Phố xưa, phố nay

Nguyễn Ngọc Tiến| 01/10/2022 07:34

(HNMCT) - Nội thành Hà Nội hiện có 3 lớp phố: Cổ, cũ và mới. Ba lớp phố riêng rẽ, không đan vào nhau... Phố cổ, hay còn gọi là “phố Hàng”, vì xưa mỗi phố buôn bán một mặt hàng và các phố bắt đầu bằng chữ "Hàng". Phố cổ còn có cách gọi văn vẻ là “36 phố phường”.

Ngã ba phố chợ. Ảnh: Cao Anh Tuấn

Khu vực phố cổ cơ bản ở phía Bắc của hồ Hoàn Kiếm và phía đông quận Ba Đình. Từ năm 1883 trở về trước, phố cổ là những ngôi nhà ống, xây gạch lợp ngói ta với chiều cao khiêm tốn vì vua Minh Mạng quy định nhà dân ở Hà Nội không được xây cao quá kiệu voi. Dù kinh đô đã chuyển vào Huế năm 1802 nhưng Hà Nội vẫn là trung tâm kinh tế lớn của cả nước và phố cổ vẫn là nơi buôn bán đông đúc.

Hàng quán với phên chống nắng, che mưa lấn ra đường và lúc nào cũng có khách len lỏi mua bán nên rất nhộn nhịp. Có phố, đường được lát đá nhưng có phố vẫn đường đất. Sau năm 1883, chính quyền thành phố quy hoạch, buộc các hộ phải làm nhà thẳng hàng. Hộ nào còn ở nhà tranh lợp lá phải xây gạch để tránh hỏa hoạn, nếu không có khả năng thì bán cho người có tiền hay chính quyền sẽ trưng mua. Chính quyền cho xây dựng hệ thống cống thoát nước thải, nước mưa, lát vỉa hè theo kiểu châu Âu, đánh số nhà. Vì chiều ngang của đường phố đều nhỏ, vỉa hè hẹp nên họ không trồng cây. Tại sao không gọi đường mà lại là phố? Phố theo nghĩa Hán là nơi có cửa hàng, mà ở phố cổ nhà nào cũng buôn bán, vì thế, chính quyền khi đó gọi là phố (tiếng Pháp là “rue”). Cuối thế kỷ XIX, bộ mặt phố cổ đã thay đổi, gọn gàng và khang trang hơn. Dù có dáng dấp của phố châu Âu nhưng hầu hết nhà cửa vẫn mang lối kiến trúc Việt.

Lớp phố thứ hai gọi là “khu phố cũ”, được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1954 nối với phố cổ, khu vực phố cũ gồm phía đông và phía nam hồ Hoàn Kiếm kéo dài đến đường Đại Cồ Việt ngày nay. Phía tây đến đầu phố Kim Mã, trong đó có phần đất vốn là thành Hà Nội bị phá cuối thế kỷ XIX. Để có mặt bằng xây dựng, chính quyền thành phố đã di dân, lấp hồ ao. Trong quy hoạch, diện tích mỗi lô đất làm nhà rất rộng, đường lớn hơn khu phố cổ, vỉa hè từ 5 - 7,5m được trồng cây. Cuối thế kỷ XIX, khu phố phía đông hồ Hoàn Kiếm hình thành, đa phần là biệt thự. Đầu thế kỷ XX, khu vực phía nam và phía tây được xây dựng. Hầu hết là biệt thự có khuôn viên để trồng cây và hoa với các phong cách kiến trúc châu Âu sang trọng. Và cho đến năm 1954, phố mở rộng đến đê Đại Cồ Việt. Tuy nhiên, diện tích các thửa nhỏ hơn và các ngôi nhà được xây theo phong cách kiến trúc Đông Dương.

Sau năm 1954 cho đến khi thực hiện đổi mới năm 1986, nhà riêng gần như không thay đổi vì cơ chế và người dân không có điều kiện làm nhà mới. Nhà mới chủ yếu là khu tập thể xây xen vào khu vực phố cũ và vùng ven đô. Dù chiếm một phần nhỏ của tổng diện tích Hà Nội, song các khu tập thể cũng là niềm tự hào một thời. Sau Đổi mới, bắt đầu từ cuối những năm 1990 cho đến nay, Hà Nội xuất hiện lớp phố thứ 3, tức là phố mới khi nhiều xã ngoại ô chuyển thành phường. Phố mới ra đời là tất yếu, đáp ứng sự phát triển của đô thị. Trước đường chính qua các xóm không có tên, nó được gọi là đường cái. Khi xã lên phường, tên xã được lấy đặt cho con đường cái. Nói chung, đường phố mới khá hẹp, không có vỉa hè và một số phố cong như vốn có. Để có tiền xây dựng nhà và sắm sửa đồ đạc, không ít nhà phải bán đất nên dân phố mới có sự pha trộn. Phố mới có đặc điểm khác với phố cổ và phố cũ là đình, chùa, đền và nhà thờ các họ ở các làng còn nguyên vẹn. Vào mùa xuân, hội làng trong phố mới vẫn diễn ra.

Nhưng phố mới không chỉ có cấu trúc theo kiểu phố truyền thống với nhà hướng ra mặt đường, phố mới còn là khu cư dân tách bạch như ốc đảo. “Phố mới chung cư” hầu hết trước là đất sản xuất nông nghiệp và ao hồ của các xã ngoại thành, được chuyển đổi sang đất ở và chủ đầu tư xây nhà cao tầng. Tuy là nơi có nhiều hộ sinh sống song khác với khu tập thể trước kia, tiện nghi hơn, thiết kế cũng hạn chế chung đụng và có các dịch vụ kèm theo đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Văn hóa sống ở chung cư, nhất là chung cư cao cấp xung đột với lối sống truyền thống “tắt lửa tối đèn có nhau”, song nó đã trở thành lối sống mới, riêng tư, không làm phiền nhau.  

Xã hội thay đổi, dấu vết cổ ở phố cổ còn rất ít. Phố cũ cũng bị “va chạm”, có biệt thự với kiến trúc đẹp đã thành nhà cao tầng; khuôn viên với cây, hoa cũng hiếm. Nhưng may mắn là không gian, hồn cốt phố cổ, phố cũ vẫn còn và 3 lớp phố đã hòa vào nhau làm nên diện mạo đô thị Hà Nội hôm nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phố xưa, phố nay