Hà Nội văn

Niềm vui của làng

Truyện ngắn của Nông Quốc Lập 03/03/2024 - 06:23

Đã hơn một tháng nay ông Bá không thu được một đồng tiền nào bổ sung vào quỹ khuyến học của làng. Cái miếu thờ nhỏ nơi chân núi vẫn còn đó. Nhưng hằng ngày cánh tài xế qua đây đã không còn nhiều người hạ cửa kính, thò tay thả những tờ tiền mệnh giá nhỏ để "mua đường” nữa. Cũng tại từ ngày con đường được mở rộng, nắn thẳng, không còn vụ tai nạn nào xảy ra trên điểm đen tử thần.

z5193377468308_0470ae87c95b.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Cách đây hai chục năm, đoạn đường dốc hình chữ “s” làm cho cánh lái xe tải ngần ngại, lo sợ mỗi khi qua đây, nhất là những lúc trời mưa lâm thâm, sương mù dày đặc. Ông Bá không nhớ đã có bao nhiêu chiếc xe lao xuống vực, va vào đá núi vỡ nát đầu, có xe bốc cháy ngun ngút. Ông đã nhiều lần dùng xà beng cậy cửa ca bin cứu tài xế bị thương. Nhưng vì cứu người mà thiếu chút nữa ông cũng mất mạng.

Hôm đó cũng sương mù giăng kín lối, mưa lâm thâm, mặt đường trơn trượt. Chiếc xe tải hiệu Howo không vào được cua đã đâm đổ lan can lao xuống vực sâu, tài xế không thoát ra được vì cánh cửa hai bên bị biến dạng do va đập vào đá. Nghe tiếng người lái xe bị thương đang kêu gào trong ca bin, không chút do dự, ông Bá chạy thật nhanh về nhà dưới chân đèo cách nửa cây số lấy xà beng, búa tạ để đập, cạy cửa cứu người bị nạn. Một số người cũng trèo xuống cùng ông cứu người, nhưng một số khá đông thì tụ tập ở rìa đường, có người ngó xuống quay clip, chụp ảnh vụ tai nạn...

Lúc ông Bá đưa được tài xế ra khỏi ca bin thì ngọn lửa bắt đầu bùng lên bao trùm cả thân xe. Thật vái tạ đất trời, chậm tí nữa thì cả người bị nạn và người cứu nạn đều bị ngọn lửa hung hãn nuốt chửng. Thấy xe cháy nhiều người hét hò, chỉ trỏ. Ông Bá ngước lên nói với: “Mọi người đi về đi! Còn đứng ở đó chỉ trỏ làm gì hả? Lỡ có xe từ trên dốc xuống không phanh kịp thì nguy hiểm lắm”. Lời của ông còn chưa kịp tan vào làn sương trắng thì một chiếc container từ trên dốc ầm ầm lao xuống, khi đến gần tài xế nhận ra nhiều người bên rìa đường đã giật mình phanh gấp. Đầu kéo đã vào được cua nhưng thùng xe không uốn được theo do mặt đường trơn trượt nên đã quét đám đông đang tụ tập bên rìa đường xuống vực. Tiếng người bị thương kêu la vọng vang vách núi. Chiếc đầu kéo treo lơ lửng bên rìa đường, còn thùng xe rơi xuống vực. Thấy thùng xe rơi xuống cùng với tiếng động lớn, ông Bá vội co mình nép vào sau tảng đá to. Khi hoàn hồn, ngẩng đầu lên thì thấy thùng xe ở ngay trên đầu. Ông thấy mình thật may mắn, vái lạy tảng đá to đã cứu sống mình. Nhưng vụ tai nạn bất ngờ đã khiến gần chục người chết và bị thương. Hôm đó là một ngày giữa mùa đông giá lạnh.

***

Sau vụ tai nạn khủng khiếp đó con đèo trở thành điểm đen luôn làm cánh lái xe khiếp sợ mỗi khi phải đi qua. Mong muốn được bình an nên nhiều lái xe đã hạ cửa kính thả những tờ tiền xuống bên đường cho linh hồn những người xấu số được siêu thoát. Thấp nhất là tờ năm trăm đồng, cao thì tờ mười nghìn, thi thoảng có tờ hai mươi nghìn. Nhìn những tờ tiền bay la đà trong gió, ông Bá nghĩ, ban khuyến học của làng đang hoạt động khó khăn do thiếu kinh phí. Vận động mỗi hộ mỗi năm nộp mười nghìn đồng, có hộ nộp có hộ không. Giờ có thể lượm nhặt tiền “mua đường” của cánh lái xe làm quỹ cũng là điều tốt. Tích tiểu thành đại, nhất định quỹ khuyến học sẽ phát triển. Sau khi nghe tâm sự của ông, mấy người cao tuổi trong làng góp ý: “Muốn thu được nguồn tiền này đều thì phải xây miếu thờ bên sườn núi. Mồng một, ngày rằm bác cho người đến bày lễ, thắp hương cúng bái. Việc này không khó, chỉ mấy chục viên gạch chỉ, bao xi măng là xong”.

Thế là một gian miếu nhỏ được dựng lên cạnh chỗ những người chết oan uổng bên rìa đường năm xưa. Ngày vài ba lần ông Bá lên đèo tìm nhặt những tờ tiền rơi. Số tiền mỗi năm thu được còn gấp nhiều lần đóng góp của các hộ gia đình. Từ trong sâu thẳm ông Bá thầm biết ơn những tài xế đã đóng góp cho quỹ khuyến học làng Keng Ca. Nhờ vào đó mà hằng năm ban khuyến học của làng đã trao những suất học bổng cho các em học sinh nghèo xuất sắc. Nhờ những suất quà động viên đó mà nhiều em đã phấn đấu học tập đạt được kết quả cao trong năm học. Số học sinh xuất sắc của làng ngày một tăng lên...

Từ ngày có đoàn khảo sát đến nghiên cứu phương án xử lý điểm đen trên đèo Keng Ca, ông Bá nhận ra rằng chỉ trong vài tháng nữa thôi nguồn thu quỹ khuyến học của làng sẽ không còn nữa. Sẽ không còn khúc cua chữ “s” trên con đèo một thời làm cánh lái xe khiếp sợ mỗi khi phải qua đây. Con đường sẽ được mở rộng, kéo thẳng như cây sào phơi quần áo.

Tìm nguồn thu nào thay thế để sung vào quỹ? Đó là điều khiến ông Bá ngày đêm suy nghĩ. Trước kia mỗi ngày nhặt một vài trăm nghìn là chuyện bình thường, giờ thì có ngày không được nổi chục nghìn, thậm chí có ngày về không. Như vậy thì quỹ khuyến học làm sao duy trì nổi. Đã từ lâu ông Bá chẳng buồn cất bước chân lên đèo Keng Ca. Con đường được xẻ thẳng, mở rộng gấp bốn năm lần nhưng lên đó có gì để ngắm? Cảnh quan vẫn thế, lắm lúc vô tình nhìn vào cái miếu nhỏ bám đầy bụi đỏ, quạnh hiu vì lâu ngày không có người hương khói làm cho ông cảm thấy nhói lòng.

***

Những chiếc thùng đựng rác sơn màu xanh vàng xinh xắn, bên trên gắn tấm biển “Quý vị bỏ vỏ chai, lon nước sau khi sử dụng vào thùng là đã đóng góp vào quỹ học bổng dành cho trẻ em nghèo ở bản chân đèo” được đặt tại mấy điểm du khách dừng chân trên đèo Mây Mù. Nhiều người dừng xe, ngắm cảnh, chụp ảnh đã bỏ vỏ lon bia, nước ngọt, vỏ chai nhựa vào thùng rác. Có người còn lượm những vỏ lon nước ngọt vứt rải rác ven đường bỏ vào thùng cho người gom thu. Một tuần hai lần ông Bá và những người trong ban khuyến học đem bao tải, xe cải tiến đến gom, phân loại rác thải rồi chở về làng. Số tiền bán phế liệu các ông cho vào quỹ. Tuy tiền bán phế liệu không nhiều bằng tiền hằng ngày nhặt được trước kia, nhưng mỗi năm ban khuyến học của làng Keng Ca vẫn trao được những suất học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó học giỏi.

Tận mắt nhìn thấy con em mình được nhận tiền từ quỹ khuyến học, một số người trong làng ngượng ngùng nói lời cảm ơn khe khẽ. Thì ra bao năm nay ông Bá miệt mài làm việc, đau đáu suy nghĩ đâu phải làm cho bản thân, gia đình? Ông làm việc này để cho tương lai của con em trong làng thêm tươi sáng. Trước đây, đã có không ít người nói ông điên, dở hơi, thậm chí có người bảo ông tham lam, nhặt nhạnh. Ông bỏ ngoài tai những lời nói khó nghe. Mặc kệ họ, miệng của họ, họ muốn nói thế nào thì nói, làm sao cấm được. Việc của mình cứ thế mà làm. Ông đã già rồi, không còn làm được công việc nặng nhọc, nhưng có những việc thì vẫn làm được. Đời ông đã không được học hành, cảm thấy thiệt thòi đủ thứ. Giờ nhà nước mở trường mở lớp, trẻ con bây giờ hai, ba tuổi đã được đến trường bảo sao chúng nó không thông minh hơn hẳn đời ông bà cha mẹ? Người lớn phải giúp lớp trẻ thắp sáng ước mơ, biết nuôi dưỡng hy vọng vào một tương lai tươi sáng. Ông Bá ước có thật nhiều tiền để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, để những trẻ em nghèo có cơ hội hiện thực hóa giấc mơ của mình. Ông muốn làng có nhiều người trẻ có cơ hội thoát ly, đi xa để học hỏi, mang kiến thức trở về xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Đã nhiều năm ông Bá trao những phần quà nhỏ động viên con em làng Keng Ca. Nhưng chưa bao giờ ông tự tay trao phần thưởng cho con cháu trong dòng họ. Nhiều người trách ông: “Ăn cơm nhà mình mà đi làm việc cho thiên hạ”. Ông đã phải giải thích nhiều lắm, rằng quỹ này chỉ trao cho con em những gia đình nghèo khó học giỏi. Dòng họ La ở Keng Ca chưa phải là những gia đình giàu có, nhưng từ lâu đã không còn hộ nghèo đói, vì vậy không thuộc đối tượng được xét trao học bổng. “Tiền ông nắm giữ, ông lại là trưởng ban khuyến học của làng thì việc trao cho ai không phải do ông quyết định à?”. Ngay cả cô con dâu cũng chất vấn ông. Đúng là ông giữ tiền, là trưởng ban, nhưng việc xét trao phải căn cứ vào tiêu chí mới được. Hơn nữa khi xét có ban có bệ hẳn hoi, nhiều trường hợp các ông phải cân nhắc đưa lên đặt xuống, đâu phải cá nhân ông muốn là được...

***

Hôm nay ông Bá rất vui. Ông mặc bộ comple, đi đôi giày mới. Năm nay làng Keng Ca có ba mươi con em đạt danh hiệu học sinh giỏi, xuất sắc, nhiều nhất từ trước đến nay. Ông đã cân đối nguồn quỹ để có thể có đủ tiền học bổng trao cho các cháu. Ông còn vui hơn khi được tỉnh tặng bằng khen. “Tôi thật sự cảm ơn gia đình, người làng đã ủng hộ việc làm của tôi và những người trong ban khuyến học. Tôi cũng cảm ơn những vị khách qua đường đã góp công sức không nhỏ vào việc xây dựng nguồn quỹ. Tôi cũng xin chúc mừng các cháu đã cố gắng học tập để đạt được kết quả cao trong học tập. Nhờ có các em mà làng Keng Ca nhiều năm liền được xã biểu dương. Mong rằng trong những năm học tới làng Keng Ca sẽ có nhiều cháu đạt học sinh xuất sắc hơn nữa”. Ông Bá nói xong, cả hội trường vang lên những tràng pháo tay không ngớt. Không vui sao được khi làng có nhiều con cháu đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trong đó có những trường thuộc tốp đầu.

Đã nhiều năm nay ông Bá không uống rượu vì lý do giữ gìn sức khỏe. Nhưng hôm nay ông sẽ uống, vui với người làng, vui với con cháu. Tan tiệc, ông trở về nhà, lên giường nằm mà những lời cảm ơn, chúc mừng vẫn văng vẳng bên tai. Niềm vui đưa ông vào giấc ngủ ngon lành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Niềm vui của làng