Di sản

Hát chèo tàu - “đặc sản" văn hóa Hà Nội

Minh Phú 08/02/2024 - 12:16

“Trên khắp nước ta, duy nhất làng chúng tôi có hội hát chèo tàu", Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Yến tự hào khi nhắc tới “đặc sản” văn hóa của quê hương tổng Gối xưa, nay là xã Tân Hội, huyện Đan Phượng.

Xuân Giáp Thìn 2024, người Tân Hội lại mở hội to, bởi địa phương đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận nghệ thuật diễn xướng độc đáo này là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

hat-cheo-tau.jpg

Xuân này, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Yến đã bước sang tuổi 86. Mắt đã mờ, chân đã chậm, nhưng “trời phú” cho người nghệ nhân già trí nhớ minh mẫn, giọng hát truyền cảm. Lần mở cuốn sổ đã nhuốm màu thời gian, ông chia sẻ: “Lúc tôi ra đời thì hội hát đã không còn được tổ chức theo lệ làng 25 năm một lần. Tất cả những thông tin về lễ hội chỉ còn được nghe kể lại từ những người cao tuổi và ghi chép cẩn thận trong cuốn sổ này”.

Tục truyền rằng, hát chèo tàu xuất phát từ thời Hai Bà Trưng cùng các binh sĩ hành quân qua địa phận tổng Gối. Sau này, để tưởng nhớ công ơn Hai Bà Trưng, người dân Tân Hội mở hội tế lễ, hát múa diễn lại cảnh xưa với mô hình con tàu (thuyền) và con voi (tượng). Còn có một lý giải khác, rằng hát chèo tàu xuất phát từ cuộc khởi nghĩa “Hắc y” của tướng Văn Dĩ Thành chống quân Minh xâm lược đầu thế kỷ XV. Sau khi ông hy sinh trên đất tổng Gối, để ca ngợi ân đức của tướng Văn Dĩ Thành, người dân đã sáng tạo ra loại hình diễn xướng độc đáo - hát chèo tàu.

Nét độc đáo ở hội hát chèo tàu Tân Hội, đó là thành viên tham gia đều là nữ. Trên mỗi con tàu đều có một "Chúa tàu" độ tuổi từ 50 - 55, có thanh sắc, gia đình vẹn toàn và 12 cô gái tuổi 13 - 16 con nhà nền nếp làm "Cái tàu", "Con tàu". Đối xứng với tàu là đôi voi với hai quản tượng, có nhiệm vụ thổi tù và làm hiệu, hát đối. Xưa kia, hội hát chèo tàu bắt đầu từ ngày rằm và kết thúc vào 21 tháng Giêng. Trong suốt 7 ngày, 7 đêm, dân các làng Thượng Hội, Thúy Hội, Vĩnh Kỳ, Phan Long của xã Tân Hội thay nhau hát. Mở đầu, các ca nhi sẽ “hát trình” các bài dâng hương, dâng rượu, nhớ ơn người đã ngã xuống vì đất nước. Sau đó là hát “trạo ca” (hát trên thuyền, hát chèo thuyền); hát “bỏ bộ” (hát đối đáp giữa tàu, tượng và người đến xem hội). Khi biểu diễn, "Chúa tàu" đánh thanh la, hai "Cái tàu" lĩnh xướng, 10 "Con tàu" hát họa theo.

Một số tài liệu ghi, hội hát chèo tàu được tổ chức lần đầu vào năm 1683 và duy trì 25 năm một lần. Lễ hội sau cùng diễn ra năm 1922, sau đó vì nhiều nguyên nhân, hội đã bị gián đoạn. Trăn trở về loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian “có một không hai” bị mai một, năm 1998, những người tâm huyết đã thành lập Câu lạc bộ hát chèo tàu tổng Gối để sưu tầm, truyền dạy cho thế hệ trẻ. Cũng từ năm này, hội hát chèo tàu được địa phương khôi phục và cứ 5 năm tổ chức quy mô lớn một lần. Đến nay, có thể khẳng định chèo tàu đã được bảo tồn trên đất Tân Hội. Tuy nhiên, để phát triển cũng gặp không ít khó khăn, bởi các nghệ nhân đều đã cao tuổi. Nghệ nhân Đông Sinh Nhật, một trong số ít người “nắm giữ” nghệ thuật hát chèo tàu của làng vừa qua đời năm 2023. Trong khi đó, việc đào tạo lớp kế cận cũng không đơn giản, các ca nương đòi hỏi phải ở độ tuổi từ 13 đến 16 - đang tuổi đến trường, chưa kể kinh phí hoạt động cũng thiếu...

Chủ tịch UBND xã Tân Hội Đỗ Văn Mười cho biết, thời gian qua, chính quyền xã đã quan tâm, hỗ trợ khôi phục và phát huy giá trị nghệ thuật hát chèo tàu. Năm 2023, Tân Hội tổ chức được 2 lớp truyền dạy cho 20 cháu học sinh và hỗ trợ kinh phí đưa Câu lạc bộ đi biểu diễn. Đặc biệt, năm 2024, xã đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội chèo tàu diễn ra trong 2 ngày 14 và 15 tháng Giêng. Hy vọng chèo tàu sớm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, phát huy giá trị trong đời sống đương đại, thực sự là món ăn tinh thần ý nghĩa của nhân dân mỗi dịp Tết đến, xuân về.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hát chèo tàu - “đặc sản" văn hóa Hà Nội