Cách đây hơn 150 năm, Nguyễn Công Trứ đã mở đầu một bài thơ nổi tiếng, bài “Thành Thăng Long” với hai câu:
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.
Nhận xét của Nguyễn Công Trứ đã trở thành câu “chốt” để nói về tính cách người Hà Nội. Chất hào hoa, thanh lịch thể hiện ở sự tài hoa, tao nhã, khéo léo và sành điệu trong cuộc sống; tính chất phóng khoáng, lịch duyệt, quân tử, tinh tế, coi trọng cái đẹp và luôn sáng tạo trong cuộc sống. Tính hào hoa, phong nhã biểu hiện hằng ngày trong cách ăn mặc, đi đứng, nói năng, ứng xử và cả trong văn hóa ẩm thực.
Trong “Hà Nội thanh lịch” – cuốn sách cuối cùng của đời mình, nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy đã viết về người Hà Nội như sau: “Người Tràng An rõ ràng là người cần cù, cứng rắn, vẻ thanh lịch, đôi lúc hào hoa, yêu văn, yêu hoa, sành mỹ thuật, ăn mặc đơn sơ và trang nhã, nói lời văn vẻ dễ nghe, dễ hòa hợp với bà con phường, xóm, hay động lòng vì việc nghĩa, tình người, ghét cay ghét đắng những chuyện tục tằn kệch cỡm, hoạch họe, lố lăng, đê tiện. Người Tràng An ở với nhau, “biết nhịn”, “biết nể”, “biết ngượng”, “suy bụng ta ra bụng người”. Trong thôn phố, có việc là chạy sang thăm hỏi ngay, ở với nhau chu tất, ăn ý... Tình người rõ ràng ở chỗ: Nhà ai có trẻ lạc, là chạy đến nhà cụ Phúc Hậu, bận gì cụ cũng bỏ đấy, đi rao, tìm khắp nơi; khách nhà quê ra, đi mãi, nóng, nhọc thì thấy ngay bên đường một vại nước vối ngon với mấy cái bát sạch. Người ta tóm cả cái thanh, cái cao, cái lịch sự, ẩn ý vào hai chữ: Thanh lịch”.
Người Hà Nội có cách nói chuyện khoan thai, từ tốn. Kính ngữ, với những thế hệ xưa, rất quan trọng. Con cháu trong gia đình không nói: “Cháu mời bà ăn cơm ạ” mà nói: “Cháu mời bà xơi cơm ạ”. Chủ sẽ không nói: “Bác gắp món này đi”, mà nói: “Bác dùng món này ạ”. Khách sẽ không nói: “Món này bị cháy rồi”, mà nói: “Hình như món này hơi quá lửa”... Gọi người Hà Nội là kiểu cách cũng đúng; là kiêu kỳ cũng đúng; là lãng mạn cũng đúng, nhưng tất cả sự làm dáng, kiêu kỳ hay lãng mạn đó đã giúp tạo nên một Hà Nội lịch lãm, quý phái mà ai cũng có thể nhận ra.
Hỏi nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng, hồn cốt Hà Nội nằm ở đâu, ông trả lời: “Nó nằm ở con người. Người Hà Nội lương thiện, trung thực và hòa nhã. Hết sức nhân văn. Đi nhẹ, nói khẽ, không gây gổ ngoài đường. Người Hà Nội chuộng sự tinh tế, cái gì các cụ để lại là gìn giữ, chăm chút...”.
Hà Nội ngày nay to rộng hơn xưa, đồ sộ hơn, hiện đại hơn. Người Hà Nội giờ cũng đông hơn, nhưng vẻ lịch lãm thì kém xưa nhiều. Vì thế, nhiều người nói Hà Nội xấu hơn xưa. Trong truyện ngắn “Một người Hà Nội”, nhà văn Nguyễn Khải ngậm ngùi: “Một người như cô phải chết đi, thật tiếc. Lại một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cổ. Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất Kinh kỳ chói sáng những ánh vàng”.
Nhiều người tiếc cái “ngày xưa”, khi Hà Nội là một đô thị nhỏ xinh, khi mấy chữ “người Hà Nội” luôn là hình mẫu tự hào. Dẫu vậy, phải chấp nhận thực tế rằng sự phát triển nào cũng có mặt trái. Văn hóa Hà Nội đã đổi thay. Những bề bộn của cuộc sống có làm cái “chất” Hà Nội bị pha loãng hơn.
Dù thế nào thì Hà Nội vẫn phải là Thủ đô “nghìn năm văn hiến”, văn hóa Hà Nội phải gìn giữ được nếp sống thanh lịch của một đô thị “kinh kỳ”. Khôi phục những nét đẹp (tinh thần yêu cái đẹp, tự trọng, biết mình, biết người...) đã trở thành bản sắc, tái lập hệ thống tính cách người Hà Nội trong bối cảnh đương đại là hết sức cần thiết bên cạnh việc tuyên chiến với cái xấu đang len lỏi trong cuộc sống hằng ngày. Làm sao để việc ứng xử của người Hà Nội hôm nay xuất phát từ nội tại mỗi cá nhân, từ cảm hứng trước cái đẹp chứ không phải chỉ từ sự bắt buộc...
Sẽ làm được như vậy, nếu trước hết cộng đồng khoảng 8 triệu người dân Hà Nội, dù sinh sống lâu dài ở đây hay chỉ tạm thời dừng chân, đều có chung một tiếng nói và lòng yêu quý, vun đắp cho mảnh đất này. Nuôi dưỡng, khơi gợi và phát huy vẻ đẹp truyền thống là cách để nối mạch văn hóa ứng xử của người Hà Nội, phát triển nó trong thế đi lên tất yếu của Hà Nội hôm nay.
"Chất" Hà Nội góp phần tạo nên văn hóa Hà Nội và đó chính là nền tảng vững chắc, là động lực cho sự phát triển bền vững của Thủ đô.