Tổ liên gia phòng cháy, chữa cháy khu dân cư
Từ đầu tháng 9-2022, UBND phường Thanh Lương chính thức cho ra mắt thí điểm mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng, cháy và chữa cháy khu dân cư”. Mô hình này hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự giác, tự quản nhằm tập hợp các hợp hộ kinh doanh, hộ gia đình huy động sức dân cùng phối hợp, hỗ trợ trong công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và an ninh, trật tự.
Từng nhiều lần trực tiếp tham gia chữa cháy cho các hộ dân trên địa bàn, anh Nguyễn Thanh Tú, Tổ trưởng Tổ liên gia nhận thấy, hầu hết các vụ cháy xảy ra là do chủ nhà không phát hiện kịp thời, mà nhờ các hộ dân xung quanh phát hiện nên mức độ thiệt hại cao hơn. Khắc phục những bất cập này, “Tổ liên gia an toàn phòng, cháy và chữa cháy khu dân cư” bao gồm 13 hộ gia đình liền kề nhau tại dãy 7 ngách 651/82 phố Minh Khai (Tổ dân phố số 17) được thành lập thí điểm.
Trong Tổ liên gia này, mỗi hộ gia đình trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy xách tay (loại bình bột ABC hoặc bình khí CO2) và tối thiểu 1 dụng cụ phá dỡ (xà beng, kìm cộng lực, búa, rìu,...) để tham gia chữa cháy khi có sự cố xảy ra.
Anh Tú chia sẻ, mỗi hộ gia đình lắp đặt 1 chuông báo cháy tại tầng 1; 2 nút ấn báo cháy (1 nút trong nhà, 1 nút ngoài nhà) ở các vị trí phù hợp để thuận tiện cho việc báo cháy. Đặc biệt, nút ấn và chuông báo cháy của các hộ gia đình trong tổ liên gia được liên kết với nhau nhằm bảo đảm khi ấn bất kể nút ấn nào thì toàn bộ chuông của các hộ gia đình đều kêu.
Chủ tịch UBND phường Thanh Lương Bùi Quang Khải cho biết, việc thành lập Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy là cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy. Đây thực sự là điều kiện tốt nhất để xử lý tình huống cháy, nổ ban đầu, đặc biệt là thiết lập cơ chế phối hợp giữa các gia đình nhằm phát huy hiệu quả hỗ trợ tại chỗ trong công tác xử lý cháy, nổ.
Vì thế, Tổ liên gia này tổ chức thực tập phương án chữa cháy định kỳ ít nhất mỗi năm một lần. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra các phương tiện chữa cháy đã trang bị để bổ sung thay thế khi hết hạn sử dụng hoặc còn thiếu, đảm bảo cho công tác chữa cháy khi có tình huống xảy ra.
Mở lối thoát hiểm phòng cháy, chữa cháy
Trên địa bàn phường Đồng Tâm hiện có nhiều nhà tập thể cũ, hầu hết chưa đáp ứng điều kiện đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy. Trong đó, nhiều hộ gia đình lắp dựng lồng sắt chưa mở lối thoát nạn gây khó khăn cho công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có tình huống cháy nổ phát sinh.
Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm Đinh Đức Hiếu cho biết, thời gian qua UBND phường yêu cầu các tổ trưởng dân phố tuyên truyền, phổ biến đến các hộ gia đình, cá nhân đặc biệt tại các khu nhà tập thể, nhà ở riêng lẻ chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, mở lối thoát hiểm tại các vị trí lồng sắt. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, vận động hộ gia đình, nhà để ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh ký cam kết tự tháo dỡ chuồng cọp, mở lối thoát nạn thứ hai, trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Phan Văn Phúc thông tin, trên địa bàn quận đang triển khai 3 mô hình phòng cháy, chữa cháy trong cộng đồng dân cư. Cụ thể, mô hình 1 là “Phát huy hiệu quả, vai trò của lực lượng dân phòng trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ” được áp dụng trên địa bàn 18 phường, thí điểm đối với lực lượng dân phòng của phường Nguyễn Du. Mô hình 2 là “Tổ liên gia an toàn về phòng cháy, chữa cháy” được áp dụng trên địa bàn 18 phường, thí điểm tại phường Thanh Lương. Còn mô hình 3 là “Điểm chữa cháy công cộng” được triển khai áp dụng trên địa bàn 18 phường.
“Mục đích quan trọng của các mô hình này là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời, xây dựng và củng cố lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ, lực lượng dân phòng, đảm bảo xử lý, cứu chữa kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, hạn chế cháy lan, không để xảy ra cháy lớn. Đặc biệt là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác phòng cháy, chữa cháy, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ”, ông Phan Văn Phúc nhấn mạnh.
Đại úy Nguyễn Văn Lương, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an quận Hai Bà Trưng) cho biết, nhiều năm qua trên địa bàn quận không xảy ra các vụ cháy lớn là nhờ ý thức phòng cháy, chữa cháy của người dân được nâng cao. Trong đó, phải kể đến vai trò của lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại các khu dân cư trong xử lý kịp thời các đám cháy ngay từ khi bắt đầu.
“Chúng tôi tham mưu UBND quận thứ 6 hằng tuần họp giao ban với lãnh đạo và công an 18 phường để đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu theo tuần; kịp thời chấn chỉnh, kiểm điểm và điều chỉnh những bất cập trong công tác phòng, cháy chữa cháy này cho phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, phối hợp với UBND 18 phường trong việc ban hành quy chế hoạt động của đội dân phòng và Tổ liên gia, các điểm đặt phương tiện chữa cháy. Định kỳ sơ kết, tổng kết kết quả thực hiện triển khai hoạt động của các mô hình trên để tham mưu UBND quận triển khai đồng bộ trên địa bàn 18 phường trong những năm tiếp theo”, Đại úy Nguyễn Văn Lương chia sẻ.