Thêm cơ hội phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long
Ngày 24-7, trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 46, Ủy ban Di sản thế giới diễn ra tại Trung tâm hội nghị Bharat Mandapam, New Delhi (Ấn Độ), Ủy ban Di sản thế giới (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc - UNESCO) chính thức thông qua định hướng bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội).
Quyết định này không chỉ ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết từ khi di sản được ghi danh vào năm 2010, mà còn mở ra cơ hội khôi phục trục hoàng đạo và không gian chính điện Kính Thiên. Đây cũng là nội dung quan trọng nằm trong Dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.
Tại kỳ họp nói trên, Ủy ban Di sản thế giới đã ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong quá trình thực hiện toàn bộ các cam kết của Chính phủ Việt Nam từ khi di sản được ghi danh vào năm 2010 đến nay. Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang nhận định, việc hồ sơ bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được thông qua mở ra cơ hội khơi thông trục hoàng đạo, tiến tới khôi phục không gian chính điện Kính Thiên. “Sau khi Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO thông qua định hướng bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội sẽ thực hiện công tác bảo tồn, từng bước phục dựng theo đúng quy trình”, ông Nguyễn Thanh Quang cho biết.
Trước đó, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã lập báo cáo đề xuất thành phố Hà Nội chủ trương đầu tư 3 dự án, trong đó có dự án tái hiện không gian và điện Kính Thiên. Việc nghiên cứu, phục dựng điện Kính Thiên nhằm giải mã những bí ẩn kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long, qua đó làm sáng rõ hơn giá trị khoa học của những phát hiện khảo cổ học và giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.
Kết quả nghiên cứu gần đây nhất của Hội Khảo cổ học Việt Nam cho thấy, Kính Thiên là tòa điện được xây dựng trên cấp nền cao, phía trước có thềm đá chạm rồng gồm 11 bậc, phân làm 3 lối đi, lối chính giữa dành cho nhà vua, hai bên dành cho các đại thần. Theo PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, tuy đây mới là kết quả nghiên cứu ban đầu, còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, kiểm chứng, nhưng hình ảnh liên quan tới việc phục dựng điện Kính Thiên được giới thiệu dựa trên cơ sở khoa học tin cậy, xác thực, giúp công chúng và giới khoa học có thể hình dung rõ hơn về vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long xưa, cùng với những nét tương đồng và sự khác biệt đặc sắc của kiến trúc cung điện Việt Nam trong lịch sử kiến trúc cung điện cổ ở khu vực Đông Á. Còn theo PGS.TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, việc phục dựng điện Kính Thiên không chỉ hoàn thiện phần bên ngoài mà còn cần tính toán cả phần nội thất, công năng của công trình…
Tại Hội thảo khoa học “Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2023 và kết quả khai quật nghiên cứu khảo cổ từ năm 2011 đến nay tại Hoàng thành Thăng Long” diễn ra vào cuối năm 2023, các chuyên gia lịch sử, văn hóa, khảo cổ học cho rằng việc sớm phục dựng điện Kính Thiên là rất cần thiết; việc này phải được tính toán kỹ trên cơ sở khoa học và công tác khảo cổ cần được tiếp tục mở rộng có trọng tâm.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang cho biết, trung tâm đã tổ chức trưng bày hình ảnh, hiện vật là kết quả quan trọng của đợt khai quật vừa qua để người dân và du khách hiểu rõ hơn về những giá trị to lớn của khu di sản. Thời gian tới, trung tâm tiếp tục phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam xây dựng “Chiến lược khảo cổ học tại khu vực trục trung tâm Hoàng thành Thăng Long”, trong đó trọng tâm là chính điện Kính Thiên và không gian chính điện Kính Thiên. “Công việc khảo cổ và các phương án phục dựng sẽ được thực hiện thận trọng, đúng quy trình, trên cơ sở bảo đảm đúng các quy định của Công ước Di sản thế giới, tuân thủ cam kết của Việt Nam, phát huy hơn nữa giá trị nổi bật toàn cầu của di sản”, ông Nguyễn Thanh Quang khẳng định.