Là cây cầu Long Biên hiên ngang độc đáo - cái khối sắt vững chãi mà mềm mại ấy đã chứng kiến những vòng bánh xe háo hức đầu tiên của cô trò nhỏ theo chị lên đường đi thi đại học. Niềm quyết tâm chinh phục ngôi trường trong mơ hòa cùng ấn tượng ban đầu về Thủ đô vừa phồn hoa, nhộn nhịp lẫn xô bồ, cách trở. Lần đầu qua, cảm giác cây cầu thật dài, thật lạ; gồ ghề, lộng gió. Chị luôn miệng động viên: Cố lên, sắp đến rồi. Bận dõi mắt sang đầu kia nên không kịp nhìn xuống phía dưới sông Hồng lừng lựng đỏ, cũng không thấy những bãi bồi ngút mắt mỡ màu.
Phải sau này, quãng thời gian học ôn ở trường, hằng tuần cùng bạn nhẩn nha về lại qua cây cầu ấy, mới kịp thu vào tất cả. Là ngơ ngác giữa dòng người đang trôi theo bóng chiều vừa chậm rãi, thong dong lẫn ồn ào, ríu rít. Là tò mò với những mẹt, rổ hàng của các bà, các cô bày trên vỉa hè, nào ngô, khoai, đỗ, cá, tôm..., mỗi thứ một ít. Cứ mùa nào thức nấy, sao thấy giống những thức hàng bày bán ở góc chợ quê đến thế! Vài tiếng chào mời dân dã, hân hoan. Nhìn xuống bên dưới, một màu xanh ngập tràn dâng lên mắt. Cứ thắc mắc người ta ra đó như thế nào, trồng bón cần mẫn ra sao mà không mùa nào không được thu hoạch. Rau quả chín dậy theo lứa, theo ngày từ những bàn tay gân guốc, đen đủi và từ mỡ màu ánh nước dậy đỏ phù sa. Bỗng thấy sông Hồng gần gũi lạ lùng. Cả màu nước đang nhuộm ánh mặt trời để vẽ lên bức tranh rạng rỡ đến nao lòng. Sau này đi làm, dạy cho học sinh về cây cầu huyền thoại đó, tôi chợt thấy bùi ngùi. Nhớ những tháng ngày đi lại vất vả, đơn sơ mà đầy ắp tiếng cười trong gió.
Thời gian cuốn đi, rất lâu không còn đi qua cây cầu lịch sử đó mà chuyển bước sang những cây cầu hiện đại hơn. Là cầu Chương Dương với nỗi lo tắc đường thường trực. Lần nào phải qua lúc sắp tan tầm cũng phấp phỏng không yên. Phải sang đến đầu cầu bên kia mới thở phào nhẹ nhõm. Thi thoảng ngó ngang, thấy cây cầu Long Biên nhỏ bé thong dong, lòng bình yên đến lạ. Rồi cầu Thăng Long gắn với hai đầu cầu vòng vèo, lắt léo. Một đầu luôn đón đợi bởi những thúng bánh mỳ vàng ruộm như tín hiệu không thể lẫn của Thủ đô. Có lần đã dừng lại mua nhưng rồi thất vọng vì không tìm lại được mùi vị của ký ức. Chẳng biết do bánh không còn ngon hay bởi khi đã nếm thêm bao vị bánh mỳ khác mà đã đánh rơi mất niềm háo hức, mong chờ. Một đầu cầu xếp dày những đống dừa nước ngồn ngộn, y như mấy cái sạp trái cây ở miền Tây Nam Bộ.
Không hiểu sao, trên hành trình về với phố, luôn nhẩm tính khoảng cách để đến cầu, như một cái mốc rút đường xa vời vợi và vòng xe có chỗ gửi gắm chông chênh.
Qua bao cây cầu nhưng cuối cùng, thuận tiện và gắn bó nhất là khi cầu Nhật Tân được nối nhịp. Không nắm rõ thông số kỹ thuật của cây cầu hoành tráng đó, chỉ biết mình đã được trôi trên một thảm lụa khổng lồ với những nhịp dài rộn ràng, choáng ngợp. Những ngày gió lớn, đến giữa cầu tưởng sắp chao bay. Những buổi tối, cả cây cầu rực rỡ như trong một lễ hội sắc màu. Vừa tạm biệt phố, phía chân cầu bên Đông Anh, ngay rìa đường, người ta bày bán những bắp ngô non ngọt vừa bẻ dưới ruộng, những bó đỗ chắc mẩy, óng vàng. Như sự giao thoa giữa phố với làng, ruộng đồng và phồn hoa, dân dã và hiện đại.
Ôi những cây cầu, nối bước chân tôi vào phố. Phía bên kia, mỗi lần sắp lên xe, tôi vẫn thầm hỏi: Thành phố đã dậy chưa?