Hạ Mỗ - đất văn hiến, làng hiếu học
Làng Hạ Mỗ (xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng) là vùng đất cổ có bề dày lịch sử, văn hóa truyền thống từ rất lâu đời - nền tảng để người dân xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp...
Vùng đất giàu truyền thống
Theo dòng thời gian, từ thế kỷ VI (cách nay hơn 1.400 năm), nơi đây đã đi vào lịch sử là kinh đô của nước Vạn Xuân dưới triều Hậu Lý Nam Đế. Đến nay, làng quê Hạ Mỗ vẫn còn lưu giữ được rất nhiều công trình kiến trúc lịch sử, văn hóa giá trị, nét đẹp văn hóa, truyền thống hiếu học… là nền tảng để người dân xây dựng quê hương ngày càng phát triển...
“Làng chúng tôi Đế vương đất cũ/Người chúng tôi Tể phụ ngày xưa… và “Đất này là đất cố đô/Người trung, trung tự thuở xưa đến giờ”, Nhà giáo hưu trí, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Toạ tự hào khi nói về quê hương mình.
Lật giở từng trang sách cũ, ông Nguyễn Toạ cho biết: "Hạ Mỗ là mảnh đất địa linh, nhân kiệt. Cách đây hơn 1.400 năm, Hạ Mỗ có thành ô Diên, là Kinh đô của nhà nước Vạn Xuân. Hiện nay, ở làng Hạ Mỗ có đình Vạn Xuân thờ hoàng tử Lý Văn Lang, con của vua Hậu Lý Nam Đế. Có thể nói, công lao sự nghiệp của ông góp phần thống nhất giang sơn ở thế kỷ thứ VI nhà nước Vạn Xuân".
Nối tiếp chiều dài lịch sử, làng Hạ Mỗ cũng là nơi sinh ra các bậc hiền tài của đất nước như Thiền sư Trí Bảo (Nguyễn Trí Bảo) - thuộc thế hệ thứ 10 dòng Thiền Quang Bích của Phật giáo thời Lý. Thế kỷ XII, làng Hạ Mỗ đóng góp cho đất nước nhân vật kiệt xuất là Thái úy Tô Hiến Thành (1102-1179). Hạ Mỗ còn có Hoàng giáp Đỗ Trí Trung, thành viên hội Tao đàn dưới triều vua Lê Thánh Tông…
Đặc biệt, danh nhân Tô Hiến Thành được dân làng Hạ Mỗ vô cùng kính trọng và thờ phụng tại đền Văn Hiến. Theo nhà giáo Nguyễn Toạ, xưa kia đền Văn Hiến là văn chỉ thờ Khổng Tử, nơi biểu dương các danh nhân khoa bảng trong làng. Sau khi Thái úy Tô Hiến Thành, người con ưu tú của quê hương qua đời, nhân dân xây mộ và thờ ông tại đây.
Qua nhiều lần trùng tu, đền được mở rộng nhưng những giá trị truyền thống vẫn được bảo tồn nguyên vẹn như bộ bia Khoa tràng ghi tên các vị đỗ đạt trong các khoa thi; các bản khắc gỗ in bộ thơ văn “Cổ kim truyền lục” với hơn 500 bài chia làm 4 tập Nguyên - Hanh - Lợi - Trinh do các nho sĩ trong làng sáng tác và xuất bản vào đầu thế kỷ XX; thần phả, câu đối, hoành phi, long ngai, hương án, đồ tế khí, bia đá, đồ sứ, đồ đồng, tượng gỗ… Đây là những tư liệu quý được ví như “kho báu văn hóa” của làng, góp phần minh chứng cho truyền thống văn hiến của mảnh đất Ô Diên xưa...
Ngoài những công trình kiến trúc cổ, những di sản vật thể, Hạ Mỗ còn vô vàn những truyền thống văn hóa quý. Đó là nét văn hóa đặc sắc trong văn hóa làng, đó là truyền thống hiếu học. Tương truyền, thời phong kiến hầu như xóm nào cũng có thầy đồ dạy chữ miễn phí. Xưa kia, tại khu Mả Từa của làng còn có gò Nghiên, gò Bút với hàm ý mong cho con cháu chăm chỉ học hành.
Cũng bởi hiếu học, Hạ Mỗ có tiếng là đất thơ. Phương ngôn huyện Từ Liêm xưa có câu: “Thơ Mỗ, phú Cách, sách Vẽ” tức thơ làng Hạ Mỗ, phú làng Trúng Đích, văn sách làng Vẽ (Đông Ngạc).
Bảo tồn và phát triển
Hạ Mỗ chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội chừng 20km và đang đô thị hóa nhanh. Song, không vì thế mà Hạ Mỗ mất đi vẻ cổ kính, nếp làng bồi đắp từ hàng nghìn năm lịch sử.
Ông Nguyễn Xuân Việt, công chức phụ trách văn hóa - xã hội xã Hạ Mỗ cho hay, xã hiện có 7 điểm di tích lịch sử gồm: Đình Vạn Xuân, miếu Hàm Rồng, 2 ngôi chùa là Báo Ân và Hải Giác, 3 ngôi đền là Văn Hiến, Chính Khí và Tri Chỉ. Trong đó, có đình Vạn Xuân, đền Văn Hiến và chùa Hải Giác là những di tích lịch sử tiêu biểu, được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX.
Không chỉ bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, nét đặc biệt ở Hạ Mỗ là gìn giữ được phong tục tập quán, nét đẹp trong văn hóa của làng. Ở Hạ Mỗ, xóm nào cũng có miếu thờ thổ thần và cả xã có tới 28 miếu thờ. Khi xưa, đây là nơi để các tuần phu canh gác nghỉ khi trông coi công việc của làng. Nay, miếu xóm vừa là nơi thờ cúng thổ thần, vừa là nơi họp bàn công việc và diễn ra tục “ăn xóm” hằng năm.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ Đinh Thị Ngân, xã Hạ Mỗ đã được UBND huyện Đan Phượng phê duyệt Đề án Du lịch văn hóa lịch sử trên địa bàn xã. Hiện tại, UBND xã Hạ Mỗ đang có rất nhiều chương trình bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể như: Các bức hoành phi, câu đối, các văn tự Hán Nôm đều được dịch nghĩa và bảo quản, lưu trữ, giữ lại cho muôn đời sau. Xã cũng đã xây dựng cuốn lịch sử văn hóa, truyền thống để đưa vào các nhà trường giảng dạy cho học sinh hiểu về lịch sử địa phương.
Phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, ngày nay, Hạ Mỗ không ngừng quan tâm, chăm lo, vun đắp sự nghiệp giáo dục. Hiện, xã có trường học 3 cấp đều đạt chuẩn quốc gia, trong đó có Trường THCS đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2.
Phong trào khuyến học, khuyến tài được các gia đình, dòng họ, cộng đồng chăm lo vun đắp. Đến nay, xã có 10 dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”; 2.200 hộ đạt danh hiệu “Gia đình học tập”; 100% cụm dân cư đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”; 100% đơn vị đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”. Trong đó tiêu biểu như: Cụm dân cư số 1, Cụm dân cư số 6; gia đình ông Nguyễn Tọa, ông Nguyễn Chí Chấn, dòng họ Nguyễn Quý, Nguyễn Đình, Nguyễn Khắc, Uông Văn, Nguyễn Thế…
Theo đà phát triển, Hạ Mỗ đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ nhưng nét cổ kính của ngôi làng hàng nghìn năm tuổi vẫn hiển hiện qua những chiếc cổng xưa cũ, những nếp nhà ngói rêu phong, những bia ký, đình, đền, miếu mạo... Ẩn trong sự pha trộn cũ - mới về kiến trúc là hình ảnh con người bình dị đang bền bỉ giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của làng Hạ Mỗ, lưu giữ những giá trị đáng quý cho muôn đời sau...