Vấn vương vị Tết trong món quất hầm
Khi sắc phấn phôi phai trên những đóa hoa đào, ông nội sẽ dời cây quất cảnh khỏi vị trí “đắc địa” giữa nhà. Đó là lúc tôi bé thơ với rổ nhựa nhỏ, lăm le trẩy từng quả quất óng ánh vàng cam như màu của nắng. Vị Tết còn vương trong những trái “cát tường” căng mọng sẽ được bà khéo tay thêm chút mật ong trên lửa hầm liu riu, thành món ăn vặt thơm ngọt nhuận họng.
![minh-1.jpg](https://hnm.1cdn.vn/2025/02/06/minh-1.jpg)
Năm nào cũng vậy, nhà tôi có thể không trưng đào như truyền thống đón Tết của nhiều gia đình miền Bắc khác nhưng nhất định phải có một chậu quất cảnh. Quất được ông nội hoặc các chú tôi cất công chọn tận vườn quen, là loại cây lớn dáng vóc bề thế, cao hơn đầu người, tán hoặc tròn trịa hoặc được cắt tỉa theo dáng tán thông. Ông tôi dạy, quất cảnh bày Tết phải tụ đủ “tứ quý” mới có thể mang tài lộc về cho gia chủ. Dáng cây nên cứng cáp, khỏe đẹp; lộc lá tươi non; quả đủ cả xanh lẫn vàng và phải chúm chím những nụ hoa trắng xinh.
Cây quất bao giờ cũng được ưu ái đặt ở vị trí trung tâm trong phòng khách nhà tôi, ngay dưới đèn chùm lấp lánh và được trang trí bằng những bao lì xì, dải tua rua cùng liễn treo rực rỡ. Nó sẽ ở đó suốt mấy ngày Tết, khoe dáng vẻ tốt tươi cùng những nốt hương the cay, thanh mát cho tiết xuân thêm đậm đà. Nó sẽ xuất hiện trong những câu chào hỏi ríu rít ngày Tết, để khách khứa được dịp xuýt xoa ngợi khen còn chủ nhà thì lâng lâng hãnh diện.
Lần đầu tiên biết đến món quất hầm mật ong dường như là mùa Tết năm tôi lên sáu, lên bảy. Đó là năm Tết đặc biệt rét lạnh, cái lạnh mang tiêu điều cho đất trời chớm xuân và cả những cơn húng hắng của trẻ nhỏ. Năm mới, lớp người trước mê tín kỵ việc thuốc thang nên thấy tôi ho ốm, bà nội bèn xắn tay vào bếp, dùng thức quà dân gian vuốt dịu cổ họng tôi. Món quất hầm mật ong khi ấy trở thành thứ thuốc quý và thức ăn vặt không thể thiếu của tôi suốt những ngày đầu năm mới. Từ đó như thành cái lệ, hễ qua Tết, tôi lại nũng nịu vòi bà hầm quất với mật ong chỉ để nhâm nhi cho thỏa cơn thèm nhớ.
Khoảng mùng bảy, mùng tám, khi vị Tết đã vơi dần, tôi sẽ bưng rổ đi hái quất. Lúc này, quất trên cây đều đã chín và ngả màu vàng ruộm, ghé mũi lại gần sẽ ngửi được hương thơm rất dịu. Hễ đầy rổ quất, tôi lại đem đổ vào chậu lớn bà đã pha ngập nước muối, ngâm chừng nửa ngày rồi rửa lại bằng nước sạch, lau qua và để ráo. Bà chọn những quả quất to đẹp nhất, thêm nửa chai mật ong rừng rồi hầm cách thủy cho đến khi khói bếp ngào ngạt vị chua ngọt, quất chín mềm, mật ong sóng sánh thoảng cái the the rất đặc trưng của trái cây họ cam quýt. Một hũ quất hầm mật ong nho nhỏ đủ để pha với nước ấm cho tôi dùng nhuận họng mỗi sáng trong suốt một thời gian dài.
Rồi chẳng nhớ từ bao giờ, quất hầm mật ong đã dần lùi sâu vào ký ức tuổi thơ, không còn là món ăn hậu Tết tôi bắt buộc phải nhâm nhi mỗi năm nữa. Có thể vì tôi đã trưởng thành, không còn tìm được thú vui ngày bé khi bưng rổ hái quất rồi ngồi canh bên bếp, nghe hương mật nồng lên, quyện vào khói mỏng lúc lửa bếp cháy đượm. Có thể vì bà tôi đã già, không còn đủ kiên nhẫn lẫn sức khỏe để cầu kỳ lau rửa từng trái quả, cắt đôi hoặc khía chữ thập rồi hầm lên cho đến mềm nhừ, ngon ngọt. Hoặc cũng có thể vì vị quất thuở xưa đã ngày một nhạt nhòa khi càng ngày, quất cảnh càng tươi lâu, có khi ra Tết đã cả tháng mà vẫn roi rói, nõn nà, ai cũng sợ nhà vườn đã phun bao nhiêu hóa chất để giữ nét xuân còn mãi trên mỗi trái quả?
Năm nay, thời tiết lạnh lẽo và khô hanh, tôi bỗng thèm nhớ món ăn vặt ngày bé. Mẹ đã ra chợ tìm mua loại quất xanh nho nhỏ để hầm. Cắn miếng quất ngập trong mật ong sánh vàng mà vẫn đậm vị chua chua, chan chát, tôi bỗng thấy buồn chênh vênh như vừa đánh mất một điều gì. Là thức quà tuổi thơ đã từng rất ngọt lành? Là những ngày xuân hồn nhiên trong ký ức? Hay bóng lưng bà hiền hậu bên bếp lửa, tỉ mỉ canh nồi quất hầm mật ong vấn vương vị Tết ngày xưa?