Hà Nội 360

Nhạc sĩ Đoàn Bổng: Mãi yêu thương và dâng hiến

Bảo Anh 12/11/2023 - 18:23

Không chỉ là tác giả của những ca khúc hay về Bác Hồ, về tình yêu quê hương như “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em” (thơ Lai Vu), “Về Hà Tây đi em”, “Hát về Người” (Đoàn Bổng - Đoàn Chàn, phỏng thơ Phạm Hổ), “Hà Nội những kỷ niệm trong tôi”…, nhạc sĩ Đoàn Bổng còn rất yêu thơ, thường xuyên làm thơ.

Thơ của ông đa phần là những bài thơ ngắn, giản dị nhưng sâu sắc. Mới đây, ông đã tập hợp hơn 60 bài thơ mà ông tâm đắc để xuất bản tập thơ “Bắt đầu từ đôi mắt” (Nhà xuất bản Văn học).

doan-bong-2.jpg
Album “Ai yêu Hà Nội thì nghe...” tuyển tập những ca khúc hay nhất viết về Hà Nội của nhạc sĩ Đoàn Bổng.

1. Những ngày này, trong căn nhà nhỏ ở phố Hào Nam (Hà Nội), nhạc sĩ Đoàn Bổng đón nhận niềm vui lớn trong sự nghiệp sáng tác của mình. Đó là ông vừa được Đảng, Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật cho 3 bài hát: “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em”, “Hát về Người” và “Hà Nội những kỷ niệm trong tôi” như một sự ghi nhận những đóng góp không mệt mỏi của ông trong sáng tác âm nhạc.

Ba ca khúc này cũng là 3 mảng đề tài chính trong sáng tác của ông. Riêng sáng tác về Bác Hồ, ông có 7 ca khúc. Sáng tác về Hà Tây trước đây và Hà Nội ngày nay, ông có đến mấy chục bài hát. Mỗi bài hát đều thể hiện tình cảm, nỗi niềm của ông với quê lụa - quê hương của ông và Hà Nội - nơi ông đã sinh sống, gắn bó, cống hiến từ năm 8 tuổi cho đến ngày hôm nay.

Trong sự nghiệp âm nhạc đồ sộ của mình, có lẽ ca khúc mà Đoàn Bổng ưng ý nhất là “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em”. Đây là bản tình ca tuyệt đẹp về tình yêu đôi lứa hòa quyện cùng tình yêu quê hương, đất nước thông qua hình ảnh chàng trai quê sông Đà dữ dội yêu cô gái quê sông Đáy thướt tha, mềm mại. Bài hát ra đời năm 1978 trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức. Bởi vậy, nó như sự động viên mỗi chàng trai, cô gái hãy cùng nhau dựng xây quê hương giàu đẹp, văn minh. Ca từ trong bài hát rất đẹp, nên thơ, trữ tình, giàu tính văn học; nhạc sĩ Đoàn Bổng sử dụng một cách nhuần nhuyễn tứ thơ của Lai Vu - nhà thơ xứ Đoài.

Nối tiếp tinh thần của bản tình ca “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em”, gần đây, nhạc sĩ Đoàn Bổng đã sáng tác thêm nhiều bài hát như “Hà Nội đêm” (thơ Trần Minh), “Ba Vì xanh mãi một tình yêu”, “Nghe trong tiếng yêu” (thơ Trà My), “Anh bắt đầu từ em” (thơ Quốc Toản)… Mặc dù đã ở tuổi 80 nhưng bất cứ ai khi nghe những ca khúc này đều cảm nhận được rằng tâm hồn ông thật trẻ trung, lãng mạn. Ông quan niệm, âm nhạc cũng như tình yêu đều không có tuổi.

“Tâm hồn tôi luôn cố gắng thoát ra khỏi thân hình của một ông già để bắt nhịp với giới trẻ, để lắng nghe tâm tư, tình cảm của giới trẻ. Tôi muốn viết nên những bản tình ca đẹp về tình yêu đôi lứa, đó chính là thứ tình cảm đẹp đẽ, cao cả và là cội nguồn sức mạnh tinh thần trong mỗi chúng ta”, nhạc sĩ Đoàn Bổng chia sẻ.

doan-bong-0.jpg
Nhạc sĩ Đoàn Bổng.

2. Cuộc đời của nhạc sĩ Đoàn Bổng có những nốt nhạc buồn như tên một tập thơ của ông, nhưng ông luôn biết cách vượt qua hoàn cảnh để thăng hoa với ca từ, giai điệu. Đến thăm ông, lúc nào tôi cũng thấy niềm vui, thấy sự hồ hởi, phấn khởi hiện lên trên nét mặt Đoàn Bổng.

Ông là người dễ gần, cởi mở với bất cứ ai, dù đã quen hay mới gặp. Chính vì vậy, căn phòng khách chỉ chưa đầy 20 mét vuông của ông lúc nào cũng đông khách. Khi thì bạn bè đến hỏi thăm sức khỏe, khi thì người mới làm thơ, viết nhạc đến xin ông chỉ giáo thêm, khi thì có những sinh viên thanh nhạc đến nghe ông giảng giải ý nghĩa của bài hát để thể hiện được tốt hơn. Tất cả đều được ông đón tiếp nồng hậu và trọng thị.

Thỉnh thoảng, nhạc sĩ Đoàn Bổng lại gửi tặng tôi những câu thơ ngắn, đôi khi chỉ 2 câu mà ẩn chứa biết bao điều. Thơ ông không màu mè, hoa mỹ mà giản dị như chính con người của ông vậy. Ngoài đời, ông là con người thẳng tính, không chấp nhận “đầu hàng” với những điều chướng tai gai mắt trong cuộc sống. Người đọc dễ dàng cảm nhận được điều này qua những vần thơ trong tập thơ mới nhất - “Bắt đầu từ đôi mắt”. Trong tập thơ này, ông đã lên án những thói hư tật xấu trong xã hội, như bệnh háo danh, tiến sĩ rởm, “thị trường” nhan sắc…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: “Đoàn Bổng là nhà thơ không giống ai vì các thi sĩ thường hay nói bằng ngôn ngữ ước lệ hay nói bằng hình tượng, bóng gió, ít nhiều cũng có khoảng cách với đời sống thường nhật. Nhưng anh thì bộc trực, thẳng tưng. Thẳng thắn và trung thực như chính con người anh vậy, đặc biệt là trước cái xấu, cái ác, cái nhập nhèm, không đàng hoàng”.

Viết lời tựa cho cuốn sách và cũng là người góp công trong việc tuyển chọn, kết nối, in ấn cuốn sách này, nhà văn Phùng Văn Khai, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội nhấn mạnh: “Đọc “Bắt đầu từ đôi mắt”, chúng ta thấy rất rõ con đường tới trái tim của Đoàn Bổng là con đường không ít thác ghềnh, khúc khuỷu, thậm chí là hố gai miệng vực, đòi hỏi trái tim yêu phải đủ lớn, đủ dài rộng bao dung để bước qua. Nhạc sĩ - nhà thơ Đoàn Bổng quả thực xứng danh một người con ưu tú xứ Đoài. Ông đã cống hiến tài hoa và trí tuệ của mình cho âm nhạc, thi ca. Cũng chính thi ca và âm nhạc đã cùng ông mở ra những con đường tới trái tim để mãi mãi yêu thương và dâng hiến”.

3. Chia sẻ về tập thơ “Bắt đầu từ đôi mắt”, nhạc sĩ Đoàn Bổng cho biết, tất cả mọi yêu thương, hận thù trên thế gian này đều bắt đầu từ đôi mắt. Ông chia sẻ: “Nhìn đời bằng con mắt viễn thị/ Sẽ chẳng thấy những gì thân thiết quanh ta/ Nhìn đời bằng con mắt cận thị/ Có thể nào tường tận được thế giới bao la/ Hãy nhìn đời bằng trái tim nhân hậu/ Vừa bắt được tầm gần, vừa với được tầm xa” (“Nhìn đời”). Tập thơ là những gì tôi đúc rút từ kinh nghiệm cuộc sống. Tôi mong muốn và hy vọng, thông qua tập thơ này, quý bạn đọc cũng sẽ tìm thấy ở đâu đó câu chuyện của chính bản thân mình”.

Đã ở tuổi 80 với gia tài âm nhạc, thơ ca đồ sộ nhưng nhạc sĩ Đoàn Bổng không nghĩ đến việc nghỉ ngơi. Ông vẫn sáng tác hằng ngày từ sự thôi thúc của chính bản thân mình. Còn thơ ca, đó chính là “quãng nghỉ” của ông sau những thăng hoa, bay bổng với âm nhạc. Theo ông, yêu thơ, biết làm thơ chính là lợi thế của nhạc sĩ để chọn lựa ca từ thật hay, thật ý nghĩa trong một bài hát.

“Điều quan trọng trong một bài hát chính là đọng lại được điều gì đó trong lòng người nghe. Ngoài giai điệu thì lời ca đóng góp một phần rất quan trọng, đòi hỏi lời ca trong một bài hát phải đậm chất văn học, có ý tứ, sâu xa, hàm xúc”, nhạc sĩ Đoàn Bổng nhấn mạnh.

Nhạc sĩ - nhà thơ Đoàn Bổng (tên đầy đủ là Đoàn Chí Bổng) sinh năm 1943 tại huyện Thường Tín, Hà Nội. Ông từng công tác tại Đài Phát thanh Giải phóng và có nhiều năm công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam, chức vụ cao nhất mà ông từng giữ là Trưởng phòng Ca nhạc - Ban Văn nghệ của Đài Truyền hình Việt Nam.

Ngoài những ca khúc nói trên, nhạc sĩ Đoàn Bổng có một số ca khúc rất thành công khác, như “Bài ca Mặt trận Tổ quốc” được chọn làm bài hát truyền thống của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, “Khúc quân ca Trường Sa” được chọn là bài hát để các đoàn công tác thi hát trên tàu trước khi ra quần đảo Trường Sa.

Chùm 3 ca khúc về Thủ đô của ông là “Hà Nội những kỷ niệm trong tôi”, “Thành phố ngàn năm văn hiến” và “Hà Nội của tôi” (thơ Quốc Toản) đã được dàn nhạc giao hưởng Rouen (Pháp) trình diễn tại Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhạc sĩ Đoàn Bổng: Mãi yêu thương và dâng hiến