Xưa và nay

Chuyện tên làng Hà Nội xưa

Nguyễn Ngọc Tiến 06/08/2023 - 11:53

Làng ban đầu là nơi tụ cư của một nhóm người thân thích. Tuy nhiên, rất khó xác định chữ "làng" xuất hiện cụ thể vào thời gian nào. Thời kỳ Bắc thuộc, người Việt gọi một làng hay một vùng bắt đầu bằng chữ "Kẻ", sau chữ "Kẻ" chỉ có một từ. "Kẻ" là từ Việt cổ.

638260524567312098-img_2067.jpg
Cổng làng Nghè xưa, nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy. Ảnh: Linh Tâm

Người xưa đặt tên làng thường dựa vào đặc điểm nổi bật của khu vực đó hay lấy tên, họ của người khai khẩn đất hoang lập ra làng, có khi dựa vào nghề…

Phía nam kinh thành Thăng Long trồng nhiều cây mai nên các làng ở vùng này đều có chữ Mai như Mai Động, Tương Mai, Hoàng Mai, Hồng Mai. Tuy nhiên, dân chúng gọi nôm là các làng Mơ hay Kẻ Mơ. Phía tây kinh thành có các làng: Bái Ân, Yên Thái, Nghĩa Đô, Trích Sài, Hồ Khẩu… gọi nôm là Kẻ Bưởi vì có thuyết cho rằng, đoạn sông Tô Lịch chảy qua khu này có nhiều bưởi dạt vào bờ.

Chỉ các làng cổ mới bắt đầu bằng chữ Kẻ, như Kẻ Vẽ, Kẻ Noi, Kẻ Giàn, Kẻ Cót, Kẻ Láng, Kẻ Lủ, Kẻ Vọng…

Vị trí cũng được dùng để đặt tên, lấy Hoàng thành làm trung tâm, kinh thành Thăng Long có tổng Thượng, Trung, Hạ, Nội. Và cả phương hướng như Đông, Đoài, Tả, Hữu… cũng thành tên làng, xóm.

Thời kỳ Bắc thuộc, nhà Đường lập An Nam đô hộ phủ, đặt cấp hành chính gồm phủ, huyện, cuối cùng là hương, xã. Hương tương đương như xã nhưng lớn hơn về diện tích và số hộ, số dân. Chữ “hương” ghép với chữ “quê” thành “quê hương”, danh từ chung chỉ nơi người ta sinh ra và sinh sống ở đó.

Dưới hương, xã là chạ. Chạ không phải là cấp hành chính, theo nhà nghiên cứu ngôn ngữ, PGS.TS Phạm Văn Tình, chạ là từ cổ có nghĩa là xóm. Ở Hà Nội xưa có tục kết chạ, tức là các làng cùng thờ một vị thành hoàng giao hảo với nhau. Vào ngày hội, làng này rước sang làng kia, mỗi làng giữ mũ áo của thần một năm.

Cũng như triều Lê, dưới triều Nguyễn, thôn là cấp hành chính cuối cùng, không phải làng. Huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận xưa (tương ứng với quận Hoàn Kiếm và một phần quận Ba Đình ngày nay) không gọi là xã mà gọi là phường, song dưới phường lại là thôn. Có một điều thú vị, dù gọi thôn nhưng sách “Đại Nam thực lục”, chính sử của triều Nguyễn viết: “Nước là hợp của các làng mà thành. Từ làng mới đến nước. Dạy dân nên tục, vương chính lấy làng làm trước”.

Tuy tương đương với làng về số hộ, số dân hay diện tích nhưng thôn khác làng, thôn có thể là nơi người ở nhiều nơi tụ cư. Thời kỳ trung đại, một làng truyền thống điển hình là một tập hợp những người có thể có cùng huyết thống, cùng phương kế sinh nhai trên một vùng nhất định. Thôn mới có thể có đình, chùa hoặc không nhưng đã là làng thì dứt khoát phải có đình, chùa. Người ta đi chiến đấu trước hết vì làng. Người ta làm những điều tốt đẹp cũng vì làng. Người làng thành đạt, xả thân vì nước, khi trở về được đón tiếp long trọng vì họ làm vinh quang cho làng. Làng trọng lệ hơn luật. Một làng, thôn ít nhất phải có 2 xóm trở lên song người ta ít gọi thôn xóm mà thường gọi là làng xóm. Xã có một làng thì không ai gọi xã, mà gọi là làng. Ví dụ như làng Khương Thượng, làng Phương Liệt, làng Lủ, làng Định Công…

Đầu đời Nguyễn, tên địa danh hành chính ở Hà Nội có 2 âm Hán Việt chiếm khá nhiều. Các địa danh thuần Việt chỉ có 19 tên và đa số bắt đầu bằng chữ Hàng. Ngoài tên chữ, vua Gia Long vẫn cho duy trì tên nôm, ví dụ phường Thạch Khối có tên nôm là Hàng Than. Năm 1824, vua Minh Mạng chủ trương xem xét lại tên các đơn vị hành chính, trong đó có Hà Nội, xóa bỏ tên xã, thôn có tên tục, khuyến khích tìm tên đẹp, có ý nghĩa. Những thôn có tên dài cũng bị cắt ngắn lại.

Tên làng không chỉ để gọi, mà còn chứa đựng lịch sử, văn hóa của làng đó, vì thế, ai làm tổn hại danh dự làng thì bị coi khinh. Từ triều vua Gia Long đến vua Thành Thái, 73 tên tổng, phường, xã, thôn ở Hà Nội phải đổi vì tách nhập hành chính và lý do tu từ, kiêng những từ tôn kính. Dường như ý thức được điều này nên khi đổi, triều đình chỉ đổi một từ. Ví dụ, chữ Hoa kiêng húy, đổi thành Yên, Nam, Phụ… Làng Hoa Ngư phải đổi thành Nam Ngư, Kim Hoa đổi thành Kim Liên, Yên Hoa đổi thành Yên Phụ, Hoa Kinh đổi thành Minh Kinh, đến triều vua Thành Thái lại bắt đổi thành Chính Kinh. Làng Thụy Chương đổi thành Thụy Khuê, Nhật Chiêu đổi thành Nhật Tân…

Xã Đông Ngạc khi chưa đổi thành phường gồm 3 làng vốn là 3 xã, gồm: Vẽ (tên chữ là Đông Ngạc), Cảo và Liên Ngạc. Trong kháng chiến chống Pháp, chính quyền Việt Minh ghép với làng Thụy Hương thành xã Đông Thụy. Năm 1956, thành phố tách Thụy Hương thành xã riêng, còn làng Vẽ, Cảo và Liên Ngạc gọi là xã Đức Thắng. Vì mất tên làng, người cao tuổi ở Đông Ngạc đã làm đơn từ chối tên Đức Thắng và xin lại tên cũ, đến năm 1965 mới được.

Ngày nay, muốn đổi tên cũng khó vì liên quan đến sổ đỏ, căn cước công dân gắn chíp. Các làng lên phố thì tên làng được lấy đặt tên phố. Điều đó đáp ứng được nguyện vọng của người dân.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện tên làng Hà Nội xưa