1. Mới đây, NSƯT Xuân Chung và các diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam đã có chuyến lưu diễn tại Quảng Tây (Trung Quốc), biểu diễn nhạc cụ dân tộc Việt Nam “chung sân” với dàn nhạc giao hưởng của nước bạn. Thực ra, việc lưu diễn ở nước ngoài không quá lạ lẫm với nghệ sĩ Xuân Chung, nhưng trong chuyến đi này anh và cả đoàn gặp thử thách không nhỏ, đó là làm sao để âm nhạc dân tộc Việt Nam không bị lép vế trong tổng thể chương trình. Muốn vậy, anh phải mang được tư tưởng, khí phách và tâm hồn con người Việt Nam đến với khán giả thông qua những màn thổi sáo điệu nghệ của mình.
Ở Việt Nam hiện chưa có nghệ sĩ thổi sáo nào được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân; số nghệ sĩ được phong danh hiệu NSƯT chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nối tiếp các thế hệ NSƯT sáo trúc gạo cội như Đinh Thìn, Ngọc Phan, Tiến Vượng, Đinh Linh, Đức Liên…, Xuân Chung “nhập cuộc” đầy tin tự với khát khao cháy bỏng là được cống hiến. “Không thầy đố mày làm nên”, Xuân Chung luôn cảm thấy may mắn và biết ơn hai người thầy là nghệ sĩ Lê Thái Sơn và nghệ sĩ Ngọc Phan bởi nghệ sĩ Lê Thái Sơn chính là người đã phát hiện tài năng của Xuân Chung khi anh còn là cậu bé học lớp 5, còn NSƯT Ngọc Phan đã động viên, giúp đỡ để anh đến với con đường âm nhạc chuyên nghiệp.
Bộc bạch về quá trình đến với sáo trúc, nghệ sĩ Xuân Chung chia sẻ: “Sinh ra và lớn lên ở Đại Mỗ (nay thuộc phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nên từ bé tôi đã sớm tiếp xúc với tre nứa. Tôi có niềm say mê với cây sáo trúc, bởi đây là nhạc cụ dễ làm, dễ thổi hơn các nhạc cụ khác. Khi bắt đầu học năm đầu tiên Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, tôi đã vinh dự được nhận học bổng duy nhất của Mỹ tài trợ cho trường, đó là niềm động viên, khích lệ rất lớn với tôi trên con đường nghệ thuật. Khi đó thầy Ngọc Phan đã sáng tác một tác phẩm có tên “Gọi trăng” và tôi là người đầu tiên được chọn để thu thanh tác phẩm này phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam”.
2. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, nghệ sĩ Xuân Chung có thời gian 4 năm vừa giảng dạy tại trường vừa cộng tác với Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Nhưng rồi mối quan tâm tới những buổi biểu diễn nhằm lan tỏa tiếng sáo trúc đến gần hơn với khán giả đã khiến anh quyết định ở lại công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam từ năm 2005, nơi anh có điều kiện được tham gia biểu diễn trong các sự kiện tiếp khách quốc tế, được lưu diễn ở nước ngoài. Tính đến nay, anh đã tới hơn 50 quốc gia và ở đâu anh cũng cố gắng lan tỏa tiếng sáo dân tộc Việt Nam đến với bạn bè quốc tế với tâm niệm: “Ngôn ngữ của sáo trúc đôi khi còn có sức mạnh, sức lan tỏa hơn cả một bài diễn thuyết”.
Nghệ sĩ Xuân Chung nhớ mãi kỷ niệm vào ngày 6-5-2022, khi anh vinh dự được biểu diễn phục vụ Chủ tịch nước tiếp Tổng thống Hy Lạp với tác phẩm “Ngư phủ - Thủy triều khúc”. Đây là tác phẩm có kỹ thuật cao, mang xu hướng hiện đại, trong tác phẩm có rất nhiều đoạn cần thay đổi tiết tấu liên tục để thể hiện các sắc thái khác nhau, có đoạn da diết, tình cảm, có đoạn cao trào. “Đây được coi là tác phẩm khó, tôi đã cố gắng hết sức để có thể biểu diễn tốt. Tổng thống Hy Lạp đã ngợi khen và mong muốn tôi gửi video để ngài được xem lại. Đây thực sự là vinh dự rất lớn đối với một nghệ sĩ biểu diễn như tôi” - nghệ sĩ Xuân Chung chia sẻ.
Bên cạnh công việc biểu diễn, nghệ sĩ Xuân Chung đã tìm tòi, nghiên cứu để sản xuất các loại nhạc cụ tre nứa của các dân tộc cho nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp ở 3 miền như các loại đàn t'rưng cao, t'rưng trung, t'rưng trầm, đàn k'long put, đàn đinh pá, đàn goong, chinhgram, đàn đá… Hiện nay, trong gia đình nhỏ của anh ở phố Vạn Phúc (Hà Đông) đang lưu giữ gần 100 nhạc cụ dân tộc và anh coi đó là thú vui, là niềm hạnh phúc sau ánh đèn sân khấu. “Mỗi nhạc cụ có một tiếng nói, một sắc thái riêng thể hiện nét văn hóa của từng vùng miền. Với tôi, hằng ngày đi làm về, nhìn thấy nhạc cụ trong căn nhà của mình là mọi mệt mỏi được xua tan” - anh bộc bạch.
3. Năm 2019, nghệ sĩ Xuân Chung được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT, khi ấy anh mới 37 tuổi. Vinh dự, tự hào là đương nhiên, nhưng dù đã có được thành tích thì anh vẫn luôn tự nhắc nhở bản thân không được “ngủ quên trên chiến thắng”. Trong thời gian tới, anh muốn tiếp tục tìm tòi cây sáo ở các vùng miền khác nhau để học hỏi, sưu tầm và phát triển để đưa lên sân khấu biểu diễn chuyên nghiệp. Anh quan niệm, việc phát triển, nâng tầm cây sáo là để người nghe không thấy chán, và khi ấy người nghệ sĩ sẽ “giữ chân” được khán giả.
Phủ định suy nghĩ của nhiều người cho rằng, cây sáo chỉ biểu diễn được những bài hát dân ca truyền thống, NSƯT Xuân Chung đã sử dụng nhuần nhuyễn cây sáo trong nhiều tác phẩm kinh điển của Việt Nam và thế giới. Anh chia sẻ: “Thổi sáo nghe thì có vẻ dễ nhưng để thổi hay, thổi có hồn thì đòi hỏi quá trình tập luyện gian nan, người học phải thực sự đam mê, tâm huyết và quyết tâm. Điều quan trọng với người biểu diễn là luôn tìm tòi, sáng tạo để có thể truyền đến người nghe tinh thần và hồn cốt của tác phẩm”. Với các hoạt động biểu diễn, sáng tạo, sưu tầm sáo trúc, anh đang góp tiếng nói mạnh mẽ khẳng định giá trị, sức sống mãnh liệt của nhạc cụ này trong đời sống đương đại. Có thể thấy, tình yêu với cây sáo trúc và các loại nhạc cụ dân tộc là nguồn cảm hứng vô tận để anh sáng tạo nghệ thuật.