Ca trù thăng hoa đời sống tinh thần
Trong cái hanh lạnh cuối đông, chúng tôi về thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà, hòa cùng nhịp sống hối hả của đời sống hiện đại. Những ngôi nhà cao tầng mọc san sát, cuộc sống của người dân giàu đẹp, văn minh; nhà có số và mỗi con ngõ nhỏ là không gian riêng sạch sẽ, yên bình... Tuy nhiên, dù cuộc sống có đổi thay ra sao, làng nghề mộc, nghề bánh chưng Lỗ Khê… có phát triển nhộn nhịp thế nào thì cũng không ảnh hưởng tới tình yêu với ca trù của người dân nơi đây bởi họ đã bao đời ngấm từng câu ca, nhịp phách, tiếng trống chầu, luôn giữ trong mình ngọn lửa với nghệ thuật ca trù.
Ông Nguyễn Thế Đạm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê chia sẻ, trải qua thăng trầm của lịch sử, nghệ thuật ca trù đã có hơn 600 trăm năm tồn tại ở Lỗ Khê. Chỉ cần một cây đàn đáy, bộ phách trúc, trống chầu là buổi biểu diễn ca trù có thể bắt đầu. Người Lỗ Khê yêu ca trù như một phần đời sống của họ, tinh thần được thăng hoa, vừa là tín ngưỡng dân gian lâu đời. “Gốc còn ngọn mãi phải còn/Cầm ca giữ trọn lòng son chẳng mờ/Làm giàu thêm vốn ca trù/Cửa đình còn mãi hát thờ múa ca”...
Bà Phạm Thị Lành - thành viên năng động, nhiệt huyết của Câu lạc bộ năm nay đã ngoài 70 tuổi, vốn bận rộn với cơ sở làm bánh chưng mang thương hiệu Bà Lành nổi tiếng cả vùng, mỗi năm xuất ra thị trường vài chục ngàn chiếc bánh, nhưng sau công việc thường nhật, bà lại hòa mình vào ca trù và các loại hình văn hóa nghệ thuật nông thôn khác. Nói như bà thì cái khó của ca trù là phải học rất bài bản, công phu. Để hát được ca trù bay bổng, ngân nga, không phải ai cũng làm được, ngoài sự dày công luyện tập, còn là năng khiếu. Trong câu lạc bộ, mỗi người phát huy một thế mạnh, người múa, người đàn, người lo toan hậu cần… Tất cả chung tay gánh vác để câu lạc bộ ngày một lớn mạnh. Điều này lý giải vì sao trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, ca trù vẫn ngọt ngào, vẫn có sức sống bền bỉ trên mảnh đất này. Những người như bà Lành, dù ngày ngày bận rộn với đủ thứ việc nhưng cuộc sống mà thiếu lời ca, tiếng hát, thiếu dập dìu trong tiếng phách, tiếng đàn thì "nhạt" và đơn điệu quá...
Mạch nguồn chảy mãi
Thực tế, thế hệ trẻ sinh ra, lớn lên tại Lỗ Khê ít người dám chọn nghiệp “ca nương”. Nghề ca trù chỉ là nghề tay trái, không nuôi sống được bản thân, họ đến với nghệ thuật ca trù chỉ đơn giản là đam mê, vì trách nhiệm với truyền thống quê hương.
Trong không gian của nhà thờ tổ ca trù, trò chuyện với PV Báo Hànộimới, ông Nguyễn Văn Vượng, Trưởng thôn Lỗ Khê nói: "Chúng tôi luôn tự hào, đã là người Lỗ Khê thì khi sinh ra đã có tố chất về dáng, điệu bộ, chất giọng giàu văn nghệ. Chẳng thế mà ở Lỗ Khê, thế hệ nào cũng có người hát ca trù rất hay. Không chỉ ca trù, mà các loại hình văn hóa nghệ thuật khác cũng được người dân học rất sôi nổi. Nhìn từ trên cao, thế đất làng Lỗ Khê như một phím đàn. Có lẽ nhờ thế đất, giếng nước làng mà người Lỗ Khê hát hay hơn người dân trong vùng. Với hơn 40 thành viên, mỗi người một nghề, người là cán bộ về hưu, người là giáo viên, người làm nông nghiệp... nhưng thứ năm hằng tuần, họ đều cố gắng sắp xếp để sinh hoạt và luyện tập".
Nghệ nhân Phạm Thị Mận - giáo viên mầm non, ngoài là thành viên tích cực tham gia biểu diễn tại các chương trình nghệ thuật ca trù của địa phương, thành phố, chị còn tâm huyết đưa ca trù đến với các cháu mẫu giáo. Chị Mận cho hay, hát ca trù đòi hỏi kỹ thuật cao, người hát cần sự trải nghiệm, lời ca khi cất lên mới lay động lòng người. Nhưng với lứa tuổi mầm non, các bé ngây thơ, trong trẻo, đưa miễn cưỡng sẽ rất khó nên phải lựa chọn giai điệu sao cho các bé hào hứng, có thể hấp thụ được.
"Có khi cả lớp 10-15 bé, chỉ 1-2 bé bộc lộ tình yêu và có năng khiếu với ca trù. Nhưng như thế với chúng tôi đã là hạnh phúc, cứ ươm mầm một cách tận tâm, nhiệt huyết, để ca trù ngấm nhẹ nhàng với các bé, sau khi đủ tuổi, nếu có tình yêu, năng khiếu thì trở thành nhân tố mới kế cận", chị Mận tâm sự.
Có lẽ nhờ cách ươm mầm từ trong nôi qua lời ca của các bà, các mẹ, được tiếp xúc thường xuyên với ca trù mà nhiều năm nay, ở Lỗ Khê luôn có thế hệ trẻ kế cận đầy tài năng. Điển hình như ca nương Thục Trinh, một trong những ca nương trẻ tuổi (năm nay mới 14 tuổi) là tài năng của Thủ đô, được nhiều giải thưởng lớn trong các chương trình liên hoan nghệ thuật ca trù.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hà Ngô Văn Nam, trong những năm qua, chính quyền và nhân dân địa phương luôn tạo ra không gian để ca trù phát triển, đến gần hơn nữa với quần chúng nhân dân. Ngoài hỗ trợ, tạo điều kiện để câu lạc bộ tham gia biểu diễn tại các chương trình nghệ thuật lớn của Thủ đô, tham gia phục vụ khách du lịch, trong mọi hoạt động văn hóa - nghệ thuật của địa phương, ca trù đều nhận được sự quan tâm hỗ trợ, hưởng ứng của huyện và các tầng lớp nhân dân. Địa phương luôn trân trọng và đồng hành để Câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê ngày một lớn mạnh, trở thành cái nôi lưu giữ tinh hoa nghệ thuật ca trù của quê hương.