“Những bông hoa đẹp” của xe buýt Thủ đô
Những năm gần đây, lượng hành khách đi xe buýt đã tăng lên đáng kể. Có được điều này không chỉ bởi chất lượng dịch vụ xe buýt Thủ đô đã được nâng lên rõ rệt, hành khách được phục vụ chu đáo hơn mà còn bởi sự thân thiện, chuyên nghiệp, văn minh của đội ngũ công nhân lái xe và nhân viên phục vụ trên xe.
Không tơ hào tài sản của hành khách
Để quên tài sản trên xe khách, xe buýt là việc xảy ra với không ít hành khách, và việc tìm lại được tài sản là vấn đề khá nan giải. Tuy nhiên, đối với xe buýt Thủ đô, phần việc này sẽ được giải quyết nhanh gọn, chuyên nghiệp với tiêu chí, mục tiêu hàng đầu là đem lại sự hài lòng cho khách hàng.
Mới đây, ngày 13-4, hành khách Cao Thị Thu Hằng (quận Hai Bà Trưng) đã gửi thư cảm ơn tới Phòng Khách hàng, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), sau khi chị nhận lại được tài sản để quên trên xe buýt.
Cụ thể, sáng ngày 12-4, chị Hằng lên xe buýt tuyến 23 (Nguyễn Công Trứ - Long Biên - Nguyễn Công Trứ), xe mang biển kiểm soát 29B-195.69, tuy nhiên do vội vàng nên lúc xuống xe đã quên cầm theo ba lô. Về đến nhà, chị Hằng mới nhớ ra và nhắn tin ngay vào Fanpage “Xe Buýt Hà Nội - Transerco” để nhờ hỗ trợ. “Trong ba lô của tôi có nhiều giấy tờ tùy thân quan trọng và 3.000.000 đồng tiền mặt nên tôi rất lo lắng. Rất may, sau khi nhắn tin, tôi đã nhận được điện thoại của tổng đài Transerco và được thông báo đến Phòng Khách hàng của đơn vị để xác minh và nhận lại tài sản vào ngày hôm sau” - chị Hằng cho biết.
Khi nhận lại toàn bộ tài sản gồm giấy tờ tùy thân và 3.000.000 đồng, chị Hằng vui mừng khôn tả. Ngay tại trụ sở Transerco chị Hằng đã viết thư cảm ơn tới đơn vị cũng như công nhân lái xe Trần Xuân Minh và nhân viên bán vé Nguyễn Đức Thiện, hai người trực tiếp bảo quản và bàn giao lại tài sản về Phòng Khách hàng và cùng phối hợp xác minh tài sản trả lại cho chị Hằng.
Nhân viên bán vé Nguyễn Đức Thiện cho biết: “Việc hành khách để quên tài sản trên xe buýt diễn ra khá thường xuyên, chúng tôi cũng liên tục nhắc nhở hành khách nhớ kiểm tra tài sản trước khi xuống xe. Chúng tôi cũng đã được tập huấn kỹ năng xử lý tình huống khi khách để quên tài sản trên xe, phối hợp xác minh trả lại tài sản cho hành khách. Điều quan trọng nhất là không được tơ hào tài sản của hành khách, phải giữ chữ tín và sự an toàn trên xe buýt".
“Đường dây nóng, xin nghe!”
Được biết, đội ngũ công nhân lái xe và nhân viên bán vé trên xe buýt không những được tập huấn kỹ năng xử lý tình huống mà còn luôn có ý thức cao trong công tác phối hợp tìm lại tài sản cho hành khách. Như vào chiều tối ngày 14-4, ông Nguyễn Khắc Hải (trú tại phường Văn Miếu, quận Đống Đa) đi xe buýt tuyến 40A (Công viên Thống Nhất - Như Quỳnh) và để quên tài sản trên xe. Sau khi về nhà, ông Hải mới phát hiện ra việc này và cả gia đình ông ngay lập tức ra điểm tập kết xe buýt 40A tại Công viên Thống Nhất để nhờ sự giúp đỡ từ các lái xe và người bán vé.
Tại điểm tập kết, các bác tài và nhân viên bán vé đã động viên gia đình bình tĩnh và hướng dẫn chị Ngọc (con gái ông Hải) gọi điện thoại đến đường dây nóng 1900.6836 của Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Thành phố Hà Nội trình bày rõ ràng sự việc. Chỉ sau một giờ, Trung tâm đã xác định được chiếc xe mà ông Hải đã lên và để quên tài sản mang biển kiểm soát 29B-204.46; công nhân lái xe là Đào Đình Dụ và nhân viên bán vé là Đỗ Mạnh Tuấn. Đúng 21h ngày 15-4, gia đình ông Hải có mặt tại trụ sở Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Thành phố Hà Nội tại số 1 Kim Mã để xác minh và nhận lại tài sản.
Thay mặt cho gia đình, con gái ông Hải là chị Nguyễn Thị Ngọc đã viết thư cảm ơn tới Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Thành phố Hà Nội, các nhân viên trực đường dây nóng, các bác tài và nhân viên bán vé của tuyến buýt số 40A, đặc biệt là bác tài Đào Đình Dụ và nhân viên bán vé Đỗ Mạnh Tuấn đã hỗ trợ, giúp đỡ gia đình tìm lại tài sản. “Không biết nói gì hơn, xin chúc các anh thật nhiều sức khỏe, may mắn để tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ của xe buýt Thủ đô” - chị Ngọc viết trong thư.
Xử lý linh hoạt để cứu người
Có một câu chuyện về xử lý tình huống linh hoạt để cứu người diễn ra vào sáng ngày 14-4 trên xe buýt mang biển kiểm soát 29B-197.52 thuộc tuyến buýt số 62 (Bến xe Thường Tín - Bến xe Yên Nghĩa) của Trung tâm Tân Đạt, công nhân lái xe là Trần Văn Phong và nhân viên bán vé là Nguyễn Văn Hùng.
Đúng 5h14 xe rời bến xe Yên Nghĩa, đến điểm ngã ba Ba La (phường Phú La, quận Hà Đông) thì có một hành khách nữ lên xe. Đến điểm dừng cầu Tó nữ hành khách bất ngờ có biểu hiện co giật rồi ngất xỉu. Khi mọi người trên xe phát hiện và hô hoán, anh Hùng đã xuống kiểm tra và cùng hành khách sơ cứu nạn nhân. Đồng thời, anh Phong đã gọi điện về báo cáo đơn vị điều hành và xin phép tất cả hành khách thông cảm để anh lái xe thẳng đến Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp để cấp cứu nạn nhân.
Sau khi đưa nạn nhân vào khoa Cấp cứu, anh Phong và anh Hùng đã nhờ đội ngũ y, bác sĩ liên hệ với người nhà hành khách nữ, sau đó quay trở lại lên xe để tiếp tục hành trình. Được biết, nữ hành khách khoảng 35 tuổi đang trên hành trình đi lễ tại chùa Yên Phú (xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì). Sau khi trở lại xe, anh Phong và anh Hùng nhận được sự động viên, ủng hộ của hành khách vì đã xử lý tình huống linh hoạt, kịp thời, chuyên nghiệp, nhân văn, thể hiện tinh thần phục vụ hành khách chu đáo.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Thành phố Hà Nội cho biết: “Trong những năm gần đây, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là tác phong phục vụ của công nhân lái xe và nhân viên bán vé, những người trực tiếp tiếp xúc với hành khách. Điều này giúp người dân Thủ đô thêm tin tưởng sử dụng dịch vụ xe buýt, từ đó giúp giảm ùn tắc giao thông, bảo vệ môi trường. “Những bông hoa đẹp”, những hành động tử tế trên xe buýt không chỉ của đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ mà của cả hành khách rất cần được lan tỏa trên các phương tiện truyền thông đại chúng, góp phần hoàn thiện dịch vụ xe buýt văn minh, thân thiện và an toàn”.