Nhạc sĩ Trần Tiến - Kẻ Hà thành lãng du

Thu Hằng| 07/08/2018 09:32

Con người Trần Tiến là phép cộng của bụi bặm, tài ba và đào hoa. Trên hành trình du ca với cây đàn ghi-ta và tâm hồn lãng tử, ông đã thực sự chạm đến cùng để chia sẻ và yêu thương...

(NSHN) - Ở tuổi ngoài 70 mà trông Trần Tiến vẫn phong trần và dí dỏm. Ông luôn khiến người đối diện ngạc nhiên về sự trẻ trung, đa tình của mình. Sống ở Vũng Tàu, mỗi lần trở ra Hà Nội, vị nhạc sĩ tài hoa chia sẻ, ông muốn ngắm bước chân nhẹ nhàng của những cô gái đi trên đường phố mùa thu...

Người nhạc sỹ lãng tử 

Trần Tiến tuổi Đinh Hợi, nickname là Tiến bụi. Ông sinh năm 1947 tại Hà Nội, lớn lên trong những ngày đất nước chiến tranh. Ông nói mình không có tuổi thơ. 14 tuổi đã đi làm thư ký cho một quán trọ ở ga Hàng Cỏ gần nhà. Đôi mắt lúc nào cũng thâm quầng vì thức khuya đón khách. Rồi ông lại lang thang kiếm sống bằng nghề kéo nứa ngoài đê sông Hồng, rồi đi rửa thuê thùng rượu cho Nhà máy rượu Hà Nội…

Nhạc sĩ Trần Tiến.


Tốt nghiệp phổ thông, Trần Tiến làm hậu đài cho Đoàn Ca múa Hà Nội. Sau một năm tự học, ông trở thành nghệ sĩ đơn ca của đoàn. Trong chiến tranh, đoàn văn công của Trần Tiến đã vào mặt trận trong đó có tuyến lửa Trường Sơn, Quảng Bình, Quảng Trị và đến với cả các đơn vị tình nguyện quân tại Lào… 

Không chỉ cất vang lời ca, những ca khúc đầu tiên của Trần Tiến như “Bài ca thanh niên ra tiền tuyến” (1967 - giải A cuộc thi “Tiếng hát át tiếng bom” của Hội Nhạc sĩ Việt Nam), “Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp” (1968)… được công chúng nồng nhiệt đón nhận.

Trần Tiến kể, ông suýt làm phò mã nước Lào. Cô công chúa Nhọt Kẹo, con gái Hoàng thân Souphanouvong ở chiến khu Sầm Nưa đặt cho ông cái tên Lào là Xổm Bun. Nàng rất đẹp. Ông đã viết bao nhiêu bài thơ, bao nhiêu bài hát tặng nàng. 

“Chiều ấy, ở góc đường Điện Biên Phủ, Hà Nội, chúng tôi chia tay nhau. Nàng tiễn tôi lên đường đi Sầm Nưa. Chỉ biết cầm tay và nhìn nhau. Rồi… chẳng bao giờ gặp lại. Tôi nhớ nàng suốt những tháng năm trong rừng. Không hiểu sao, giữa bom rơi đạn lạc, trong khói bụi mù trời,tôi chỉ biết gọi tên nàng… Cho đến ngày bạc tóc. Tôi cũng không biết, đó có phải là tình yêu không”, ông bùi ngùi.

Trần Tiến nói “chuyện chỉ có vậy”, nhưng tôi hiểu, câu chuyện khiến ông trầm tư trong dòng ký ức từ nửa thế kỷ trước là bởi sự ám ảnh của nó vẫn còn nguyên vẹn, tươi mới. Gần đây, Trần Tiến đã lặn lội trở lại đất nước Triệu Voi thăm lại chiến trường xưa và ca khúc “Nơi tình yêu tôi thơ ngây” ông viết để hồi tưởng lại những ngày xa xăm ấy:

“Nơi tình yêu tôi thơ ngây
Có ánh trăng vàng, một dòng sông xanh trôi
Mái cong hiên chùa, khói sương áo cà sa”…


Từ Vũng Tàu, Trần Tiến đã hát qua điện thoại cho tôi nghe. Lời ca về mối tình đầu tha thiết và cảm xúc thì bay bổng vô cùng...

Những câu chuyện kể giản dị bằng âm nhạc 

Người yêu nhạc vẫn thân mật gọi Trần Tiến là nhạc sĩ du ca. Trần Tiến cũng chia sẻ rằng ông là người thích sự xê dịch, đi đến đâu thì sáng tác đến đó, viết và hát. Bởi vậy, những chuyến đi như hình thành nên tính cách, con người và âm nhạc của ông.

Trần Tiến luôn là người thể hiện thành công nhất những ca khúc của mình.


Nhạc Trần Tiến rất chân thực, đời thường nhưng sâu sắc, nhiều ý nghĩa và giàu tính nhân văn. Đó là chắt chiu từ những vui buồn của những mảnh đời ông gặp trên mọi ngả đường. Ông tâm sự: “Âm nhạc với tôi, lúc đầu là một nghề để kiếm sống. Làm riết rồi thành nghiệp, đến bây giờ bỏ không được nữa”.

Trần Tiến viết nhiều và viết nhanh. Thương hiệu của Trần Tiến là ngẫu hứng. Ông ghét sự điệu đà, khó hiểu cũng như dị ứng với tất cả những gì không phải là mình. Tuổi thơ vất vả, sự nếm trải cuộc đời đã mang đến cho Trần Tiến cái nhìn đa chiều về cuộc sống. Và khi trở thành nhạc sĩ, ông tình nguyện gắn bó số phận nhạc sĩ của mình với những số phận cùng khổ trong xã hội.

"Ngẫu hứng" - món quà nhỏ Trần Tiến gửi đến bạn đọc.


Những ai yêu thích nhạc Trần Tiến đã không ít lần được nghe những câu hát chứa đầy tình, lý và cả tâm hồn phóng khoáng của chàng lãng tử đất Hà thành. “Tạm biệt chim én”, “Chiếc vòng cầu hôn”, “Thành phố trẻ”, “Giai điệu Tổ quốc”, “Dòng sông mùa thu”, “Giấc mơ Chapi”… là những bản du ca thấm đẫm tình đời, là câu chuyện về kẻ độc hành đi tìm bản ngã, là những con người đau khổ cần được sẻ chia… Trần Tiến viết cho mình, cho cuộc đời, cho những người bạn đã từng vào sinh ra tử, cho những đôi mắt người con gái đi qua đời ông như những cơn gió thoảng, như cánh chim én xa xanh giữa bầu trời xuân.

Những âm bản của một thời xa vắng…

Trần Tiến có tuổi thơ và tuổi trẻ gắn bó với Hà Nội. Trong ký ức của ông, Hà Nội trước kia thật thanh bình. Phố vắng, người thưa. Ông nói: “Tôi không thể nào quên được Hà Nội trong ký ức của những ngày thơ bé. Tôi đi qua rất nhiều con phố. Mùi thuốc bắc ám vào tôi, một mùi thơm thảo dịu dàng, linh thiêng như không có thật. Tôi lắng nghe tiếng động mơ hồ, tiếng thở hiền hòa của những dãy phố cổ xưa. Tôi ngửi mùi của người nghèo trong những dãy nhà ẩm mốc dột nát. Giờ đây mỗi lần bắt gặp lại cái mùi ấy ở đâu đó trong cuộc đời lòng tôi lại rưng rưng muốn khóc. Còn một thứ mùi ám ảnh tôi không nguôi nữa, ấy là mùi của những lá cây mục trên đường phố sau mưa”.

Trần Tiến và phu nhân - nhà giáo Trần Thị Bích Ngà trong một buổi ra mắt sách "Ngẫu hứng"


Xa Hà Nội đã nửa đời người nhưng Trần Tiến thường xuyên có những cuộc trở về, không chỉ trong đời thường mà cả trong âm nhạc.

Hà Nội trong âm nhạc của Trần Tiến bao giờ cũng buồn. Đó là những giai điệu được cất lên dưới ánh sáng và cả những góc khuất của kỷ niệm, của quá khứ... Những "Ngẫu hứng sông Hồng", "Ngẫu hứng phố", "Mùa thu trắng", “Hà Nội ngày ấy”, "Hà Nội những năm 2000"... đều mang tới cho khán giả cảm xúc về một Hà Nội xa vắng, có chút lấm bụi, có chút thân phận.

Trong “Phố nghèo”, những câu thơ như cứa vào lòng người: 

“Hà Nội buồn thương nhớ ơi
Một lần về thăm phố xưa
Một lần về với giấc mơ…
Sao tôi cứ yêu phố mùa thu ấy, lá rơi đầy…”.


Trần Tiến luôn yêu và hoài niệm là Hà Nội của những ngày xưa với phố nghèo, mái ngói, gác khói, tiếng còi xa... Với Trần Tiến, Hà Nội bây giờ xa lạ quá. Sự ồn ào, náo nhiệt của nó luôn khiến ông cảm thấy lạc lõng, cô đơn.

Lời mở đầu “Ngẫu hứng phố” nghe như một trải nghiệm khá chua xót, đầy trách móc:

“Hà Nội cái gì cũng rẻ/ Chỉ có đắt nhất bạn bè thôi 
Hà Nội cái gì cũng rẻ/ Chỉ có đắt nhất tình người thôi...”.

Lời ca giản dị mà sâu sắc khiến nhiều người phải trầm tư:

“Hà Nội cái gì cũng buồn, buồn thương đến thế mùa thu ơi.
Hà Nội cái gì cũng vui, rủ nhau ra phố bia hơi vỉa hè.
Hà Nội mùa mưa, bạn bè tuổi thơ lội dòng sông phố nô đùa.
Hà Nội mùa đông, quán đêm thơm nồng mùi ngô nướng xém.
Hà Nội là em! Vụng dại thầm kín, một thời thiếu nữ u hoài.
Hà Nội mẹ tôi! Vẫn khăn nâu sồng, một đời áo cũ...
...thương con mắt đỏ thờ chồng…”.

Hà Nội với Trần Tiến là nơi để ông đau đáu thương nhớ: “Khi tôi viết một bài hát là viết về những kỷ niệm. Giống như người ta luôn nhung nhớ những mối tình cũ. Cái mùi của kỷ niệm, của người tình xưa ám ảnh vô cùng. Đối với tôi, đó là cái mùi nguyên chất Hà Nội, không pha tạp”.

Người nhạc sĩ tài hoa với tiếng cười hào sảng này chẳng màng danh lợi. Ông chỉ biết cống hiến và đắm say cuộc sống này với những cung bậc tinh tế trong tâm hồn chính mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhạc sĩ Trần Tiến - Kẻ Hà thành lãng du