu đem sóng vỗ bên mình/ Vơ vẩn tình chăn, chập chờn gối mộng/ Anh mơ thấy Hàng Châu thành Hà Nội/ Nước Tây Hồ bỗng hóa nước hồ Tây”.
Hà Nội của Chính Hữu có “Đêm Hà Nội buốt tê/ Mái buồn nghe sấu rụng”, nhưng cũng có những vần thơ lẫm liệt máu lửa ngày đầu kháng chiến chống Pháp, sau đó được nhạc sĩ Lương Ngọc Trác, người đồng đội cùng Trung đoàn Thủ đô với ông, phổ nhạc trong Ngày về: “Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa/ Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng/ Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng/ Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm/ Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm/ Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa/ Mái đầu xanh thề mãi đến khi già/ Phơi nắng gió. Và hoa ngàn cỏ dại/ Nghe tiếng gọi của những người Hà Nội/ Trở về, trở về chiếm lại quê hương”. Khí hào sảng này cũng nằm trong ca từ Cảm xúc tháng Mười của Nguyễn Thành, vốn là thơ Tạ Hữu Yên: “Không thể nói trời không trong hơn/ Và mắt em xanh khác ngày thường/ Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy/ Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường”.
Thi Hoàng có nhiều câu thơ “rất Hà Nội”: “Con đường phân vân không biết về đâu/ Tiếng vang mơ hồ trên vòm cây lịch lãm.../ Bằn bặt dấu chân xưa trên nền cỏ tuyết nhung/ Xóm Hà Hồi hay ngõ Tạm Thương/ Cơm trắng đũa mun ngày vừa ốm dậy/ Ngỡ bên tai tàu điện leng keng/ Mặt hồ Thiền Quang xanh màu bánh cốm/ Khói nhang rờ rẫm đá văn bia.../ Cửa gương mê man cặp lông mày đài các/ Hàng Đào, Hàng Ngang phố thơm vào mưa.../ Có nghìn năm trong khoảng không động đậy/ Em hay chuông đền Ngọc Sơn vừa đội nón đi qua”.
Trần Thị Mỹ Hạnh cũng Có một Hà Nội cổ: “Có một kinh thành cổ/ Trong anh và trong em/ Bát bún thang cà cuống/ Ngõ Cấm Chỉ lên đèn.../ Những ngôi nhà hình ống/ Phố Hàng Đào, Mã Mây/ Ngói âm dương hợp lại/ Nước giếng khơi mát đầy”.
Mai Văn Phấn viết về Nghi Tàm, tưởng nhẹ mà nặng: “Tiếng thời gian khoan nhặt/ Bên thềm rêu gọi hè/ Không gian như phủ chúa/ Hoa cười vang cung mê/ Màu hoa chừng rất vội/ Hồn ta cứ la đà/ Chắp tay làm chiếc lá/ Ngỡ mặt mình đơm hoa”.
Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh viết giữa Hà Nội mà đã thấy xa xăm: “Sân ga chiều em đi/ Bàn tay da diết nắm/ Vừa thoáng tiếng còi tàu/ Lòng đã Nam đã Bắc”.
Nhà thơ phố núi Kon Tum Tạ Văn Sĩ thì hoài niệm: “Vẫn đấy, gió mùa đông bắc thổi/ Thoảng về hương cốm những thu xưa/ Vần thơ hoài cổ còn đâu đó/ Theo nhịp ca trù sênh phách đưa/ Vẫn đấy, muôn xưa hồn phố thị/ Quanh quẩn chưa tròn năm cửa ô/ Khuya đã bao giờ không để ý/ Trăng xế về ngang phía Tây Hồ/ Em ạ, ta qua bao ngõ mới/ Thành xưa phố cổ vẫn rêu phong/ Chân đang đi giữa lòng Hà Nội/ Mà hồn vời vợi nhớ Thăng Long”.
Nguyễn Đình Thi lại “càng” Hà Nội: “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may/ Người ra đi, đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng, thềm nắng lá rơi đầy”.
Hà Nội trong thơ Phan Vũ, qua nhạc Phú Quang, đã trở thành một “thương hiệu”: “Em ơi, Hà - Nội - phố/ Ta còn em mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa/ Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ/ Ai đó chờ ai, tóc xõa vai mềm...”.
Trăm cách cảm, biết, thấy, yêu, hiểu Hà Nội suốt cả ngàn năm! Kiểu như:
“Có một Thăng Long xa lắm
“Lối xưa, xe ngựa, hồn thu...”
Có một Thăng Long đang thở
Bên ta, từng phút từng giờ…
Có một Thăng Long thương nhớ
Người đi mở cõi mơ về
Có một Thăng Long thon thả
Khép hờ vạt áo ngoài kia”.
(1), (2), (3), (4), (5), (6) do Đỗ Trung Lai tạm dịch