Sống đẹp

Nghệ nhân “thắp sáng” đèn ông sao

Bảo Anh 18/09/2023 - 14:01

Dù hầu hết người dân làng Hậu Ái (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức) nay đã chuyển sang làm công việc khác, thế nhưng nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến vẫn miệt mài làm đèn ông sao truyền thống mỗi dịp Trung thu.

Người phụ nữ ở tuổi ngoài 60 làm công việc này không chỉ vì kiếm sống, mà còn để giữ "hồn làng".

trungthu.jpg
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến (phải) hướng dẫn cách làm đèn ông sao truyền thống.

Người giữ gìn vốn cổ

Từ trung tâm Thủ đô đi về phía Tây 15km, băng qua con đường nhựa thẳng tắp là đến làng Hậu Ái. Từng một thời là "thủ phủ” sản xuất đồ chơi Trung thu truyền thống, ngôi làng giờ đã đìu hiu, vắng vẻ.

"Cơn bão" đồ chơi Trung Quốc giá rẻ, sản xuất theo hướng công nghiệp đã dẫn đến sự biến mất của một làng nghề có truyền thống lâu đời. Điều đó làm những bậc cao niên, những người tâm huyết với làng luôn day dứt.

Nhưng may thay họ đã được an ủi phần nào khi ở làng quê xứ Đoài ấy có một người phụ nữ vẫn gắn bó với chiếc đèn ông sao truyền thống.

Theo chỉ dẫn của người dân trong làng, chúng tôi đã có mặt tại ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Tuyến, người được coi là nghệ nhân cuối cùng giữ "hồn làng" qua những chiếc đèn ông sao truyền thống. Bà Tuyến niềm nở đón khách.

Với bà, cứ mỗi vị khách đến để trực tiếp xem bà làm, để nghe câu chuyện bà kể là niềm hạnh phúc vô bờ, bởi khi đó bà thấy ngoài kia vẫn có người yêu thích đồ chơi truyền thống và đó là động lực để bà tiếp tục công việc này suốt nửa thế kỷ qua.

"Gia đình tôi có 3 đời làm đồ chơi Trung thu nên công việc này đã trở thành một phần máu thịt không thể thiếu. Nhiều khi muốn từ bỏ mà không được, bởi tôi bị sợi dây vô hình níu kéo" - bà Tuyến nói.

Lý giải sâu thêm về tình yêu với nghề truyền thống, bà Tuyến cho biết, năm bà lên 8 tuổi đã được mẹ truyền nghề. Lúc còn bé thì bà chỉ được giao làm những công việc như dán giấy màu, sau này "cứng cáp" hơn thì bà mới được làm khung.

"Để làm ra chiếc đèn ông sao cần nhiều công đoạn kỳ công. Đặc biệt, do mọi công đoạn đều làm thủ công nên người thợ phải có đôi bàn tay khéo léo, đức tính kiên nhẫn, mắt tinh và có khả năng quan sát nhanh nhẹn. Tất nhiên làm nghề nào cũng cần phải có tình yêu, sự say mê và chính điều đó đã là động lực để tôi không bỏ nghề. Đến dịp Trung thu mà không làm đèn cho các cháu thì mình cảm thấy thật trống vắng" - bà Tuyến chia sẻ.

Bà Tuyến bảo, khi làm đèn ông sao truyền thống, người thợ mang câu chuyện cổ tích của người xưa khéo léo lồng ghép vào từng chi tiết nhỏ nhất trên chiếc đèn.

"Đèn ông sao vừa đại diện cho ngôi sao năm cánh trên quốc kỳ, vừa thể hiện ước muốn hòa bình của người Việt. Đèn con thỏ là dựa vào truyện Thỏ Ngọc cứu bạn trong đêm rằm tháng Tám. Người làm phải hiểu được câu chuyện, ý nghĩa của từng loại đèn thì chiếc đèn mới đẹp và có hồn.

Trong các công đoạn thì khâu dán giấy lên khung đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận nhất. Nhiều khách hàng rất khó tính, họ quan sát kỹ từng chi tiết, nếu không ưng ý là họ không mua. Làm đồ chơi Trung thu cũng cần thường xuyên cập nhật xu hướng mới, thay đổi mẫu mã, màu sắc thì mới đáp ứng được nhu cầu của khách hàng" - bà Tuyến cho biết.

Theo bà Tuyến, để chuẩn bị làm ra những chiếc đèn ông sao làm quà cho trẻ em ngày rằm tháng Tám, gia đình bà chuẩn bị mua nứa từ đầu tháng Năm âm lịch. Kinh nghiệm cho thấy, muốn làm chiếc đèn ông sao cứng cáp, đẹp thì nứa phải già, có độ chắc, khỏe. Công việc khá vất vả, thu nhập lại không đáng là bao nhưng cứ nghĩ đến việc trẻ em hân hoan bên chiếc đèn ông sao trong ngày Tết Trung thu là bà lại phấn chấn, quyết tâm hơn nữa.

"Thú thực, công việc này chỉ lấy công làm lãi. Trung bình tôi chỉ nhận được khoảng 10 - 15 nghìn đồng cho mỗi giờ lao động, như vậy một ngày nếu làm 8 tiếng thì được khoảng 100 nghìn đồng. Mức thù lao thấp hơn rất nhiều so với những công việc chân tay khác, như sản xuất nông nghiệp hay lao động tại các khu công nghiệp. Đổi lại, nghề này cho tôi niềm vui, niềm hạnh phúc, nhất là khi thấy các cháu nhỏ được vui chơi bên chiếc đèn ông sao được làm từ nguyên liệu chủ yếu lấy từ thiên nhiên nên không ảnh hưởng tới sức khỏe" - bà Tuyến bộc bạch.

Niềm động viên, khích lệ lớn lao

Tuy người dân trong làng quay lưng với nghề truyền thống nhưng các cấp chính quyền địa phương vẫn luôn quan tâm, động viên và tạo điều kiện để bà Tuyến tiếp tục giữ nghề.

"Mỗi dịp Trung thu đến, chính quyền và đại diện các đoàn thể xã đã thường xuyên thăm hỏi, động viên để gia đình tôi giữ nghề. Hằng năm, Đoàn Thanh niên của thôn đã tổ chức hoạt động phá cỗ Trung thu mà đèn ông sao đều được mua của gia đình tôi. Đó như một sự nhắc nhở thế hệ con cháu hãy gìn giữ nét đẹp văn hóa cổ truyền, giúp các em hình thành nhận thức, hiểu thêm về nghề truyền thống của làng" - bà Tuyến nói.

Không dừng lại ở những hoạt động tại địa phương, hằng năm, theo lời mời của ban tổ chức, bà Tuyến còn tích cực đến các địa điểm như Bảo tàng Dân tộc học, không gian đi bộ khu vực hồ Gươm, các khu nhà cổ trên phố Mã Mây, Hàng Đào... để giới thiệu về cách làm cũng như giá trị của đồ thủ công truyền thống trong đời sống người Việt.

"Có đi mới thấy nhiều người, nhất là các em nhỏ vẫn còn yêu thích chiếc đèn ông sao truyền thống. Qua đôi mắt, qua những câu hỏi ngộ nghĩnh, đáng yêu của các cháu và đặc biệt là qua những sản phẩm mà các cháu tự tay làm, tôi thấy dường như nỗ lực của mình trong thời gian qua là chưa đủ. Năm nào cũng vậy, có bận tới đâu tôi cũng dành thời gian hướng dẫn và chia sẻ cho các cháu nhỏ về ý nghĩa của chiếc đèn ông sao.

Tôi mong muốn hình ảnh chiếc đèn ông sao truyền thống luôn tồn tại trong trí nhớ của trẻ thơ. Chính các cháu sẽ là những người gìn giữ nét đẹp văn hóa dân gian cho muôn đời sau" - bà Tuyến trải lòng.

Ghi nhận, đánh giá cao những cố gắng của nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến trong việc gìn giữ nghề làm đèn ông sao truyền thống, bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội khẳng định, bà Tuyến như một "báu vật" không chỉ của làng Hậu Ái.

"Trong một xã hội mà đồ chơi hiện đại có nguồn gốc nước ngoài ngập tràn, thật đáng quý, đáng trân trọng biết bao khi có những người lặng lẽ giữ nghề như bà Tuyến. Mặc dù không thể cạnh tranh được với đồ chơi hiện đại nhưng bà Tuyến vẫn làm đồ chơi truyền thống, thắp lên niềm tin về giá trị truyền thống của cha ông để lại" - bà Vinh nhấn mạnh.

Hành trình phía trước của nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến là rất gian nan, nhất là khi nghề này đã không còn sức hút với những người trẻ ở làng Hậu Ái. Nhưng bà luôn tin rằng một ngày nào đó nghề truyền thống này sẽ trở lại, rực rỡ và sôi động ở làng quê yên ả, thanh bình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghệ nhân “thắp sáng” đèn ông sao