Xưa và nay

Chuyện về chiếc cối xay, cối giã

Khúc Văn Quý 02/06/2024 14:36

Chiếc cối xay, cối giã từng gắn bó với đời sống của người dân Việt Nam suốt bao đời. Chiếc cối không chỉ là phương tiện để xay thóc, giã gạo và ngô, mà còn được dùng để sơ chế nguyên liệu, làm nên các món ăn dân dã gắn với ký ức của bao người.

Bên chiếc cối xay, tình làng nghĩa xóm cũng được thắt chặt bởi những câu chuyện tưởng chừng không dứt của các bà, các mẹ và lũ trẻ. Ngày nay, ở nông thôn, chiếc cối đã được thay thế bằng máy xay, vừa tiết kiệm thời gian vừa cho năng suất cao. Vì thế, cối xay, cối giã cũng xuất hiện thưa dần trong đời sống...

7(1).jpg
Cối xay, cối giã được trưng bày tại nhà văn hóa thôn để thế hệ trẻ tìm hiểu.

Quê tôi thuộc một huyện ngoại thành Hà Nội, nằm trọn trên vùng đất bãi sông Cái (sông Hồng). Từ cuối những năm 1950 đến đầu những năm 1960, cả xã thường bị nước lũ sông Hồng đổ về, có khi đến 2 - 3 trận lũ/năm làm ngập trắng đồng bãi, xóm làng. Vì thế, nhà nào cũng có ít nhất một con thuyền để đi lại. Xà gồ, tre già, thừng chão... luôn được chuẩn bị sẵn và chằng buộc vào cột làm giàn cao để kê bàn thờ, giường ngủ hay chống lũ cho đàn gà, con lợn... Lũ thường xuyên nên người dân quê tôi không cấy được lúa mà chỉ trồng rau, ngô, khoai, đậu để kịp thu hoạch trước khi lũ về.

Đến giữa những năm 1960, thành phố cho đắp đê quai bao quanh cánh đồng, từ đó, người dân mới cấy được một vụ lúa chiêm mỗi năm nhưng vẫn ăn cơm ngô là chính. Vì thế, quê tôi có một loại cơm khá độc đáo, đó là cơm bột và cơm mảnh. Cơm bột là loại cơm quấy lên (quê tôi gọi là ghế bột) từ bột ngô, đong hết ra bát và vét nồi (loại nồi đồng), ăn không hết úp vào rá, để vào đôi quang đan bằng song nhỏ treo lên xà nhà để dành cho bữa sau. Khi tiết trời lạnh, cơm được luộc lại cho nóng trước khi ăn nên được gọi là cơm luộc. Cơm mảnh là cơm nấu một phần rất ít gạo chiêm với đa phần là ngô mảnh khô nên bọn trẻ hay gọi là cơm mảnh độn gạo. Để có bột, mảnh ngô, có gạo nấu cơm phải nhờ cối giã. Phải đến cuối những năm 1960, quê tôi mới có các loại cối xay ngô, thóc và đậu xanh (còn gọi là đậu chè).

Khi chưa có cối xay, người ta phải giã bằng chày gỗ nghiến. Cối giã được “mặc áo” bằng tấm cót nhỏ quây chung quanh để hạn chế hạt ngô, thóc bắn ra ngoài. Giã hạt ngô khô làm nhiều mảnh hoặc giã thóc còn đỡ, giã hạt ngô ngâm lấy bột nấu cơm mất khá nhiều công sức vì phải qua nhiều lần giã, giần lấy bột cho đến khi chỉ còn “mày” ngô nấu cám cho lợn mới thôi. Giã xong phải giần lại lần cuối và chia thành hai loại: Bột mịn lọt qua giần xuống mẹt để “ghế”, bột còn lại trên giần là “bột cái nhì” thì để riêng. Lúc có cối xay ngô bằng đá, cối xay thóc bằng đất đóng giăm gỗ mỏng cứng thì đỡ tốn công sức hơn nhưng cũng phải mất thời gian chờ nhau vì cả xóm cũng chỉ có mấy cái cối xay. Để nhanh, cả bọn xúm vào cùng xay giúp nhau vừa kéo, vừa chuyện trò cười đùa rôm rả lẫn trong tiếng thở phì phò, vui đáo để.

Cơm mảnh được nấu bằng cách cho mảnh ngô vào nồi đồng đủ lượng nước đun sôi, ủ trấu chừng năm, mười phút thì quấy gạo vào rồi đốt rơm xung quanh, ủ trấu khoảng nửa tiếng là cơm chín. Nấu cơm bột cũng đun sôi nước, quấy “bột cái nhì” rồi ủ trấu chừng mười lăm phút thì rắc bột mịn vào “ghế bột”. Việc “ghế bột” thường là của các mẹ bởi đòi hỏi kinh nghiệm, nếu không bột mịn sẽ dễ vón cục (quê tôi gọi là “cục dót”) và ăn không ngon. Từ những cái cối xay, cối giã làm ra bát cơm mảnh, cơm bột quê tôi đã nuôi dưỡng nhiều thế hệ sống vui, sống khỏe, ham học, chăm làm.

Những năm đó chưa có điện và cũng chưa có máy tuốt thóc nên những cái cối đá giã bị thủng đáy được mang ra sân kho lật úp xuống làm bệ để đập thóc. Mỗi nhóm thường 2 người đập chung một bệ cối, người giơ lên, người đập xuống nhịp nhàng nom rất vui mắt. Có cái bị “đập” nhiều quá mòn vẹt cả một góc đáy. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những cái cối xay, cối giã quê tôi tuy đã “hết thời” nhưng vẫn còn được chủ nhân lưu giữ đâu đó. Có cái được lật nằm úp làm bậc lên xuống ở cửa nhà bếp, làm bậc ngõ; có cái kê làm “ghế đá” xếp hàng dưới tán cây quanh bờ ao, bờ sông đào quanh xóm mời gọi mọi người đến ngồi hóng mát, trò chuyện sau những giờ lao động ngoài đồng bãi. Có nhà dùng cối giã nhốt thả con cua, con cá để dành cho những bữa ăn sau; có cái cối xay ngô được chủ nhà hiến tặng cho nhà truyền thống của xã, minh chứng cho sự hiện diện một thời của chúng trong đời sống của dân làng.

Ngày nghỉ, mấy ông cháu tôi thường ra nhà truyền thống của xã để tham quan. Các cháu tôi thích thú khi được tìm hiểu về những hiện vật một thuở gắn bó với cuộc sống của ông bà, trong đó có những cái cối xay, cối giã.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về chiếc cối xay, cối giã