Hà Nội văn

Yêu thương chạm ngõ

Đặng Nhung 24/08/2024 - 06:59

Mỗi lần dạo bộ ở một con phố lạ hay một tuyến đường mới, tôi thường có thói quen lưu giữ hình ảnh của những chiếc cổng nhà biết cách thả vào lòng người bao nốt trầm xao xuyến.

mh-1.jpg
Minh họa: Nguyên Sa

Đó là chiếc cổng gỗ sờn màu nắng ủ mùi mưa nhưng lại quá đỗi lung linh, dịu dàng khi đứng dưới tán cây mimosa vừa e ấp vừa lộng lẫy sắc vàng thuần khiết và trong veo. Hay là chiếc cổng thấp phủ kín nhành cây thường xuân mềm mại và trên cái trụ gỗ gần đó có cô mèo mướp đang lim dim ngồi tắm nắng... Dường như, bình yên và yêu thương đã neo đậu ở những chiếc cổng ấy từ rất lâu, trước khi khẽ chạm vào đáy mắt tôi. Chúng làm tôi nhớ về chiếc cổng tre đơn điệu, cũ kỹ của ba, của những mái nhà mộc mạc, thấm đượm hồn quê.

Đất vườn ở quê thênh thang nên chừng vài năm trước ba cho tráng xi măng khoảng sân rộng để tiện phơi thóc, phơi đậu, phơi khoai sắn đến mùa vụ. Bao quanh khuôn viên trước hiên nhà thẳng tắp một hàng chè tàu xanh rì, cứng cáp. Từ trong thềm nhà đưa ánh nhìn xuyên qua hàng chè tàu là cánh đồng lúa trổ bông vàng ươm đang khỏa lấp vẻ miên man trập trùng của núi đồi xa vắng. Giữa ngày hanh khô, nắng cứ tíu tít kéo về tinh nghịch với rặng râm bụt ưng ửng đỏ bên góc sân, rồi trườn dài trên hàng chè, tắm mình dưới trời cao lồng lộng gió thổi. Chiếc cổng tre đầu ngõ nhẹ nhàng tô điểm thêm vẻ dung dị nên thơ của một chốn về an vui với ăm ắp yêu thương của tình thân.

Với ba, làm một chiếc cổng tre rất đơn giản bởi người làm nông chẳng ai mà không biết tạo ra mấy vật dụng quẩn quanh trong nhà bằng tre nứa. Vài bụi tre sau hè nhà tôi đã được trồng từ mấy chục năm trước, khi ba mới về thôn dựng nhà và neo chặt đời mình ở giữa miền quê xóm núi đìu hiu mà lúc nào cũng mênh mông tình người. Hễ cần tre đan lát, cần lạt gói bánh, cần tấm phên che chái bếp của mẹ hay khi cần làm lại cổng, ba ra bờ ao vớt lên mấy cây tre đã được ngâm nước từ hồi nào chẳng rõ. Ba chẻ cây tre thành những thanh vừa vặn, tỉ mẩn sắp xếp đóng thành từng hàng ngay ngắn, vuông vức. Bao thanh tre cứ thế vào tay ba đều trở thành những vật dụng hữu ích. Và chiếc cổng tre ấy ủ bao nhiêu mùi thơm của hương nắng thì ôm bấy nhiêu vị lạnh lẽo, mặn chát của gió sương, mưa dầm.

Ngày qua ngày, màu thời gian bám dính vào thân cổng để lại những lốm đốm đen sần sùi, những lởm chởm rêu xanh phủ dài. Chiếc cổng nhẹ hều, không gắn cố định vào đâu cả. Mỗi lần đóng nó lại, ba nhấc nó lên, một bên ba tựa vào hàng chè tàu, bên kia ba đã đóng sẵn thanh gỗ dài cắm sâu xuống đất rồi dùng dây thừng buộc chặt chiếc cổng. Miền quê xa xôi, dù còn nhiều thiếu thốn mà nghĩa tình lai láng, vì thế, chiếc cổng như được làm ra hình như chỉ để đợi niềm vui tràn về giữa sân nhà sau mỗi mùa bội thu, đợi những bước chân phương xa rộn ràng quay về và đợi bao yêu thương lấp lánh sưởi ấm mái nhà xưa.

Hồi nào cũng vậy, xe chưa chạm ngõ là tôi đã thấy ba mẹ chờ sẵn ngay giữa hàng chè tàu và chiếc cổng tre ngóng trông hình bóng những đứa con. Hạnh phúc vỡ òa sâu trong đáy mắt mờ nhòe của mẹ, niềm vui đậu trên nụ cười mãn nguyện của ba.

Đi qua bao mùa thương mùa nhớ, bao mùa nắng mùa mưa, ngõ nhỏ nơi tôi về vẫn mãi dạt dào những yêu thương. Và vì vậy, dù chân đã chạm đến nhiều vùng đất mới lạ, nhưng sâu thẳm trong tim tôi, điều đẹp đẽ nhất, bình yên nhất, chân phương nhất vẫn là nơi chiếc cổng tre đầu ngõ. Ở đó, có bóng dáng của hai người thân thương nhỏ bé đang đứng đợi những đứa con trở về.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Yêu thương chạm ngõ