Người uy tín ở Ba Vì góp sức xây quê hương

Ánh Dương| 24/12/2022 06:07

(HNMCT) - Nhiều năm qua, người uy tín ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Ba Vì luôn tích cực tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các phong trào, các cuộc vận động: “Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Xây dựng ngõ, xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”... Làng trên xóm dưới chung tay phối hợp với các đoàn thể tham gia hòa giải những tranh chấp, khiếu kiện giữa các hộ gia đình trong thôn, xã..., góp phần giữ bình yên nơi thôn xóm vùng cao.

Đường xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) xanh - sạch - đẹp.

Vai trò nòng cốt của người uy tín

Vùng miền núi huyện Ba Vì có 7 xã với 76 thôn, là nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc thiểu số với 28.757 người ở 7.833 hộ gia đình. Hiện 76 thôn của các xã miền núi huyện Ba Vì có 76 người uy tín, trong đó có 51 người dân tộc Mường, 3 người dân tộc Dao và 22 người Kinh. Những người uy tín luôn phát huy vai trò tiên phong trong vận động nhân dân phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Điển hình là thôn Sổ thuộc xã Minh Quang nằm dưới chân núi Ba Vì. Thôn có gần 200 hộ và 938 nhân khẩu, gồm các dân tộc Kinh, Mường, Thái, Dao, trong đó người Mường chiếm 43%. Ông Nguyễn Huy Dần, người uy tín ở thôn Sổ cho biết: “Nhờ có sự đoàn kết trong phát triển kinh tế - xã hội, chung sức giữ gìn an ninh trật tự của nhân dân nên thôn Sổ được công nhận Làng văn hóa năm 2012 và duy trì đến nay. 93,5% số hộ trong thôn đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hóa, thôn không còn hộ nghèo, chỉ có 5 hộ cận nghèo (2,8%)".

Theo Chủ tịch UBND xã Minh Quang Nguyễn Tiến Tha, xã Minh Quang có 2 làng nghề chế biến miến dong và chè búp khô cùng hàng trăm hộ sản xuất, kinh doanh dịch vụ khác, góp phần nâng mức thu nhập bình quân lên 50 triệu đồng/người/năm. Hiện nay 100km giao thông khu dân cư, nội đồng của xã được thảm nhựa, bê tông hóa, tạo nên diện mạo mới, xanh, sạch, đẹp; các phong trào văn hóa, thể dục thể thao được đẩy mạnh... Tuy nhiên, Minh Quang vẫn còn hạn chế như địa hình phức tạp, trình độ dân trí chưa đồng đều, mạng lưới tuyên truyền mỏng... Vì vậy, xã xác định người có uy tín đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc kết nối cộng đồng, là người trực tiếp nắm tình hình về đời sống, tâm tư nguyện vọng của nhân dân để kịp thời phản ánh tới cấp có thẩm quyền. Người uy tín cũng tham gia ngăn ngừa, hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, góp phần giữ gìn an ninh trật tự ở địa bàn, tích cực vận động nhân dân tham gia phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới... Điển hình trong thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, nhân dân Minh Quang tích cực hiến 26.000m2 đất ruộng, vườn, đất ở để xây dựng giao thông thủy lợi nội đồng và các công trình dân sinh khác. Nhờ đó, Minh Quang đã về đích xã nông thôn mới năm 2019 và đang tiếp tục hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Tại xã Tản Lĩnh, bà Kiều Thị Hoạt ở thôn Cua Chu hào hứng chia sẻ: Hiện 85% số hộ dân của thôn có 1 thửa đất canh tác, còn lại là 2 thửa/hộ. Thông qua thực hiện dồn điền đổi thửa, mỗi hộ dân thôn Cua Chu góp 18 - 20m2/ sào đất canh tác để cùng địa phương quy hoạch lại đường nội đồng. Nhờ đó, đến nay, đường trục chính nội đồng của xã rộng 5m, có mương tiêu nước 2 bên lề, các tuyến đường khác rộng 4m, giúp nhân dân thuận tiện đi lại, sản xuất nông nghiệp...

Còn tại xã Vân Hòa, với 48% dân số là người dân tộc Mường, bà con cũng rất chịu thương chịu khó, có tính đoàn kết cộng đồng cao, luôn yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Bí thư Đảng ủy xã Vân Hòa Đinh Thị Bích Hảo chứng minh: Qua rà soát, đầu năm 2022, xã còn 48 hộ nghèo (trong đó có 35 hộ người dân tộc Mường) và 115 hộ cận nghèo. Chính quyền và các tổ chức, đoàn thể xã phối hợp vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ 3 hộ khó khăn có nhà ở xuống cấp được xây nhà mới, trong đó có 2 hộ người dân tộc Mường; tặng 12 con bò cho 12 hộ; hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, giúp các hộ vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế... Đến cuối năm 2022, Vân Hòa còn 34 hộ nghèo, 66 hộ cận nghèo.

Ông Bùi Hoàng Long, người uy tín thôn Đồng Chay (xã Vân Hòa) cũng cho biết, 80% dân số trong thôn là người dân tộc Mường. Bản thân ông Long đang là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Vân Hòa. Nhờ tham gia công tác hội nên ông luôn nắm bắt kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, từ đó tích cực tuyên truyền để nhân dân trong thôn đồng lòng thực hiện.

Người dân Vân Hòa làm đẹp tuyến đường đi qua khu dân cư. Ảnh: Thu Hà

Nhân tố kết nối, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Ba Vì luôn có ý thức vươn lên thoát nghèo bền vững; thực hiện những mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống mới ở khu dân cư. 

Cùng với đó, người uy tín ở Ba Vì tích cực tham gia giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo tồn và phát huy các loại hình văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số. Họ còn thường xuyên vận động các vị cao niên người dân tộc thiểu số làm gương cho con cháu học tập; thi đua xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư tiên tiến... Đồng thời, người có uy tín cũng phát huy vai trò nòng cốt, gương mẫu, động viên các thế hệ con cháu chăm lo học tập, nâng cao tri thức; vận động con em trong đồng bào dân tộc thiểu số học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa.

Bà Nguyễn Thị Duyên, người uy tín ở thôn Muồng Phú Vàng (xã Vân Hòa) bày tỏ: Ngoài vai trò là người uy tín, bà cũng tham gia Tổ bảo tồn văn hóa dân tộc xã, thôn, từ đó tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa cồng chiêng, trang phục dân tộc, ẩm thực cỗ lá... để người dân địa phương, du khách và các thế hệ mai sau được biết, hiểu về văn hóa của người dân tộc Mường.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh, thực tiễn cho thấy, vai trò của người uy tín có ảnh hưởng lớn trong công tác tuyên truyền vận động, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều người uy tín và gia đình cũng tiên phong trong phong trào hiến đất, vận động nhân dân hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động để xây dựng các công trình phúc lợi, dân sinh tại địa phương. 

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030, huyện Ba Vì được thành phố bố trí 430,6 tỷ đồng để thực hiện 32 dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc 4 lĩnh vực: Trường học, y tế, giao thông, thủy lợi. Hiện, tăng trưởng kinh tế trên địa bàn huyện duy trì mức 10%/năm; thu nhập bình quân toàn vùng núi ước đạt 50 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực 7 xã miền núi năm 2022 còn 0,94% (177 hộ nghèo); cả 7 xã đều đạt chuẩn nông thôn mới...

“Thời gian tới, cùng với đề xuất để cấp có thẩm quyền quan tâm hơn về chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực cho người uy tín, huyện cũng tích cực thực hiện tốt chế độ chính sách, kịp thời khen thưởng những người uy tín có thành tích xuất sắc trong việc tham gia giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội ở địa phương, nhằm kịp thời động viên họ yên tâm, tích cực trong công việc. Đồng thời, huyện cố gắng nhân rộng những tấm gương điển hình, những cách làm hay, những việc làm có ý nghĩa của người uy tín để tạo sức lan tỏa rộng rãi trong đồng bào dân tộc thiểu số miền núi” - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người uy tín ở Ba Vì góp sức xây quê hương