Hà Nội văn

Hàng vạn thọ ngoại trồng

Thanh An 24/02/2024 13:30

Lại thêm một cái Tết qua đi mà không có hàng vạn thọ được ngoại trồng trước ngõ. Tôi bần thần trước hiên nhà, nghe cơn gió xuân mơn man vờn quanh bờ giậu, lại nhớ ngoại và hàng vạn thọ của bà biết bao nhiêu.

minh-hoa-1.jpg
Minh họa: Nguyên Sa

Suốt những năm tháng tuổi thơ tôi thường thấy cứ độ tháng Mười âm lịch, ngoại lại gieo bông vạn thọ dọc bờ rào. Bây giờ, cây con bán sẵn ở chợ, chứ hồi xưa thì hiếm lắm. Ngoại thường chuẩn bị hạt từ Tết Nguyên tiêu. Bà lựa những cây có bông to và đẹp nhất, ngắt bông đem phơi khô, rồi tỉ mẩn gom hạt lại. Bà đem hạt bỏ vào một tờ lịch cũ, cẩn thận gói lại như cách ông thầy thuốc bắc lúc kê đơn. Ngoại cẩn mẩn đem cất hạt giống lên gạc-măng-rê, để đến hẹn đem ươm mầm nắng xuân.

Mùa càng đi về Chạp, gió mưa càng thêm se sắt, không phải cây nào cũng có thể nảy mầm, vậy mà vạn thọ cứ vươn lên như thế. Ngày nào cũng vậy, cứ tờ mờ là ngoại đã lom khom đi dọc bờ rào để kiểm tra, rồi đếm tới đếm lui. Ngoại đếm để coi có được bao nhiêu cây, nếu hạt nảy mầm ít quá, bà phải đi xin thêm về gieo cho ngõ nhà kịp đón xuân sang.

Hồi nhỏ, tôi cũng thường trông Tết. Nên cứ thấy bà ngoại gieo vạn thọ là lòng tôi khấp khởi, nôn nao. Cứ tưởng rằng cây vạn thọ khi ra hoa trông thấp bé như vậy thì phải nhanh lớn lắm, mà sao bà lại gieo trước cả hai tháng trời. Tôi hỏi bà gieo sớm thế lỡ như cây trổ hoa hết thì sao. Ngoại hiền từ xoa đầu tôi: “Ai ơi dù có đi xa/ Nhớ gieo vạn thọ mười ba tháng Mười” và cắt nghĩa dần cho tôi hiểu.

Tuy vậy, có những năm trời rét quá, bà lại phải canh chừng gieo sớm. Năm trời nắng ấm, bà lại gieo muộn hơn. Với kinh nghiệm của bà, năm nào Tết đến, hoa vạn thọ ngõ nhà tôi cũng nở đúng lịch, chạy theo kịp bước chân xuân. Hàng bông đứng thẳng tắp, tưng bừng tung những chùm bông vàng, bông cam, đẹp như những chùm pháo hoa đêm giao thừa.

Bông vạn thọ dáng không cao sang, mùi hương đơn sơ, mộc mạc như những người dân chân quê. Đầu năm mới, hàng vạn thọ ngoại trồng khoe sắc cùng với mai, cúc khiến khoảng sân nhà tôi thêm rực rỡ. Trong làn nắng xuân mỏng mảnh, ong bướm cũng vờn quanh bờ giậu. Ba ngày Tết, bảy ngày xuân, ai đến thăm nhà tôi cũng tấm tắc khen ngoại khéo có tay trồng cây, rồi ngỏ lời xin bà ra Giêng chia giống để dành cuối năm trồng.

Ngoại tôi yêu hoa, nên hạ nêu, ngoại vẫn để cho giàn hoa hồn nhiên khoe sắc, như muốn níu áo mùa xuân khi nó đang thu xếp muốn ra đi. Gần rằm, bà lại lui cui ngoài bờ giậu dòm xuôi ngó ngược để chọn những bông đẹp nhất chưng lên bàn thờ trong Tết Thượng nguyên, lại chọn một số bông to nhất để dành làm giống. Chút nắng xuân vương vít trên những bông vạn thọ được dời từ ngõ vào nhà trong dịp rằm tháng Giêng. Đó dường như là vĩ thanh của Tết, khi không khí mùa xuân vẫn nồng đượm.

Số tuổi của tôi tăng dần theo số năm trên tấm lịch, ngoại thì ngày một yếu đi dầu ngoài kia xuân năm nào vẫn căng tràn nhựa sống. Rồi bỗng một sớm mùa xuân, trước sân không còn màu nắng xuân trên những cây vạn thọ bởi thiếu đôi bàn tay gieo hạt của ngoại. Giờ đây gia đình tôi sắm sửa chơi xuân bằng nhiều loại hoa sặc sỡ, lạ mắt vô cùng, nhưng sao mùi Tết không đượm nồng như hàng bông vạn thọ ngoại trồng năm xưa. Đưa mắt ngó ra bờ rào, thấy lòng mình như có một khoảng trống, rưng rưng thương nhớ nụ cười móm mém, hiền hòa của ngoại, ngoại ơi...

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hàng vạn thọ ngoại trồng