Phố Tố Tịch và nỗi niềm khắc khoải

Hoàng Lan| 17/09/2019 11:44

(HNNN) - Giới trẻ Hà thành lâu nay vẫn hay gọi con phố Tố Tịch bằng cái tên gần gũi: “Phố hoa quả dầm”. Ít ai biết rằng đằng sau cái tên gọi đầy ưu ái ấy là nỗi niềm khắc khoải của những cư dân đã gắn bó với nghề tiện gỗ trên con phố này.

Nối từ phố Hàng Quạt đến phố Hàng Gai (phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), phố Tố Tịch là con phố ngắn, dài chưa đầy 100m. Thời Pháp thuộc, phố Tố Tịch mang tên “Ruelle de To Tich”, còn trước đó rất lâu người Hà Nội quen gọi là phố Thợ Tiện hay Hàng Tiện. 

Theo lời kể của ông Nguyễn Đông (trú tại số nhà 26A cuối phố Tố Tịch), trước đây hầu hết cư dân sinh sống trên con phố này đều là người làng Nhị Khê (Thường Tín, tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội). Thế hệ cha ông của ông Đông đã mang nghề tiện gỗ ra đây lập nghiệp. Những năm 60 của thế kỷ trước, phố Tô Tịch ngày đêm vang tiếng tiện, tiếng cưa, bào. Khách đến chủ yếu là đặt sản xuất các mặt hàng phục vụ đời sống như đồ thờ, mâm bồng, ống hương, song cửa, các vật dụng hằng ngày như khay đựng trà, hộp gỗ đựng thuốc lào hay đơn giản là đôi dép gỗ, đồ chơi cho trẻ em... Cả Hà Nội ngày ấy chỉ có phố Tố Tịch tập trung nhiều nghệ nhân tiện gỗ cao tay, vì thế người ta gọi phố này là “phố mộc”.

Thời gian trôi đi, cuộc sống hiện đại khiến nhiều thị dân không còn mặn mà với các sản phẩm tiện gỗ. Con phố chỉ cách hồ Gươm 300m biến thành “đất vàng” để xây khách sạn và kinh doanh các dịch vụ tiện ích khác phục vụ du lịch. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên, phình ra hóp vào đủ loại dần thay thế những mái ngói rêu phong. Thu nhập từ kinh doanh nhà hàng, khách sạn, cửa hàng bán đồ lưu niệm cho du khách ghé thăm Hà Nội đã khiến một số hộ gia đình ở đây nhanh chóng chuyển nghề.

Những năm 1997 - 1998, phố Tố Tịch bắt đầu xuất hiện các cửa hàng bán hoa quả dầm. Mới đầu chỉ là vài hộ ở cuối phố, dần dà con phố nhỏ dài chưa đầy 100m đã có tới gần chục cửa hàng kinh doanh nằm sát nhau, bàn ghế nhựa xếp kín hai bên vỉa hè, biến nơi đây trở thành một địa chỉ ẩm thực thu hút đông giới trẻ, khách thập phương, cả du khách nước ngoài, nhất là vào những ngày hè nóng bức, ngày cuối tuần hay dịp lễ hội. Ban ngày chỉ lác đác vài ba quán, nhưng đến tối thì bung ra tới gần chục quán hoa quả dầm, nam thanh nữ tú đổ về đây ăn uống náo nhiệt. Phố Tố Tịch lúc này quyến rũ người đi đường bằng sắc màu và hương thơm hấp dẫn của các loại hoa quả. Một bát hoa quả dầm ở đây có đủ loại dưa hấu, đu đủ, xoài, mít, dâu tây, dưa vàng, bơ..., tất cả đều được xắt miếng nhỏ rồi rưới thêm sữa đặc, nước cốt dừa và trộn cùng đá bào ăn kèm. Chị Hạnh chủ quán hoa quả dầm 24 phố Tố Tịch “khoe” rằng, không gian cửa hàng tuy bé nhưng có tới 8 người làm, phục vụ hàng trăm khách mỗi ngày. Còn bà chủ cửa hàng hoa quả dầm đông khách nhất phố Tô Tịch, nổi tiếng với thương hiệu “Hoa Béo” ở số nhà 17 thì cho hay, một số gia đình dù không trực tiếp kinh doanh mặt hàng ẩm thực hút khách này nhưng cũng gia nhập chuỗi dịch vụ thông qua việc trông giữ xe, nhờ đó cũng nhanh chóng tăng thu nhập...

Cuốn theo vòng xoáy và nhu cầu của thị trường, nghề tiện gỗ trên phố Tố Tịch giờ mai một hẳn, nhiều nghệ nhân đã qua đời, người thì bỏ nghề về quê. Cả phố chỉ còn lại duy nhất ông Lê Đình Thắng (số nhà 7) làm nghề tiện gỗ. Cửa hàng của ông nhỏ bé khiêm nhường, không biển hiệu, lọt thỏm giữa những tòa nhà cao tầng, cửa kính, biển hiệu sáng choang trên phố Tố Tịch. Bên trong cửa hàng, hầu như lúc nào cũng thấy ông Thắng đang loay hoay tiện hay bào một sản phẩm gì đấy trong không gian phủ mờ bụi gỗ. Theo lời ông Thắng, cụ thân sinh ra ông cũng là người làng Nhị Khê, ra đây sinh sống lập nghiệp, tần tảo nuôi 7 người con khôn lớn trưởng thành cũng nhờ nghề tiện gỗ. Cả 7 anh em đều được bố truyền nghề nhưng đến nay chỉ mình ông Thắng còn giữ nghề. Ông Thắng kể rằng: Trước đây những nhà số lẻ ở phố Tô Tịch, như nhà số 15, 21, 25, 27... đều theo nghề tiện gỗ. Giờ số nhà 15 đã thành cửa hàng thời trang, chuyên bán quần áo phục vụ khách du lịch; nhà 21, 25, 27 vẫn bán những sản phẩm liên quan đến nghề tiện gỗ nhưng chủ yếu là bán hàng Trung Quốc phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

Ông Lê Đình Thắng, người duy nhất  còn làm nghề tiện gỗ trên phố Tố Tịch.

Ngồi gần hết buổi chiều cũng chẳng thấy khách nào đặt hàng ngoài mấy khách nước ngoài đi qua, ghé vào xem ông Thắng làm việc với vẻ tò mò, thích thú. Ông Thắng bảo, để “sống được” với nghề, ông phải dựa vào lượng khách quen từ thời cha ông để lại. Khách đến cửa hàng chủ yếu là mua con tiện cầu thang, làm chao đèn ngủ, khung rèm cửa và những vật dụng liên quan đến gỗ, công việc tuy không nhiều nhưng cũng đủ để vợ chồng ông và hai cô con gái “sống ổn”. Đã có những lúc mệt mỏi, ông tính chuyện bỏ nghề, cho thuê cửa hàng hay chuyển sang buôn bán, chắc chắn vợ chồng con cái sẽ không phải vất vả, lại nhàn thân. Nhưng rồi ông lại chẳng đành, bởi nhiều day dứt, đặc biệt với ông, bỏ nghề là bất hiếu với tổ tiên, phụ lòng người cha đã khổ công truyền nghề cho mình.

Tôi rời ngôi nhà số 7 lúc chạng vạng tối. Phố Tố Tịch đã lung linh ánh đèn led xanh đỏ hắt ra từ những khách sạn mini và biển hiệu hoa quả dầm nhấp nháy đầy quyến rũ. Khách đến phố thưởng thức món “đặc sản ẩm thực thời @” bắt đầu đông dần, phần lớn là giới trẻ sành điệu. Tôi thầm nghĩ, nếu dừng chân hỏi những bạn trẻ ấy, phố này ngày xưa làm gì bán gì, chắc cũng không nhiều người biết. Thời gian đã phủ mờ mọi thứ, âm thanh nghề tiện đã trở thành dĩ vãng, nhường chỗ cho những tiếng còi xe, âm thanh ăn uống xô bồ náo nhiệt... Lại nhớ câu nói của người nghệ nhân tiện gỗ cuối cùng ở đất Hà thành: “Nhiều lúc nghĩ mà buồn. Trẻ con ở phố, thế hệ đáng lẽ phải nối nghề cha ông, vậy mà nhiều khi chúng đi qua nhà tôi còn nhìn những con tiện gỗ, máy cưa bào với vẻ rất ngạc nhiên. Nhưng trách sao được, bởi ngay cả các con tôi cũng chẳng đứa nào chịu theo nghề”. Đọng lại trong tôi lúc này là cảm giác tiếc nuối xót xa, khi con phố Tố Tịch rồi đây sẽ vắng bóng cái cửa hàng cuối cùng của nghề tiện gỗ, cái nghề đã từng tấp nập bán mua, nuôi sống biết bao thị dân và góp phần bồi đắp tinh hoa, truyền thống của đất Kinh kỳ - Kẻ Chợ một thời xưa cũ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phố Tố Tịch và nỗi niềm khắc khoải