Những điểm sáng ở Quốc Oai

Phú Minh| 18/12/2022 05:36

(HNNN) - Nằm trong cái nôi của xứ Đoài, huyện Quốc Oai giàu truyền thống văn hóa, phong tục tập quán phong phú, trong đó có phong tục trong tổ chức việc tang. Tuy vậy, trong xã hội hiện đại, một số phong tục cũ đã không còn phù hợp. Những điều đã ăn sâu trong lòng nhiều thế hệ như làm cỗ mời khách, rải vàng mã và tiền trên đường đưa tang, khóc thuê... nay dần không còn nữa, thay vào đó là cách thức thực hiện việc tang văn minh, tiết kiệm.

Điểm sáng Cấn Hạ

Có thể khẳng định, thôn Cấn Hạ (xã Cấn Hữu) là một trong những điểm sáng ở huyện Quốc Oai trong thực hiện việc tang văn minh. Thôn có hơn 620 hộ dân. Người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, nhiều lao động trẻ đi làm công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp trong vùng... Cấn Hạ có rất nhiều người làm cán bộ, công nhân, viên chức ở địa phương cũng như thoát ly ra thành phố nên đời sống kinh tế ổn định, làng quê thanh bình, nhận thức của người dân rất cao.

Trưởng thôn Cấn Hạ Bùi Đào Hoàng cho biết, những năm gần đây, việc tang văn minh được tuyên truyền mạnh trên phạm vi cả nước nhưng ở thôn Cấn Hạ, từ năm 1962 (cách nay đã 60 năm), các gia đình có tang đã tổ chức việc hiếu đơn giản, văn minh. Trong lễ tang, các con chịu tang cha mẹ chỉ chít khăn trắng, không áo xô, mũ rơm, chống gậy và cũng không “lăn đường” như các xã khác. Lý giải về điều này, ông Bùi Đào Hoàng cho biết: “Đó là do Cấn Hạ là vùng quê cách mạng, rất nhiều cán bộ cách mạng đã hoạt động ở làng và mọi người ý thức rất rõ về việc cần thiết bài trừ sự rườm rà, yếu tố mê tín dị đoan trong đời sống xã hội. Và kết quả đó được duy trì cho đến tận ngày nay”.

Những năm gần đây, xã hội phát triển, các cơ sở hỏa táng được xây dựng nhiều hơn nên thay vì hung táng, người dân Cấn Hạ đã chọn hình thức hỏa táng cho người quá cố. Trưởng thôn Bùi Đào Hoàng cho biết: Khoảng năm 2014, một số người quê ở Cấn Hạ đang sinh sống và làm việc ở thành phố qua đời, gia đình đưa đi hỏa táng rồi mới đưa về quê an táng. Người dân thấy việc làm đó rất phù hợp, vừa tiết kiệm chi phí, thời gian vừa không ảnh hưởng đến môi trường nên nhiều người đã làm theo. Đến năm 2017, Cấn Hạ trở thành thôn dẫn đầu huyện Quốc Oai về tỷ lệ hỏa táng, đạt 70%; từ năm 2018 đến nay đạt trên 90%.

Ông Hoàng còn cho hay: Năm 2022, trên địa bàn thôn có 12 trường hợp mất thì có 11 trường hợp được đưa đi hỏa táng. Đặc biệt, nhiều đám hiếu ở thôn Cấn Hạ chọn hình thức hỏa táng trước sau đó mới đưa về nhà để tổ chức tang lễ. Nhờ đó mà vệ sinh môi trường không bị ảnh hưởng.

Ông Cấn Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Cấn Hữu cho biết: Xã Cấn Hữu có 6 thôn. Những việc làm tốt đẹp ở thôn Cấn Hạ đã lan tỏa sang các thôn khác của xã. Cấn Hữu có cách làm bài bản, đó là ngay từ đầu năm đã xây dựng và triển khai kế hoạch “Toàn dân thực hiện việc tang văn minh, tiến bộ”. Xã đã chỉ đạo các đơn vị và các thôn thực hiện nghiêm Quy hoạch quản lý nghĩa trang nhân dân bảo đảm văn minh, vệ sinh môi trường, tiết kiệm đất, khoa học và đúng quy định; kịp thời khen thưởng và biểu dương những khu dân cư, các xóm, cá nhân điển hình có cách làm sáng tạo, hiệu quả. Xã cũng đề nghị các khu dân cư đưa nội dung cuộc vận động “Toàn dân thực hiện việc tang văn minh, tiến bộ” vào bàn bạc tại Hội nghị đại biểu nhân dân hằng năm để nhân dân cùng thống nhất, đồng thuận thực hiện, đưa vào chỉ tiêu đánh giá, phân loại thi đua trong công tác mặt trận và các tổ chức thành viên, trong việc bình chọn các danh hiệu Làng văn hóa, Khu dân cư văn hóa, Gia đình văn hóa năm 2022. Nhờ đó, việc tang trên địa bàn xã luôn được thực hiện theo tiêu chí văn minh, tiết kiệm, tỷ lệ hỏa táng rất cao, hủ tục được xóa bỏ.

Bàn giao tro cốt cho gia đình sau hỏa táng.

Đưa vào Quy ước làng văn hóa

Theo Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quốc Oai Phan Thị Bích Việt, cũng giống như nhiều vùng quê khác, người dân Quốc Oai đã quen với việc tang theo phong tục truyền thống. Chính vì vậy, ban đầu, công tác triển khai các nội dung của việc tang văn minh, tiến bộ, tiết kiệm, loại bỏ hủ tục... đã gặp không ít khó khăn.

Để lan tỏa việc tang văn minh, tiến bộ, hiện nay các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Quốc Oai đều thành lập đội mai táng của thôn, tổ, khu dân cư nhằm giúp đỡ các gia đình có người mất trên tinh thần tự nguyện. Khi có người qua đời, các gia đình đều khai tử, báo cáo với chính quyền địa phương và khu dân cư để nhờ giúp đỡ, qua đó cũng giúp thắt chặt hơn tình làng nghĩa xóm trong nhân dân.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Ban chỉ đạo phong trào các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các nội dung tang văn minh trên địa bàn như: Tổ chức lễ tang chu đáo, trang nghiêm, tiết kiệm, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa dân tộc và hoàn cảnh gia đình người qua đời; không hút thuốc trong đám tang; không tổ chức ăn uống linh đình trong lễ tang, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích thực hiện hỏa táng và hạn chế số lượng vòng hoa viếng; vận động không rải tiền và vàng mã trên đường đưa tang.

Từ chỉ đạo của huyện, xã, các thôn, tổ dân phố đã đưa nội dung thực hiện tang văn minh vào Quy ước làng văn hóa. Năm 2021, khi tình hình dịch Covid-19 còn căng thẳng, các đám tang đều tuân thủ các quy định, khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh như: Không tổ chức đoàn viếng quá 20 người (trong thời gian giãn cách), không quá 5 người (khi địa phương có dịch), bố trí khu vực sát khuẩn...

Công tác tuyên truyền được thực hiện bài bản đã giúp nâng cao nhận thức của người dân về việc thực hiện hỏa táng, thực hiện tang văn vinh. Vì vậy, số ca hỏa táng trên địa bàn ngày càng cao. Những năm trước đây, việc thực hiện hỏa táng là quá xa vời với nhiều người dân trong huyện. Tuy nhiên, tới năm 2022, nhiều địa phương có tỷ lệ hỏa táng cao như Liệp Tuyết (92%), Phượng Cách (81%)... Hầu hết các gia đình chấp hành nghiêm quy định để thi thể trong nhà không quá 36 giờ, không tổ chức ăn uống linh đình, dài ngày, không sử dụng thuốc lá. Bên cạnh đó, nhiều hủ tục đã bị xóa bỏ, như tục “lăn đường”. Việc cúng giỗ được thực hiện trong phạm vi gia đình, hạn chế số lượng khách mời.

“Tại xã Ngọc Liệp, trước đây các gia đình có đám thường phải chuẩn bị vài chục mâm cơm mời khách và cơm cho họ hàng, làng xóm sang làm giúp, nay thì lệ đó đã không còn. Hay như tại xã Tuyết Nghĩa, nhiều đám tang không mời phường bát âm nên tang chủ tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể. “Đó là những bước chuyển trong thực hiện việc tang văn minh ở vùng quê Quốc Oai” - chị Phan Thị Bích Việt khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những điểm sáng ở Quốc Oai