Hà Nội văn

Ổi cay

Truyện ngắn của Lữ Mai 19/03/2024 - 06:11

Anh chở chị qua con đường quen thuộc. Anh nói vu vơ: “Xây sửa mỗi tí khuôn viên mà chặt hết sạch cây...”. Chị im lặng. Hai bát phở như bao ngày, anh vẫn từ tốn gắp hết hành chẻ sang bát vợ.

Sở thích ríu ran ngày xưa đã thành thói quen lặp lại. Mắt chị hết thâm quầng, thần sắc tươi tắn hơn, bộ cánh cầu kỳ tinh tươm..., tất cả sự hồi sinh như sẵn trong từng tế bào. Nhưng anh không quen với sự yên ắng này. “Nóng quá, nóng quá! Gọi thêm cho em trà đá đi”, “Cả hành chẻ nữa, đang ngon lành thế kia mà”, “Nước phở hơi nhiều hoa hồi, ông chủ ơi!”... Đó là chị của ngày xưa, đôi khi anh vẫn bực dọc càu nhàu: “Phiền quá, nhiều lời!”.

minh-3.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Giờ thì mỗi người một phòng riêng, bữa ăn chung không còn chuyện trò, tranh luận. Câu thơ năm nào chị viết hiển hiện trong đầu anh: “Ta không còn nói với nhau cả những điều cay đắng/ Bùa ngải hoa vàng trôi mênh mông”. Thuở ấy, mẹ anh cứ mủm mỉm: “Ăn phải bùa gì mà sốt xình xịch, nhất nhất phải cưới xuân này cơ”, còn bố anh giương mục kỉnh thủng thẳng: “Bùa yêu!”.

***

Hai nhà cạnh nhau ở xóm nhỏ ngoại thành. Anh hơn chị ba tuổi, hồi bé vẫn cùng nhau tha thẩn chơi trong những khu vườn đầy chim chóc, ngắm những con bướm khế to bằng bàn tay lấm chấm đốm nâu, hoa văn kỳ quái. Anh luôn vin cớ dọa ma chị và lũ con gái. Đám trẻ làng nhặt cành xoan khô, tàu cau rụng, dựng thành lều. Cả lũ chơi trò đám cưới cổ tích. Chị làm cô dâu. Một đứa con trai được chọn làm chú rể. Ngặt nỗi, chưa bao giờ người được chọn là anh. Đám con gái xúm xít cài hoa, buộc tóc, đính váy lá cây xanh rờn, lộng lẫy cho chị. Đám con trai thì làm kiệu rước hoàng tử. Hoàng tử sẽ ngồi trên kiệu tới lâu đài rước công chúa về dinh. Tất cả đồng thanh: “Hoàng tử là gió/ Công chúa là mây/ Lâu đài ở đây/ Đón nhau về nhé/ Có đàn se sẻ/ Có chú ong ve/ Tất thảy lắng nghe/ Chúng ta về hát”. Mỗi lần đưa tay vén tấm voan trước mặt lên, chị luôn thấy anh đứng cách mình một quãng, gương mặt sáng trong. Anh không cười mà thần thái lúc nào cũng ánh lên niềm ân cần, nhẹ nhõm.

***

Cách đây chẵn tuần, họ đã thỏa thuận, quy ước được cuộc sống gia đình trong giai đoạn mới. Đại khái, ai lo việc nấy, việc chung cùng bàn, không trực tiếp được thì nhắn tin. Nguyên do đẩy họ tới miệng vực đổ vỡ tích tụ nhiều năm tháng. Ai cũng cảm thấy mình đã cố gắng, đã mệt mỏi lắm rồi. Anh có chút vị trí, đủ để hãnh diện nơi quê quán, làng mạc. Chị bươn bả nghiệp chữ nghĩa nhọc nhằn. Nhà còn có mẹ chồng, mỗi lúc con trai, con dâu to tiếng bà khẽ khàng mở cửa, bấm thang máy xuống sân chung cư. Ngày cháu nhỏ thì bế thêm cháu, khi cháu lớn ở phòng riêng, bà đi một mình. Công việc, thu nhập không tiến triển, trách nhiệm cuộc sống mỗi ngày níu thêm uể oải.

Giờ chị họp online, anh khạc nhổ liên hồi cho thỏa nỗi bực dọc đâu đâu mang về nhà. Âm thanh hỗn tạp tra tấn tinh thần chị, phát tán trực tuyến khiến đồng nghiệp chị khiếp đảm. Chị tắt mic, gắt chồng, rồi cứ thế xủng xoảng, chao chát. “Cô là đồ giả tạo, nói năng với người ngoài thơn thớt, chồng ho he cái là chửi chồng”, giọng anh chì chiết. “Anh nên nhìn lại mình, anh là gì mà tôi phải rón rén, cung phụng mãi?”. Sau giọt nước tràn ly là chiến tranh lạnh, suýt đâm đơn ra tòa và mãi mới có thể dàn xếp một cuộc sống ít liên quan nhau.

“Ổi này, ăn đi con!”, mẹ chồng chìa ra trước mặt chị vài quả ổi bé như ổi găng. Chị nhón tay, đưa lên miệng. Hương vị ứa ra khiến chị như bừng tỉnh. Thoạt tiên là giòn đanh, ngọt sắc pha chua dịu và sau cùng cả hương và vị như lên men, thoảng hơi cay cay, nồng nồng thật khó cưỡng. “Ổi cay! Là ổi cay phải không mẹ?”, chị sốt sắng, tò mò hỏi dồn. “Cha bố chị, bao năm vẫn mê, lại đây mẹ cho xem cái này”. Mẹ chồng dẫn chị ra cửa sổ, chỉ xuống khoảng đất bỏ hoang cạnh sân chung cư, thủ thỉ: “Dự án treo bao năm chả xây dựng gì, mẹ trồng đầy rau lang, cả cây ổi kia kìa, trông thế chứ cao bằng hai đầu người rồi đấy. Năm nay vừa bói quả”.

***

Sau trận ốm, chị tạm nghỉ việc ít hôm. Lá xông mẹ chồng đun trong bếp, thơm khắp nhà. Căn hộ gia đình chị thuộc khu nhà ở xã hội, cách quê không xa. Ấy là thành quả tích cóp, vun đắp đầu tiên của hai vợ chồng với sự giúp sức của đôi bên nội ngoại. Tiếng là chung cư nhưng nơi này chẳng khác quê là mấy. Đêm đêm ếch nhái vẫn inh uôm, mẹ chồng và các bà trong khu vẫn rủ nhau “chia phần” những khoảng đất bỏ hoang để trồng rau củ nọ kia, loanh quanh cũng đủ cho nhà ăn. Giống ổi cay bà mang từ vườn nhà lên, nghe đâu ươm nhiều và chăm bẵm lắm mà chỉ một cây sống sót. Cả làng chỉ mỗi nhà anh có cây ổi cay, trẻ làng gọi là ổi ô mai. Ngày bé chị thân với anh nên có đặc quyền riêng. Những lúc bị bố mẹ mắng hay muốn trốn việc nhà đều leo tót lên cây ổi, trốn trong tán lá tròn vo lùm lùm như chiếc ô. Trong vòm cây, tiếng chim non ríu rít, chị vắt vẻo trên một chạc ba, khẽ với tay là hái được quả chín, cho vào miệng thấy cay cay, say say và gà gật chợp mắt lúc nào không biết.

“Mỗi lúc thế này, con đều muốn ăn ổi cay”, chị nói khi hong tóc. Mái tóc mỏng đi nhiều, không lên tóc mới, vừa đưa chiếc lược vào, bàn tay mẹ chồng chần chừ khựng lại. Đứa con dâu bà thương như con gái, tính tình lại rất giống bà. Ít mua sắm cho mình, không nấu món mình thích, không giao du bù khú, khi rảnh rỗi giã cả muối vừng, làm ruốc bán lẻ khắp nơi. Thời sinh viên, mỗi lần về nhà, chị vẫn rổn rảng khoe hai đứa đi chợ đồ cũ, mua được mấy đôi giày và cái khăn cho mùa đông lạnh, bữa cơm căng tin chia đôi từ món chuối om mẻ đến cái đầu cá kho. Bà rơm rớm nước mắt. Lâu rồi, không còn nghe con dâu kể chuyện hoặc chí ít là ca thán. Khi con trai bà bỏ quên chiếc đồng hồ ở quán hát, đôi giày ở quán nhậu..., giả sử con dâu cứ nhảy chồm chồm lên như những năm đầu hôn nhân còn đi một nhẽ. Bà sẽ ba máu sáu cơn vớ cái chổi ở góc nhà, hoặc bất cứ thứ gì tầm tay mà ném theo con trai và chửi mắng. Nhưng chị im lặng, bà nén nước mắt trong lòng.

***

Loại nước hoa người ấy tặng màu xanh lơ như mây trời, gợi hình dung về những đám tảo thơm, hương muối biển và sự lãng quên mê mải. Vậy mà chị vẫn ngửi thấy hương ổi quyện mùi bông vải, mùi của khu vườn ngày xưa và cánh đồng cuối làng xao xác cỏ lau tuổi thơ từng rong ruổi. Anh dắt chị ngồi lên đám cỏ, đầu gối vào ngực anh. Khoảnh khắc ấy, trời chiều từ xanh chuyển dần sang tím sẫm. Ai ngờ được, khoảng trống bình yên ấy cách trung tâm thành phố chưa đến một giờ chạy xe, là quê nhà đầy da diết. “Anh nghĩ loại này hợp với em, anh mua trong chuyến công tác...”, giọng người ấy vừa từ tốn, vừa hồi hộp đợi chờ.

“Ơi quả ổi cay/ Má nào hây hây/ Tay nào đợi quả/ Ú òa lạ quá/ Không ngọt mà cay/ Không tỉnh mà say/ Mai này quên hết...”. Câu đồng dao lảnh lót vang lên, như thể chúng kết thành những hạt ngọc đang lăn từ miệng chai nước hoa xuống lòng tay chị. “Em vất vả quá rồi, nếu em lựa chọn con đường mới, nhất định anh sẽ bù đắp...”, vẫn giọng người ấy rủ rỉ. Người đàn ông độc thân, đồng nghiệp lâu năm của chị, người vẫn chứng kiến chị lén khóc một mình, chị tất tưởi chuyển đồ ăn thức uống tự làm khắp phòng này phòng nọ trong cơ quan và ngã quỵ khi chứng kiến chồng có người khác.

“Trưa rồi, để em nấu gì cho anh ăn”, chị vội lảng tránh. Nền nhà người ấy lau sạch sẽ còn hơi loáng nước, trên bàn trà có lọ hoa đuôi chồn nâu đỏ chị thích. Không gian nhỏ bé, gọn ghẽ mà bình yên. Anh ăn uống mê say, vồn vã. “Mọi thứ đều ngon tuyệt”, “Anh thích cá kho có nhiều ớt xanh thế này”, “Em xem, tỏi ớt nổi đều trên mặt bát nước chấm, trông thật thích mắt”, “Nhẽ ra em nên làm đầu bếp, mọi người đúng mà”... Người ấy hào hứng, ấm nồng tán dương, mắt chị càng loáng nước. Ngày xưa, anh cũng từng nói thế, trong căn phòng trọ chật hẹp, trong căn bếp quê ngun ngún khói rạ rơm. Sau này, nhìn anh gảy đũa, ăn uống qua loa, chị gặng hỏi để nấu nướng cho đúng ý, anh cộc cằn: “Ăn gì cũng được”.

***

Chị đứng cách cây ổi không xa. Trên một nhánh cây cong như nét vẽ, có quả ổi vàng ươm, căng mịn, tròn vo như mặt trăng giữa ban ngày. Nếu chị nhận lời người ấy, chẳng bao lâu nữa, chị sẽ rời xa. Bờ vai vững vàng, hào hiệp đã sẵn sàng trở thành chỗ dựa cho chị, cho con.

“Nó rất thích ăn loại ổi này, cả giống rau lang tía lá xẻ kia nữa, luộc lên và chấm mắm cáy, thêm vài giọt chanh...”, giọng nói quen thuộc mà ngắt quãng khiến chị giật mình. “Chắc chỉ còn bác nhớ sở thích của cô ấy, chính cô ấy cũng lãng quên bản thân mất rồi”, tiếng người ân cần đáp lại. Chị không ngờ có cuộc gặp gỡ kỳ lạ ấy. Dường như, người đàn ông kia đã đủ tự tin mới tiến về phía chị một cách đàng hoàng như vậy, và mẹ chồng chị cũng đủ sâu sắc nhận ra tới lúc cần đổi thay. “Ngày xưa, trước khi hái ổi, nó đọc câu này: Ơi quả ổi cay/ Má nào hây hây/ Tay nào đợi quả... Tôi cũng toàn đọc thế mới dám hái. Nó đùa, không đọc thì ổi mùa sau chẳng còn cay nữa, thế mà tôi tin. Số vất vả, cứ chờ ổi chín, nổi vị cay rồi mới ăn chứ lúc ương giống ổi này ngọt lắm, lạ thế chứ”.

Vài tuần sau, chị nhận được tin nhắn người ấy báo đã xuống sân bay nơi xứ lạ với dự định gắn bó lâu dài cùng lời chúc gia đình chị hạnh phúc. Bữa cơm tối anh nấu có món rau lang tía lá xẻ luộc chấm mắm cáy thêm vài giọt chanh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ổi cay