Chuyện bên lề Hội nghị quân sự Trung Giã
70 năm đã trôi qua, còn nhiều vấn đề, nhất là những tư liệu quý có liên quan tới Hội nghị quân sự Trung Giã năm 1954 - cuộc đàm phán chính thức đầu tiên giữa Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Tổng chỉ huy các lực lượng liên hiệp Pháp bàn về việc thi hành Hiệp định Genève, ít được nhắc tới.
Dưới đây là những câu chuyện bên lề Hội nghị Trung Giã của chính những người trong cuộc, ngay trên mảnh đất Sóc Sơn, Hà Nội.
“Thần tốc” chuẩn bị địa điểm tổ chức hội nghị
Đầu tháng 6-1954, một số lãnh đạo Huyện ủy, Ủy ban Hành chính (UBHC) huyện Đa Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc (nay là huyện Sóc Sơn, Hà Nội) và Mặt trận Việt Minh huyện gồm các ông: Nguyễn Văn Tỵ - Chủ tịch UBHC, Nguyễn Văn Tứ - cán bộ trong Ban lãnh đạo huyện, Nguyễn Văn Thư - Chủ nhiệm Việt Minh (nay là Mặt trận Tổ quốc) và ông Huệ - Huyện đội trưởng kiêm Đại đội trưởng Đại đội 472 (Bộ đội địa phương) về làm việc với xã Trung Giã và xã Hồng Kỳ để triển khai công tác chuẩn bị, phục vụ Hội nghị Trung Giã.
Là người được giao nhiệm vụ cùng đồng đội trực tiếp bảo vệ an toàn cho phái đoàn quân sự Pháp trong suốt thời gian diễn ra hội nghị, Đại tá Công an Nguyễn Văn Tuệ (năm nay 91 tuổi), ở thôn Xuân Sơn, xã Trung Giã, nguyên chiến sĩ Đại đội 472, huyện đội Đa Phúc, nhớ lại: “Hội nghị diễn ra từ ngày 4-7 đến ngày 27-7-1954, tại khu đồi Đá Ong, thôn Xuân Sơn, xã Trung Giã, huyện Đa Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc (nay thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Nơi đây rộng khoảng 100ha, trong đó, khu ngoài rộng khoảng 30ha, giáp quốc lộ 3, và đường vào khu trong dài 300m do dân quân du kích xã Trung Giã và bộ đội địa phương bảo vệ...”.
Để lán trại bảo đảm tính mỹ thuật và chắc chắn, huyện Đa Phúc huy động khoảng 30 thợ có tay nghề cao của làng nghề truyền thống tre trúc Thu Hồng (nay thuộc thôn Thu Thủy, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn), trực tiếp thiết kế và thi công. Hầu hết vật liệu là tre, nứa, lá cọ..., do các xã trong huyện như Nam Sơn, Hồng Kỳ, Trung Giã và có cả các xã của huyện Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) quyên góp. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn, đến cuối tháng 6-1954 đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc, bao gồm: Hai dãy lán trại cho hai trung đội của Đại đội 472 nghỉ ngơi và làm công tác bảo vệ (vòng 2); một dãy nhà ăn và bếp phục vụ hậu cần (có giếng nước to trong mát do dân quân xã Trung Giã đào); một dãy lán rộng khoảng 50m2 làm hội trường để hai phái đoàn họp. Dãy lán sát hội trường về phía tây là nơi nghỉ của Trung đội Cảnh vệ Sư đoàn 308, do Thiếu úy Lê Tiến Trọng (quê Sơn Tây) làm Trung đội trưởng, có nhiệm vụ bảo vệ (vòng 1) của phái đoàn ta. Đặc biệt, lán có phòng riêng để Thiếu tướng Văn Tiến Dũng (Trưởng đoàn) và phái đoàn ta nghỉ ngơi, thảo luận riêng sau mỗi buổi làm việc.
9h ngày 4-7-1954, Hội nghị chính thức khai mạc. Ngay từ sáng sớm, hàng nghìn người dân Đa Phúc đã tập trung cờ hoa, biểu ngữ, kéo dài suốt mấy cây số từ phố Nỉ theo quốc lộ 3 vào thôn Xuân Sơn, xã Trung Giã, nơi diễn ra hội nghị.
Tình huống bất ngờ
“91 tuổi đời, 63 tuổi Đảng, tôi không bao giờ quên một tình huống bất ngờ xảy ra trước giờ khai mạc Hội nghị quân sự Trung Giã, khiến phái đoàn quân sự Pháp trân trọng và kính nể” - Đại tá Nguyễn Văn Tuệ hồi tưởng. Hồi đó, công tác bảo vệ vòng ngoài trên toàn tuyến được bố trí rất nghiêm ngặt. Khoảng 8h, chiếc máy bay “3 càng” của Pháp đáp xuống sân bay dã chiến Lương Châu (thuộc xã Tiên Dược, Sóc Sơn). Đại tá Lennuyeux cùng phái đoàn quân sự Pháp rời máy bay để đến địa điểm diễn ra hội nghị.
Tham gia nghênh đón phái đoàn của Pháp có Đại đội 472, Huyện đội Đa Phúc bố trí 1 xe con mui trần chở chỉ huy và 1 xe quân sự chở tiểu đội vệ binh dẫn đường. Trên đầu các xe đều cắm cờ đỏ sao vàng. Đoàn xe lăn bánh từ sân bay Lương Châu vòng qua chân núi Đôi... Khi cách huyện lỵ Đa Phúc chừng 200m, toàn bộ chiến sĩ ta trên xe đứng dậy, bồng súng đánh mặt về phía bên trái (hướng Tây), đưa tay lên vành mũ chào và hô vang khẩu hiệu “Hồ Chí Minh muôn năm” (3 lần), trước sự ngỡ ngàng của phái đoàn quân sự Pháp. Bất giác, Đại tá Lennuyeux cùng phái đoàn quân sự Pháp nhìn về hướng Tây, thấy dòng chữ “HỒ CHÍ MINH MUÔN NĂM” (viết hoa tất cả các chữ cái) rất lớn trên lưng chừng của năm ngọn núi. Mỗi núi có một chữ, theo thứ tự từ trái sang phải. Với lòng ngưỡng mộ, tôn kính lãnh tụ Hồ Chí Minh, như một phản xạ có điều kiện, phái đoàn quân sự Pháp và lính lê dương đồng loạt đứng nghiêm, đưa tay lên mũ kính cẩn chào dãy núi hùng vĩ mang dòng khẩu hiệu thiêng liêng ấy.
Khi đoàn xe tiến đến địa phận thôn Phù Mã cách đó gần một cây số, họ mới thôi chào. Đại tá Lennuyeux trên đường đến địa điểm tổ chức hội nghị luôn miệng thốt lên: “Thật kỳ diệu về sự kính trọng và tin yêu của người Việt Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Bởi dòng chữ “HỒ CHÍ MINH MUÔN NĂM” xuất hiện trên vùng núi Sóc Sơn từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến như thách thức chủ nghĩa thực dân khi chúng dã tâm xâm lược đất nước Việt Nam một lần nữa. Kỳ lạ thay, khẩu hiệu đó chỉ cách bốt của quân Pháp một tầm súng bộ binh, nhưng trong suốt thời gian kháng chiến không hề bị kẻ địch quấy phá. Và dòng chữ này vẫn tồn tại đến đầu những năm 1970, thời kỳ diễn ra chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ.
Địa điểm lịch sử, văn hóa ý nghĩa
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Sóc Sơn lần thứ VII, nhiệm kỳ 1996 - 2000, ông Nguyễn Tân Chính, Bí thư Đảng ủy thị trấn Sóc Sơn đã phát biểu tham luận, đề cập đến việc cần phục hồi “địa chỉ đỏ” - dòng chữ “HỒ CHÍ MINH MUÔN NĂM” trên vùng núi Sóc. Ông Nguyễn Tân Chính nhấn mạnh, đây là di tích có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng. Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (19-12-1946), nhân dân xã Lạc Long, huyện Đa Phúc (nay là các xã Phù Linh, Tiên Dược và thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn), dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng đã tạc vào sườn năm ngọn núi trong cùng dãy núi, kéo dài từ thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược, đến thôn Đạc Đức, xã Phù Linh (bên cạnh tượng đài Thánh Gióng hiện nay) năm chữ in hoa. Bắt đầu là chữ “HỒ” nằm ở khu Đồng Trại, thôn Dược Thượng (sát với Sư đoàn Không quân 371 ngày nay); lần lượt tiếp theo là chữ “CHÍ” ở khu vực Trại Ổi, cạnh hồ Đồng Quan; chữ “MINH” và chữ “MUÔN” ở khu SK2 (kho khí tài, Cục Kỹ thuật không quân) thuộc địa bàn xã Phù Linh; chữ “NĂM” nằm kề sát núi Đá Chồng - khu vực tượng đài Thánh Gióng, Khu di tích lịch sử Đền Sóc ngày nay.
Những người trong ban điều hành, trực tiếp tổ chức thi công dòng chữ này đều ở xã Lạc Long. Ông Tín và ông Du nguyên là Chi ủy viên Chi bộ xã Lạc Long kể lại: Việc tạc dòng chữ “HỒ CHÍ MINH MUÔN NĂM” trên vùng núi Sóc xuất phát từ lòng tôn kính của chi bộ Đảng và nhân dân đối với Bác Hồ cũng như niềm tin vào đường lối “Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi” nên các “nam phụ lão ấu” ở các thôn xóm thi nhau thu nhặt đá ở khắp các núi đèo, vườn tược, lòng hồ ngọn suối, đưa lên địa điểm xếp chữ. Bà con quét vôi nước vào các sợi dây thừng, phơi khô rồi nối với nhau, căng ngang sát vào sườn núi đánh dấu để bộ phận làm chữ thi công. Chiều cao và chiều rộng của mỗi chữ là năm mét, nét chữ rộng một mét. Từ quốc lộ 3 nhìn lên, hàng chữ nổi bật sừng sững, rõ mồn một trên dãy núi xanh thẫm đã ghi dấu trong ký ức của nhiều người dân nơi đây.
Có thể nói, dãy núi Sóc mang dòng chữ: “HỒ CHÍ MINH MUÔN NĂM” xứng đáng là Di tích lịch sử - văn hóa, không chỉ ở phạm vi địa phương, cả nước, mà còn có ý nghĩa lan tỏa ra cả thế giới, nhất là đối với người Pháp được chứng kiến, khi tới dự Hội nghị quân sự Trung Giã năm 1954.