Tận dụng nguồn lực cho nông thôn mới nâng cao

25/03/2022 07:07

(HNM) - Được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020, từ tiền đề đó, Thường Tín đang huy động tiềm năng, tận dụng tối đa mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp, nỗ lực hoàn thiện từng tiêu chí để cán đích huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh.

Huyện Thường Tín đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp, tạo nguồn lực phát huy kinh tế làng nghề, nông thôn.

- Thường Tín đã đạt được nhiều thành công đáng ghi nhận trong xây dựng nông thôn mới, ông có thể chia sẻ với bạn đọc Hànộimới?

- Được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020, Thường Tín đề ra mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới nâng cao của Thủ đô vào năm 2025. Nhìn lại chặng đường vừa qua có thể nhận định: Huyện Thường Tín đã đạt nhiều kết quả tích cực trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, nhất là hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống người dân được đầu tư xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện; hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương, thủy lợi phục vụ sản xuất bảo đảm an toàn trong phòng, chống lũ, tiêu thoát nước; hệ thống đường trục xã, liên xã, liên thôn, xóm đã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 100%; hệ thống trường học và thiết bị dạy học được đầu tư nâng cấp, không còn phòng học tạm, phòng học cấp 4 dột nát. Đến nay, huyện đã có 79/89 trường đạt chuẩn quốc gia.

Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Nhiều làng nghề truyền thống được mở rộng và phát triển, tạo thêm việc làm; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, thu nhập bình quân đạt 58 triệu đồng/người/năm. Nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường đã chuyển biến rõ rệt, người dân tích cực hưởng ứng các phong trào xây dựng cảnh quan làng quê xanh - sạch - đẹp. Những con đường rợp sắc hoa đã góp phần thay đổi bộ mặt khu vực nông thôn...

- Những kết quả nêu trên là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, việc xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao còn nhiều thách thức, vậy khó khăn chính là gì, thưa ông?

- Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song Thường Tín cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, hạn chế, tồn tại chủ yếu là: Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ giải pháp về bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường. Việc xử lý ô nhiễm môi trường nước sông Nhuệ còn gặp nhiều khó khăn... Mặt khác, quy mô sản xuất nông nghiệp vẫn nhỏ lẻ, cơ giới hóa chưa đồng bộ, chưa khai thác được tiềm năng lợi thế, hiệu quả kinh tế chưa cao… do việc đầu tư kinh phí cho sản xuất nông nghiệp còn hạn chế…

- Vậy, huyện Thường Tín sẽ triển khai giải pháp nào để khắc phục khó khăn, hoàn thành những mục tiêu đã đề ra, thưa ông?

- Năm 2022, huyện Thường Tín phấn đấu đưa các xã: Chương Dương, Quất Động, Thắng Lợi, Văn Phú về đích nông thôn mới nâng cao và xã Văn Bình đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu. Cùng với đó, huyện tập trung các giải pháp phát huy thế mạnh kinh tế làng nghề, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân; phấn đấu thu nhập bình quân đạt trên 60 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt trên 65%; tỷ lệ người dân được cung cấp nước sạch đạt 100%; tỷ lệ rác thải, chất thải được thu gom vận chuyển trong ngày đạt 100%...

Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi, đầu tư cho các mô hình sản xuất nông nghiệp, trong đó, tập trung xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thúc đẩy mạnh mẽ việc liên kết, hợp tác, hình thành các mô hình phù hợp yêu cầu điều kiện cụ thể.

Mặt khác, huyện Thường Tín tiếp tục duy trì nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Huyện huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, trong đó ưu tiên nguồn lực để phát triển sản xuất. Huyện phân công thành viên Ban Chỉ đạo căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn cho các xã trong quá trình triển khai thực hiện. Các xã xây dựng kế hoạch có lộ trình cụ thể và phân công nhiệm vụ, rõ trách nhiệm mỗi thành viên theo từng lĩnh vực tiêu chí, từng thôn, cụm dân cư để hoàn thành mục tiêu nông thôn mới nâng cao.

Bên cạnh đó, huyện Thường Tín tiếp tục phát huy tối đa nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp; phát triển du lịch nông thôn tạo sinh kế, tăng thêm thu nhập cho người dân. Huyện cũng tiếp tục tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) để các sản phẩm OCOP của Thường Tín có thương hiệu uy tín trên thị trường...

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tận dụng nguồn lực cho nông thôn mới nâng cao