Tiếp lửa cho nghệ thuật xẩm

06/11/2019 16:50

(HNMCT) - Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật hát xẩm lâu nay chưa được quan tâm đúng mức so với các loại hình nghệ thuật dân gian khác cũng như chưa tương xứng với giá trị quý báu của di sản. Đi tìm lời giải đáp cho vấn đề này, Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với Nhà nghiên cứu âm nhạc - GS.TS Đặng Hoành Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam.

Cố nghệ nhân Hà Thị Cầu đã cống hiến cả đời mình cho nghệ thuật hát xẩm.

- Cùng với các loại hình nghệ thuật dân gian khác, hát xẩm cũng đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam. Ông có thể chia sẻ với bạn đọc những giá trị tiêu biểu của nghệ thuật hát xẩm?

- Nghệ thuật hát xẩm có ba giá trị lớn. Thứ nhất, xẩm là một loại hình âm nhạc riêng, có một cách trình bày riêng. Âm nhạc xẩm có cả một hệ thống các làn điệu khác nhau. Mỗi làn điệu ấy biểu hiện một khía cạnh tình cảm, với cách thưởng thức riêng phù hợp với từng đối tượng khán giả. Tùy theo không gian biểu diễn và đối tượng thưởng thức mà người hát xẩm trình bày những làn điệu riêng. Tóm lại, xẩm đã sáng tạo cho âm nhạc Việt Nam một hình thức âm nhạc gọi là âm nhạc xẩm với rất nhiều làn điệu.

Thứ hai, xẩm là môn nghệ thuật đặc biệt mà người hát xẩm vừa có khả năng chơi nhạc cụ vừa hát. Không có “ông xẩm” nào chỉ hát mà không chơi đàn và ngược lại. Thậm chí, họ còn là những người vô cùng tài hoa khi có thể sử dụng nhiều loại nhạc cụ như: Đàn nhị, đàn hồ, đàn bầu hay bộ gõ. Giá trị thứ ba cũng là giá trị quan trọng nhất của xẩm. Đó là xẩm rất nhạy bén trong việc phản ánh đời sống hay các hiện tượng xã hội một cách nhanh nhất. Xã hội vừa xảy ra hiện tượng gì là xẩm có ngay bài hát về hiện tượng ấy. Chính sự nhạy bén, tính thời sự đó đã hấp dẫn người xem. Đấy cũng là một thách đố cho chúng ta trong việc bảo tồn nghệ thuật hát xẩm.

Chính vì phản ánh đời sống xã hội bằng tính thời sự nóng bỏng nên xẩm thích nghi với mọi điều kiện, mọi chế độ xã hội. Mặt khác, người hát xẩm cũng là người rất giỏi kể chuyện bằng âm nhạc thông qua một bài hát, một trích đoạn. Nghệ thuật hát xẩm vừa có ý nghĩa xã hội, vừa mang giá trị nghệ thuật. Tôi cho rằng, xẩm cần được nhìn nhận là một môn nghệ thuật dân gian có giá trị văn hóa nghệ thuật cao.

- Mặc dù cái nôi của nghệ thuật xẩm là Ninh Bình, nhưng xẩm đặc biệt phát triển mạnh mẽ ở Hà Nội. Vậy ông đánh giá thế nào về xẩm Hà Nội? Có sự khác nhau nào giữa xẩm ở Hà Nội và các địa phương khác không?

- Nơi nào tập trung nhiều phố thị, nhiều chợ thì nơi ấy sẽ tập trung nhiều người hát rong. Thăng Long - Hà Nội là nơi đô hội nên đương nhiên có nhiều nghệ sĩ hát rong nổi danh về đây thành các hội xẩm. Theo tôi, không có sự khác nhau về nghệ thuật xẩm giữa các địa phương. Chính vì sự thống nhất ấy nên người ta coi xẩm là môn nghệ thuật quy củ và bài bản. Chỉ có phong cách của từng nghệ sĩ khác nhau sẽ tạo nên các bài xẩm khác nhau.

Chẳng hạn, cùng một điệu xẩm Huê tình, mười người hát khác nhau cả mười, nhưng về cơ bản các niêm luật, cách hát, làn điệu đều được giữ nguyên. Người nghe sẽ chỉ cảm thấy sự khác nhau ở tính nghệ sĩ mà người hát thể hiện trong bài. Hệ thống bài bản của xẩm vốn thống nhất nên các nghệ sĩ ở các vùng có thể thoải mái hát với nhau. Phong cách trình diễn có thể khác nhau nhưng cốt lõi nghệ thuật chỉ có một. Và điều đó có nghĩa là tính sáng tạo cá nhân được biểu hiện rất rõ, tạo nên sự đa dạng trong nghệ thuật hát xẩm.

- Ông đánh giá thế nào về sự kế cận của thế hệ nghệ sĩ trẻ hiện nay?

- Có thể nói, ở một góc độ nào đó, xẩm hiện nay đã có nguy cơ “hạ màn” khi những “báu vật” cuối cùng của nghệ thuật hát xẩm như cụ Hà Thị Cầu không còn. Nhưng các nghệ sĩ hôm nay bằng lòng yêu và trách nhiệm với nghệ thuật truyền thống, đã tìm cách giữ lại những điệu hát của nghệ thuật của cha ông, song họ không thể rời nhà đi lang thang hát để kiếm tiền như các cụ ngày xưa. Hai việc đấy hoàn toàn khác nhau. Họ cũng không đủ khả năng ứng tác ngay như các “ông xẩm” trước đây để có thể đáp ứng nhu cầu phản ánh kịp thời các hiện tượng xã hội. Các nghệ sĩ xẩm xưa giỏi ở chỗ đó. Họ vừa là người sáng tác lời ca, vừa là người biểu diễn. Đấy là việc bình thường của người hát xẩm. Còn những nghệ sĩ bây giờ không có khả năng như vậy.

Lớp nghệ sĩ hiện nay như NSND Xuân Hoạch, NSƯT Mai Tuyết Hoa... đều vì yêu, đam mê với xẩm mà tự nguyện giữ gìn, truyền bá môn nghệ thuật này. Họ tiếp nối truyền thống bằng một phương pháp khác. Phương pháp truyền thống là xẩm phải cọ xát với thực tế, phải trình diễn ở các xóm làng, phải đi hát rong bởi “phi hát rong bất thành xẩm”. Tôi đánh giá rất cao các nghệ sĩ đang học lại và trình diễn các điệu xẩm cũng như những nỗ lực của họ trong việc tìm cách lôi kéo công chúng. Khi mới khôi phục hình thức hát xẩm, lúc ấy thưa vắng người nghe lắm. Vậy mà giờ đây, xẩm đã trở thành phong trào, rõ ràng công lao của họ rất lớn. Và họ là người thực sự yêu, thực sự đắm đuối với nghệ thuật xẩm. Nghệ thuật mà không có những người nghệ sĩ như thế thì tự nó sẽ chết.

- Để nghệ thuật hát xẩm ngày càng phát huy giá trị, chúng ta cần làm gì?

- Các nghệ sĩ trẻ hiện đã xây dựng được một “giang sơn xẩm” nhưng rất cần sự hỗ trợ đắc lực của các nhà quản lý văn hóa Hà Nội. Cần tiếp tục tạo mọi điều kiện cho các nghệ sĩ bằng những việc làm cụ thể như: Tổ chức không gian biểu diễn, liên hoan giọng hát xẩm hay, có cơ chế hỗ trợ cho các nghệ sĩ trong các đêm diễn, kêu gọi tài trợ... Khi nghệ sĩ đã có tấm lòng rồi, mình chỉ cần “tiếp lửa” thì nghệ thuật ấy chắc chắn sẽ sống.

Việc duy trì nghệ thuật xẩm hiện tại phần lớn do các nghệ sĩ. Họ chính là các hạt nhân lan tỏa tình yêu nghệ thuật hát xẩm đến các tầng lớp nhân dân, nhưng cần phải tạo sự lan tỏa lớn hơn nữa, giống như ca trù đã làm được. Hiện nay xẩm rất thiệt thòi vì chưa được quan tâm nhiều, trong khi đó nghệ thuật này có sức lan tỏa khá mạnh mẽ, ấy là dễ đi vào lòng người, dễ tiếp nhận và có khả năng phản ánh đời sống xã hội một cách nhanh nhạy, kịp thời. Vì thế, các nhà quản lý văn hóa nên tiếp tục hỗ trợ để các nghệ sĩ làm tốt hơn, đào tạo thêm nhiều người hát xẩm chuyên và không chuyên.

Có lẽ cũng nên xem xét đến việc thành lập một trung tâm bảo tồn nghệ thuật hát xẩm do một nghệ sĩ đứng đầu nhưng có sự quản lý của nhà nước và sự tham gia của nhân dân thông qua việc xã hội hóa để hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật xẩm được thực hiện theo cách chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, cần chuyển đổi chức năng của nghệ thuật xẩm. Nếu ngày xưa hát xẩm là sinh kế, dùng nghệ thuật phản ánh đời sống xã hội để kiếm tiền thì bây giờ chức năng ấy không còn nữa. Hát xẩm hiện nay chỉ còn là biểu diễn nghệ thuật truyền thống cho người dân, du khách. Nó giống như một bảo tàng sinh động. Điều đó nên khuyến khích, tạo điều kiện để nghệ thuật hát xẩm được phục hồi, duy trì và phát huy tối đa những giá trị của mình.

- Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp lửa cho nghệ thuật xẩm