Hà Nội văn

Sợi dây chuyền có mặt hình Phật

Truyện ngắn của Lê Phúc Hỷ 11/09/2023 - 06:10

Trời bắt đầu vào thu. Lác đác những cơn gió mát quét nhẹ dọc trên phố. Mặt đường thi thoảng xao xác lá bay. Ông Huấn vừa cùng nhóm cựu chiến binh kết thúc chuyến tri ân đồng đội nhân tháng bảy, qua mấy nghĩa trang liệt sĩ ở miền Trung. Riêng đơn vị ông đã có hàng trăm đồng đội nằm lại rải rác tại các nghĩa trang này. Nhiều người cho đến giờ gia đình còn ngược xuôi tìm hài cốt nhưng vẫn chưa thấy.

mat-phat.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Chuyến đi bốn ngày làm ông Huấn thấm mệt. Nghỉ hưu đã dăm năm nay, sức khỏe giảm theo tuổi tác, ngại đi xa nhưng hễ nói đi thắp hương cho đồng đội thì ông lại hăng hái, quên hết mệt nhọc. Vợ ông bảo: “Thôi. Không đi đâu nữa. Ông có tuổi rồi, huyết áp cao, đi đường xa ngộ nhỡ có gì, ai chăm?”.

Vợ nói hôm trước thì sáng hôm sau điện thoại của ông “ting ting”. Thì ra là tin nhắn của ông Mùi, đồng đội cũ đang sống ở một tỉnh miền Trung: “Ông thu xếp vô dự đám cưới con trai út của tôi nghen. Mà hơn chục năm chưa gặp lại đó nha”. Sau tin nhắn ông Mùi còn gửi một tấm hình thiệp mời dự lễ tân hôn. Vợ ông Huấn bảo: “Ông vẫn kể bác Mùi, bác Toán là hai đồng đội gắn bó, cùng nhau vào sinh ra tử trên đất miền Trung. Có phải bác Mùi đó không?”. Ông Huấn gật đầu: “Sau này ông Mùi làm tới Phó Bí thư Tỉnh ủy. Gặp chuyện gia đình éo le, ông đi thêm bước nữa nên bây giờ mới làm đám cưới cho cậu út”. Đang phân vân nên vào dự đám cưới hay chuyển khoản mừng hạnh phúc của đôi trẻ thì bỗng ông Huấn nghe vợ nói như ra lệnh: “Ông phải đi! Sống chết có nhau mà nay người ta cưới con, mình lại không dự, còn mặt mũi nào mà nhìn đồng đội?”.

“Được lời như cởi tấm lòng”, ông Huấn liền đặt vé máy bay, bảo vợ tìm mua ít quà đặc sản miền Bắc mang vào biếu bạn. Lúc đang ngồi chờ ở sân bay thì lại thấy ông Mùi nhắn tin: “Thằng Toán ở Sài Gòn mới đến hồi hôm nè. Tui có món quà bất ngờ dành cho các ông. Vô lẹ nha! Nhậu tưng bừng cho bõ những ngày xa cách, nghen!”. Mân mê chiếc điện thoại, ông Huấn bâng khuâng nhớ tới gương mặt đen, dáng người cao, vạm vỡ của ông Mùi. Trong số bạn chiến đấu của ông, Hai Mùi là người nhiều tuổi nhất. Là trung đội trưởng trung đội trinh sát đặc biệt của bộ đội địa phương, Hai Mùi hay kể chuyện tiếu lâm với những câu nói lái đặc chất miền Trung làm người nghe cười nghiêng ngả. Nhưng trước kẻ địch, ông luôn điềm tĩnh và kiên quyết. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền Trung ác liệt này, Hai Mùi dường như thuộc từng lối đi tắt, bụi cây, kênh rạch trong vùng. Những ý kiến của ông về cách tác chiến, nhất là cách trinh sát nắm lực lượng và kế hoạch của địch rất sát thực tế, luôn được anh em ủng hộ và tuân theo. Hồi đó ông Huấn là bộ đội từ Bắc vào, bị thương trong một trận đánh nên phải nằm lại, không theo kịp đơn vị. Sau khi bình phục, ông được phiên chế tạm thời vào trung đội trinh sát của Hai Mùi.

***

Căn nhà “một trệt hai lầu” của ông Mùi nằm ở góc con phố nhỏ nơi trung tâm thành phố. Hơn mười năm trước, ông Huấn có dịp ghé thăm nhà bạn nhân chuyến đi dự một hội nghị ở tỉnh miền Trung này. Gia cảnh của ông cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy giản dị, chẳng có gì phô trương, hoành tráng. Duy chỉ có ti vi là ông Mùi sắm mấy chiếc liền, phòng nào cũng treo, như ông giải thích là “để ai cũng được nghe thời sự đầy đủ”. Lần đó gặp nhau chớp nhoáng, không kịp uống với nhau ly bia hay chén rượu. Lần này hội ngộ, không biết có gì đặc biệt mà ông Mùi nói sẽ dành cho đồng đội một món quà bí mật, bất ngờ. Ông Huấn bắt taxi từ sân bay về nhà ông Mùi, trong lòng hồi hộp, xốn xang đến lạ.

Ông Huấn vừa xuống xe, đang ngó nghiêng thì đã thấy ông Mùi và ông Toán từ trong nhà ùa ra. Ba người ôm nhau thật chặt. Khóe mắt ai cũng rưng rưng. “Vô nhà, vô nhà! Còn khỏe vầy là vui rồi. Ăn uống gì chưa? Thôi, vô nhà luôn!” - ông Mùi hối mọi người.

Ba cựu chiến binh quây quần bên bàn ăn. Trên bàn là bốn tô mỳ Quảng với hai bình rượu Hồng Đào. Ông Mùi lấy ra bốn chiếc ly, cười hể hả: “Bữa ni tui hạnh phúc nhứt đó! Được hai đồng đội từ nửa thế kỷ trước tới thăm. Xa nhứt là ông Huấn từ Thủ đô bay vô, tui cảm động lắm! Bữa nay mình nhậu tới bến ở đây, mai lễ cưới các cháu sẽ ra nhà hàng”. Ông Huấn hỏi: “Ông nói có điều bí mật, bất ngờ, là điều gì vậy? Có ba người sao để bốn cái ly, bốn bát mỳ? Chắc cả phần bà xã hả?”. Ông Mùi hạ giọng: “Sắp tới rồi, chắc chừng dăm mười phút nữa. Bất ngờ nhiều đó nghen!”. Đoạn ông Mùi rót rượu ra ba chiếc ly: “Nào! Ta nâng ly đầu tiên mừng hội ngộ nha! Hiếm hoi lắm mới tụ đủ ba chiến binh suýt thành liệt sĩ ngày nào”.

Lúc ông Mùi chuẩn bị rót lượt rượu thứ hai thì vợ ông dẫn một người đàn ông đi vào phòng với dáng vẻ ngập ngừng. Đó là một ông già cao lớn, dù nhiều tuổi nhưng vẫn toát ra vẻ tráng kiện, ánh mắt sáng. Ông Mùi quay ra với khách: “Ngồi đi. Tụi tui mới cạn ly đầu tiên”. Rồi ông Mùi hỏi hai đồng đội: “Hai ông có nhận ra ai không?”. Ông Huấn nhìn chăm chắm vào người khách lạ. Ông khách cười: “Chương trình đuổi hình bắt chữ đây. Tui thì đã mang máng nhận ra các ông. Ông nào cũng già đi, mập hơn hồi nào”.

Ông Huấn cố nặn trí nhớ nhưng chưa thể bật ra ngay thông tin gì về vị khách. Ông Toán chẳng nói chẳng rằng, tợp một ngụm rượu Hồng Đào rồi mủm mỉm cười, ra chiều đã đoán được nhưng chưa lên tiếng. Bỗng ông Huấn chăm chú nhìn sợi dây chuyền lấp ló nơi cổ áo vị khách. Quá khứ mờ ảo gần 50 năm trước dần hiện lên. Đúng sợi dây chuyền bạc có mặt hình phật này rồi. Lẽ nào...

***

Đó là thời điểm sau khi Hiệp định Paris được ký kết, mặt trận miền Trung bước vào giai đoạn gay go, ác liệt. Sau nhiều đợt tổ chức phản kích, lấn chiếm không thành, bị thua đau, địch co cụm, rút về căn cứ, kêu gọi các quân khu và các vùng chiến thuật cho quân yểm trợ để giữ đất. Trung đội trinh sát đã thu được nhiều thông tin quý, giúp cho cấp trên đưa ra kế hoạch tấn công rất hiệu quả. Nhưng chẳng may, một đêm đơn vị lọt vào ổ phục kích của địch. Ba ông Mùi, Toán, Huấn bị bắt. Chúng trói giật cánh khuỷu họ lại rồi đưa đến trước tên sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn địa phương quân tên là Ninh, nổi tiếng ác ôn trong vùng. Nhìn ba người ốm nhom, hắn quát lớn:

- Còn theo Việt cộng thì còn khổ. Ăn bờ ở bụi, vợ con đói rách. Tụi bay nên hồi chánh về với quốc gia, sẽ được đãi ngộ.

Ông Mùi gằn giọng lên tiếng:

- Chúng tôi đi làm cách mạng không phải vì miếng ăn như bọn tay sai các ông, bám đít ngoại bang ăn bơ thừa sữa cặn...

Tên chỉ huy nóng mặt:

- Tầm bậy! Vậy tụi bay đi đánh nhau vì cái cóc khô gì?

Ông Mùi đanh thép:

- Chúng tôi chiến đấu để đánh đuổi ngoại xâm, để đất nước thống nhất, quê hương hòa bình, người dân nơi đâu cũng được sống yên lành. Mục đích của chúng tôi đơn giản vậy thôi. Bắn thì bắn đi, khỏi hỏi lôi thôi!

Tên Ninh đi đi lại lại, rít thuốc lá nhả khói mù mịt. Chiếc dây chuyền bạc có mặt hình ông phật lủng liểng nơi cổ áo hắn ta.

- Bay nói hay lắm. Nhưng giờ tao vẫn đứng cao hơn bọn bay. Tao chỉ bóp cò là tụi bay về chầu Diêm Vương ngay lập tức.

Ông Mùi cười nhạt:

- Con người ta hơn nhau ở cái đầu! Bóp cò là việc dễ ợt, con nít cũng làm được. Cái đầu của chúng tôi dứt khoát hơn cái đầu của ông. Vì nếu chỉ vì miếng ăn hằng ngày, chúng tôi có thể làm thợ, làm ruộng, chạy xe lambro chở khách đi chợ, làm lơ xe đò cũng ấm cái bụng...

Bỗng một tên lính chạy vào đưa bộ đàm cho viên chỉ huy. Hắn ta cầm lấy bộ đàm, miệng vâng dạ liên hồi: “Dạ! Dạ! Tôi sẽ trực tiếp bắn bỏ ạ? Dạ! Tụi Việt cộng này ngoan cố lắm. Dạ! Xin tuân lệnh!”.

Cuối buổi chiều hôm ấy, ba người bị chúng trói tay, bịt mắt. Tên Ninh trực tiếp cắp khẩu AR15 đẩy ba tù binh đi về phía cuối đồi. Vừa đi, hắn vừa chửi đổng, chửi cả Việt Cộng và cấp trên của hắn vì đã làm hắn quá khổ sở trong cuộc chiến này.

Đến trước một ngôi nhà trơ trọi dưới chân đồi, tên Ninh hét lớn. Có tiếng đàn bà thưa dạ sợ sệt. Tên Ninh lấy cái chiếu, trải ra góc vườn. Đoạn hắn đẩy ba người ngã xuống, lấy chiếu cuốn lên. Lúc đó ông Huấn và ông Toán còn nghe rõ lời ông Mùi: “Thôi. Vĩnh biệt các đồng chí! Vĩnh biệt quê hương, vĩnh biệt mảnh đất oanh liệt này!”. Liền sau đó là tiếng loạt súng nổ chát chúa trên đầu. Rồi tất cả rơi vào im lặng. Điều bất ngờ là cả ba người nhận ra cơ thể mình không hề bị trúng viên đạn nào, nhưng họ vẫn im lặng nằm bên nhau, chờ đợi. Đến nửa đêm, người phụ nữ chủ nhà ra cởi trói cho ba người và họ nhanh chóng tìm đường trở về đơn vị...

***

Sau năm 1975, ông Ninh đi cải tạo, bị trại phê bình là không khai báo trung thực vụ bắn lên trời để thả ba bộ đội của ta. Đợt lũ lụt mấy năm trước, gia đình ông cũng được chính quyền địa phương hỗ trợ cất lại căn nhà mới cao ráo. Hiện ông Ninh là trưởng khóm ở một khu dân cư ven thành phố, tích cực tham gia công tác xã hội...

Sau màn chào hỏi, hàn huyên, ông Huấn hỏi ông Ninh: “Sao lúc đó ông lại không bắn mà thả chúng tôi?”. Ông Ninh tợp ly rượu, khà một tiếng rồi ngâm ngợi: “Ðất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/ Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say/ Bạn về nằm nghĩ gác tay/ Bên mô ơn trọng nghĩa dày bạn theo”. Rồi ông tâm sự thật, chỉ vì câu nói “đi chiến đấu không phải vì miếng ăn” của người tù binh tên Mùi đã làm ông trăn trở và thay đổi cách nghĩ về cuộc chiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sợi dây chuyền có mặt hình Phật