Đến xã Hiền Giang, từ xa, chúng tôi đã nghe thấy tiếng lách cách rộn ràng của đục, gõ, cưa, xẻ... Từ dọc trục đường trải nhựa khang trang đến các ngõ xóm đều cảm nhận mùi gỗ mới, nước sơn… lan tỏa. Có thể thấy, ở đâu đó, theo thời gian, không ít nghề truyền thống bị mai một, thế nhưng ở làng Nhân Hiền thuộc xã Hiền Giang vẫn vẹn nguyên một làng nghề sầm uất, nhộn nhịp. Nơi đây có những con người dành trọn tâm huyết để giữ nghề điêu khắc truyền thống.
Anh Nguyễn Văn Tuệ (sinh năm 1987) - một trong những thợ trẻ của làng nghề điêu khắc Hiền Giang chia sẻ, học xong trung học phổ thông, nhận thấy nghề truyền thống của quê hương đầy tiềm năng, bản thân biết nghề từ bé nên anh quyết định theo học đại học chuyên ngành Mỹ thuật. Với kiến thức được đào tạo bài bản tại trường cùng vốn hiểu biết nghề truyền thống đã cho anh nhiều ý tưởng mới để phát triển nghề. So với tác phẩm của các nghệ nhân gạo cội, sản phẩm của anh Tuệ là sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa tinh hoa nghề truyền thống với hơi hướng nghệ thuật đương đại. Có lẽ vì thế mà xưởng sản xuất của anh tạo ra sản phẩm khác biệt so với sản phẩm chung của làng nghề.
Cùng với Nguyễn Văn Tuệ, còn có rất nhiều thợ trẻ ở Hiền Giang đang làm nghề và sống được với nghề điêu khắc. Bằng bàn tay khéo léo và kiến thức, kỹ năng của mình, họ đã kế tục các thế hệ đi trước, tạo ra được nhiều tác phẩm điêu khắc tinh tế, mang đậm tinh thần dân tộc; ngoài phục vụ khách hàng khắp nơi còn xuất khẩu sang Hàn Quốc, Đan Mạch, Mỹ… Mỗi sản phẩm đều mang họa tiết, hoa văn thuần Việt. Đây cũng là sự khác biệt của sản phẩm làng nghề điêu khắc Hiền Giang so với các làng nghề điêu khắc trong cả nước.
Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Trúc - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Nhân Hiền chia sẻ: “Đối với chúng tôi, việc lưu giữ, phát triển nghề truyền thống quê hương, nuôi giữ niềm đam mê sáng tạo, thổi hồn vào tác phẩm, luôn giữ tâm sáng khi làm nghề, đồng thời truyền nghề, đồng hành cùng thế hệ trẻ thực sự là niềm vinh dự, tự hào. May mắn với làng nghề Nhân Hiền, các thợ trẻ đang ngày càng phát triển. Chỉ tính riêng Hội cũng có tới 20 thành viên trẻ. Nhiều thành viên trong số đó là thanh niên sau khi học các trường đào tạo về mỹ thuật đã trở về gắn bó với nghề truyền thống của địa phương. Họ không chỉ có sức trẻ, nhiệt huyết mà còn được đào tạo bài bản. Việc học kiến thức kết hợp tinh hoa của nghề truyền thống giúp làng nghề mang hơi thở thời đại. Nhờ sự phá cách của lớp trẻ, sản phẩm của làng nghề ngày càng được nhiều người yêu mến, lựa chọn”.
Nhiệt huyết, yêu nghề là những điều kiện tiên quyết để giữ nghề. Tuy nhiên, nhiều thợ trẻ ở làng Nhân Hiền cũng như thợ trẻ tại các làng nghề truyền thống khác của huyện Thường Tín mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm xây dựng câu lạc bộ, đội, nhóm thanh niên khởi nghiệp theo lĩnh vực của làng nghề, qua đó thuận lợi cho việc chia sẻ thông tin, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, huyện hiện có 1 làng nghề tiêu biểu cấp thành phố, 48 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống, 82 làng có nghề từ hàng trăm năm nay, mang lại nguồn thu nhập thường xuyên cho khoảng 40.000 lao động. Đặc biệt, trên nền tảng nghề quý của ông cha, những thế hệ thợ trẻ của làng nghề của Thường Tín không ngừng cải tiến, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và tăng số lượng sản phẩm. Bởi vậy, đến nay, các chủ xưởng ở các làng nghề làm ăn phát đạt đều là người trẻ, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Điển hình như xã nghề truyền thống Hiền Giang, nhiều thanh niên đã theo học các trường đào tạo nghề, trường mỹ thuật... rồi quay trở về phát triển nghề truyền thống. Đây là kinh nghiệm hay cho nhiều địa phương trong việc bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống thời kỳ hội nhập…