Hành trình vạn dặm đưa đồng đội về quê hương
Với sự ủng hộ, hỗ trợ tuyệt đối từ người bạn đời về cả vật chất và tinh thần, cựu chiến binh Đỗ Tuấn Đạt đã tham gia tìm kiếm, cất bốc hàng trăm hài cốt liệt sĩ trong suốt hơn 20 năm qua. Đặc biệt, ông đã trực tiếp lái xe cá nhân thực hiện hàng trăm chuyến chở hài cốt liệt sĩ ở khắp mọi miền đất nước trở về đất mẹ quê hương. Hành trình vạn dặm ấy chính là tâm nguyện năm xưa của ông Đạt cùng đồng đội: Hễ ai còn sống thì đưa người đã hy sinh về với gia đình.
8 lần thay xe ô tô chuyên chở hài cốt liệt sĩ
Ngôi nhà cấp 4 của ông Đỗ Tuấn Đạt và vợ ông là bà Nguyễn Thị Mão tại ngõ 12 đường Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân) thật giản dị. Trong căn phòng nhỏ có một chiếc giường đơn nơi gia đình chăm sóc cụ thân sinh của ông Đạt, năm nay đã 106 tuổi. Một bộ bàn ghế kê liền kề, đủ làm nơi tiếp khách. Thêm vài món đồ nhỏ gọn, tối giản. Bếp nấu ăn đặt trên kệ nhỏ phía ngoài, kê sát cửa ra vào. Ông Đạt cười rổn rảng, khoát rộng tay, giọng sang sảng đậm chất lính: “Vợ chồng tôi nghỉ gác xép, có điều hòa. Đơn giản vậy thôi, nhưng thế là đủ, thoải mái”.
Vợ chồng chủ nhân của ngôi nhà giản dị ấy không cần nhiều cho bản thân. Bởi hơn 20 năm qua, họ đã dành phần lớn nguồn thu nhập, thậm chí là cắt dần từng phần đất của gia đình bán đi, để mua xe ô tô cho ông Đạt thực hiện những “chuyến xe thiện nguyện 0 đồng”, chuyên đi tìm kiếm, cất bốc, chở hài cốt liệt sĩ về với gia đình, thân nhân của họ. Có thể nói, cả tâm sức và tiền bạc của vợ chồng ông Đạt đều dành cho việc tri ân, hỗ trợ thân nhân gia đình liệt sĩ. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên xen lẫn sự khâm phục là đã có đến 8 lần ông Đạt đổi xe ô tô để làm việc nghĩa cho vẹn tròn. “Mỗi chuyến đi là hành trình xuyên Việt, vài vạn cây số là chuyện thường, ròng rã bao năm, xe nào chịu cho thấu. Chiếc xe thứ 8 đang đi, chúng tôi vay ngân hàng mua trả góp năm ngoái, hiện cũng đã qua hành trình hơn 15 vạn cây số rồi” - ông Đạt chia sẻ.
Ông Đạt sinh năm 1948, trước đây là chiến sĩ lái xe Đại đội 69, Binh trạm 212, Cục Hậu cần, Quân khu Trị Thiên. Hiện ông là Ủy viên Thường trực Ban Liên lạc truyền thống Quân khu Trị Thiên, Chi hội trưởng Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam Quân khu Trị Thiên. Từng trực tiếp chôn cất nhiều đồng đội trong những năm tháng ở chiến trường, lời hẹn “ai còn sống thì đưa người chết trở về” đã thôi thúc ông trong hành trình tìm kiếm hài cốt của liệt sĩ. Ông bảo: “Thực tế làm công tác tri ân, hỗ trợ thân nhân gia đình liệt sĩ cho thấy, phải có đủ “3T, 1Q” mới làm tốt được. “3T” hàm ý là phải có tâm, có tầm, có tiền; “1Q” là phải có quỹ thời gian”.
Ròng rã mấy chục năm làm việc nghĩa tình, ông Đạt tự hào chưa từng làm phiền gia đình, thân nhân liệt sĩ dù chỉ một bữa cơm. Tất tật là tiền nhà mang đi. Mỗi chuyến đi là phải tự túc kinh phí, ăn uống ngủ nghỉ thì phải đơn giản nhất có thể. “Sau này có một phần là tiền quỹ anh em đồng đội tự đóng góp, gần đây có Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam hỗ trợ sát sao hơn, nhưng chủ yếu là để có thêm kinh phí tặng cho gia đình thân nhân liệt sĩ, vì có đến tận nơi mới thấy nhiều gia đình vẫn còn khó khăn lắm. Còn lại, bà xã cứ gom góp được bao nhiêu, đưa tôi đi chỉ vài chuyến là hết. Sơ sơ mỗi năm phải tiêu tốn vài trăm triệu đồng, chưa nói tiền mua xe. Riêng từ đầu năm đến nay, tôi đã có 9 lần cùng đồng đội ở Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam chở hài cốt liệt sĩ về với gia đình, thân nhân của các anh” - ông Đạt bộc bạch.
Cuộc sống đẹp hơn từ những câu chuyện bình dị
Trong câu chuyện của cựu chiến binh Đỗ Tuấn Đạt, “bà xã” Nguyễn Thị Mão luôn là “hậu phương vững chắc”. Thực vậy, bao năm tháng ông Đạt đi làm thiện nguyện là bấy nhiêu năm bà Mão chủ động lo việc nhà, dạy bảo con cháu, đồng thời sát cánh, đồng hành lo tài chính, thuốc thang chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ chồng không chút nề hà. Năm tháng trôi qua, hiện ông Đạt đã 75 tuổi, bị bệnh tiểu đường, di chứng liệt nhẹ bàn chân trái. Còn bà Mão cũng đã 72 tuổi, sức yếu, nhiều bệnh. Nhưng hễ gia đình thân nhân liệt sĩ tìm đến nhờ hỗ trợ, bà lại gom góp, thu vén để ông yên tâm lên đường thực hiện nhiệm vụ.
Hàng xóm của ông bà Đạt - Mão là ông Nguyễn Đức Duệ (nguyên giảng viên Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh) chia sẻ: “Gia đình tôi cũng có 2 liệt sĩ. Sống gần nhà ông bà Đạt - Mão, tôi thực sự cảm phục ông bà khi dành hàng chục năm, với nhiều tỷ đồng hỗ trợ các gia đình liệt sĩ. Tìm được những người như vậy thực sự không dễ. Tôi vui vì được tiếp nối, đồng hành cùng ông bà trong công tác tri ân liệt sĩ”.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam cho biết: “Gắn bó với hoạt động của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, gia đình ông bà Đạt - Mão là tấm gương tuyệt vời về tấm lòng tri ân, không chút nề hà, vượt mọi khó khăn. Bản thân tôi đã chung hành trình với ông Đạt nhiều lần sang tận Lào tìm mộ liệt sĩ, cũng nhiều lần đi đón hài cốt liệt sĩ ở Tây Ninh, Cà Mau, Bình Phước…, đưa về gia đình các anh ở Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Nội... Mọi nghĩa trang trong cả nước ông Đạt đều thông thuộc. Tính ông Đạt khí khái, trên đường đi không bao giờ làm phiền đến thân nhân, gia đình liệt sĩ. Còn bà Mão bệnh nặng là thế, mà luôn sẵn sàng hỗ trợ chồng, cùng tham gia với Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam Quân khu Trị Thiên trong công tác thiện nguyện…”.
Bà Nguyễn Thị Mão và ông Đỗ Tuấn Đạt lấy nhau năm 1973, hoàn cảnh chiến tranh nên chỉ dạm ngõ, đăng ký kết hôn mà không kịp làm đám cưới. Người vợ 50 năm sát cánh cùng chồng lo toan mọi bề chia sẻ: “Gia đình chúng tôi cả 6 anh em đều đi bộ đội, trong đó 2 người là thương binh. Chúng tôi đều bảo ban nhau sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của bao thế hệ, làm nhiều việc nghĩa, làm tốt công tác tri ân, nghĩa tình”.
50 năm đồng hành biết bao gian truân, vợ chồng ông Đạt - bà Mão vẫn bền bỉ vượt mọi khó khăn trong cuộc sống, góp sức trên hành trình làm công tác thiện nguyện, tri ân liệt sĩ. Trên hành trình đầy ý nghĩa ấy, ông Đạt đã được Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam... khen thưởng. Còn bà Mão được nhận danh hiệu “Doanh nhân văn hóa - Nữ tướng thời bình” năm 2014. Hơn cả đám cưới vàng, gia đình ông bà đã viết nên câu chuyện đẹp của họ - câu chuyện về những con người bình dị, nhưng đã và đang từng ngày làm cuộc sống tốt đẹp hơn.