Sống đẹp

Cựu thanh niên xung phong kể chuyện đào hồ

Dương Linh 05/08/2023 - 07:47

Những hồ nước như Giảng Võ, Hoàng Cầu, Xã Đàn… nhiều năm qua đã là một phần quan trọng trong cảnh quan đô thị của Hà Nội. Không chỉ mang đến không gian tươi mát, những “lá phổi xanh” này còn có tác dụng thoát nước, điều phối không khí trong lành. Nhưng có lẽ không nhiều người biết rằng, để có các hồ nước thật nên thơ này và in dấu qua bao thế hệ ở Thủ đô, những cựu thanh niên xung phong, bằng đôi tay trần, bàn chân đất, đã góp phần xây dựng nên…

dao-ho.jpg
Các cựu thanh niên xung phong thăm hồ Xã Đàn (quận Đống Đa).

Sẵn sàng, xung phong đảm nhận những nhiệm vụ mới

Hơn 50 năm về trước, Xí nghiệp xây dựng thanh niên Hà Nội (Tổng đội thanh niên xung phong xây dựng kinh tế Thủ đô), trực thuộc Thành đoàn Hà Nội được thành lập vào ngày 20-10-1970 theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội. Xí nghiệp với nhiệm vụ tập hợp giáo dục, vận động thanh niên hăng hái rèn luyện, tích cực tham gia lao động sản xuất, phục vụ chiến đấu, khắc phục hậu quả chiến tranh: Làm đường, đào hồ, xây dựng cải tạo các công trình công cộng, xây dựng kiến thiết Thủ đô…

Niềm tự hào vẫn đong đầy như vừa mới hôm qua trong lòng Trưởng ban liên lạc Tổng đội thanh niên xung phong xây dựng kinh tế Thủ đô Trần Văn Tré. Ông xúc động kể: “Tiếp nối các phong trào thanh niên tình nguyện của cả nước, đặc biệt là phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên Hà Nội trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ năm 1970 đến 1985, Xí nghiệp đã thu hút được hàng nghìn lượt thanh niên Hà Nội tham gia lao động trên các công trường đào hồ Giảng Võ, hồ Xã Đàn, hồ cá Đống Đa...”.

Ở tuổi 85, bà Dương Thị Tách vẫn nhớ rành mạch từng chi tiết những tháng ngày rời quê nhà ở xã Dương Quang, huyện Gia Lâm, tham gia thanh niên xung phong. “Đúng mồng 4 Tết năm 1967, tôi nhập ngũ vào Đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước N51. Thời đó, giặc Mỹ đánh phá ác liệt vào nhà ga, cầu đường, nhà máy, từ 5h chiều đến đêm, chúng tôi có nhiệm vụ đi lấp hố bom, hết ở Thanh Trì lại sang Đông Anh, Gia Lâm…”, bà Tách hồi tưởng.

Sau khi từ chiến trường trở về, thay vì tâm lý nghỉ ngơi, bà Tách hào hứng tham gia “mặt trận mới”. Cuối năm 1970, khi được giao nhiệm vụ tham gia xây dựng hồ Giảng Võ, bà Tách đang nuôi con nhỏ nên được phân công làm thủ kho, hai mẹ con ở lán trại của thanh niên xung phong gần khu vực hồ. “Trước đây, khi chưa xây dựng, các hồ Giảng Võ (quận Ba Đình), Trung Tự (nay là hồ Xã Đàn, quận Đống Đa) chỉ là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm. Công trường xây dựng lúc bấy giờ huy động hàng nghìn thanh niên tham gia, chia làm nhiều đội. Cứ 2-3h sáng là tôi dậy phân phát dụng cụ lao động cho các tổ. Khi xây dựng hồ Giảng Võ gần xong, đầu năm 1972 thì tôi được điều chuyển về hồ Trung Tự và được giao nhiệm vụ là Đội trưởng Đội sản xuất tổng hợp, phụ trách 120 đội viên, nhiệm vụ của chúng tôi là đào hồ như thợ đấu”, bà Tách kể tiếp.

Thời điểm đó, mặc dù mới 16 tuổi, nặng có 38kg, nhưng thiếu nữ Nguyễn Thị Bích Lan (sinh năm 1957) vẫn xung phong đi đào đất, làm hồ. Hồ hởi kể chuyện về những ngày tham gia xây dựng hồ Giảng Võ rồi đến hồ Trung Tự, bà Lan nói: “Lúc bấy giờ tôi mới học hết lớp 7, nghe theo tiếng gọi của Đoàn thanh niên khu Ba Đình đi kiến thiết Thủ đô, tôi và chị gái cùng tham gia thanh niên xung phong. Sau đó, hai em gái tôi tiếp tục lên đường. Tất thảy cả nhà tôi 4 chị em gái cùng tham gia đào hồ. Ấn tượng đến bây giờ với tôi là mỗi sáng sớm ngủ dậy, hàng trăm xe cải tiến xếp hàng dài chờ sẵn. Có xe còn lốp, nhiều xe chẳng có chiếc lốp nào. Đào đất xong là gánh đất, đẩy xe lên dốc cao 20m, không khác gì kéo pháo”.

Bồi hồi nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ vui tươi và đầy hào hứng, bà Hoàng Thị Ngát (sinh năm 1954) kể: “Tôi đi thanh niên xung phong từ huyện Gia Lâm, nhập ngũ tháng 6-1972. Những ngày máy bay B52 bắn phá bầu trời Hà Nội, lúc đó tôi đang làm ở hồ Trung Tự. Giặc đánh đêm ta làm ngày, đánh ngày ta làm đêm. Ăn uống đói khổ, ngày đào 25m3 đất, nhưng không ai kêu ca, phàn nàn, các anh chị em hăng say làm việc”.

Tiếp lời bà Ngát, ông Nguyễn Quốc Toàn (sinh năm 1958) nói: “Chúng tôi dùng cái kéo của thợ đấu để cắt đất. Gọi là kéo mà không phải kéo. Nó là hai thanh gỗ khỏe ghép vào để cắt đất, do đất dẻo không dùng cuốc xẻng được. Hồi ấy không ai nghĩ tới vất vả, khó khăn đâu, chỉ nghĩ tới lý tưởng thanh niên. Ai cũng thấy rất vui, tràn đầy nhiệt huyết, lúc nào cũng chỉ mong muốn được cống hiến. Mưa thì nghỉ, còn nắng mấy cũng vẫn đào, vác đất, thi đua làm sao để được ngày công cao, tổ được khen”. Gia nhập thanh niên xung phong từ khu Hai Bà, ông Toàn còn có em trai là ông Nguyễn Tiến Dũng (sinh năm 1960) cùng tham gia xây dựng hồ cá Đống Đa (nay là hồ Hoàng Cầu) từ tháng 9-1976.

“Cuối năm 1977, các hồ Giảng Võ, Hoàng Cầu, Xã Đàn dần hoàn thành việc đào đất. Những thanh niên xung phong của xí nghiệp tiếp tục phát huy tinh thần sẵn sàng, xung phong đảm nhận những nhiệm vụ mới, đi xây dựng các công trình nhà ở, trường học để sớm phục hồi đất nước, kiến thiết Thủ đô…”, ông Trần Văn Tré cho biết thêm.

Tự hào là thanh niên xung phong

Giờ đây, những cựu thanh niên xung phong năm xưa đều đã lên ông, lên bà, tuổi đã cao, sức đã yếu. Mỗi buổi gặp mặt, họ cùng nhau ôn lại những kỷ niệm đầy tự hào được gói gọn trong những bức ảnh lưu giữ ký ức về một thời thanh xuân sôi nổi. Bà Dương Thị Tách về hưu năm 1991, tham gia làm tổ trưởng dân phố, công tác phụ nữ 13 năm ở địa phương. Đến lúc tuổi cao sức khỏe yếu, bà xin nghỉ. Trong căn nhà sát hồ Nam Đồng xanh mát, bà Tách phấn khởi chia sẻ: “Mỗi buổi chiều thấy người dân đi lại hóng mát, vui chơi quanh hồ, chúng tôi rất tự hào vì mình là thanh niên xung phong, đã góp phần nhỏ bé xây dựng nên”.

Trong khi đó, bà Hoàng Thị Ngát và chồng là ông Nguyễn Duy Hùng (sinh năm 1954) cũng là thanh niên xung phong của huyện Thanh Trì đã nên duyên từ việc đi xây dựng hồ Giảng Võ. 50 năm qua, họ đã cùng nhau nuôi dạy con cái phương trưởng. Sau nhiều năm tham gia Ban Chấp hành Hội Cựu thanh niên xung phong xã, năm 2021, bà Ngát được tín nhiệm bầu là Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong xã Tân Triều, huyện Thanh Trì. Bà Ngát luôn động viên, giúp đỡ anh em đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, tích cực xây dựng Quỹ Nghĩa tình đồng đội, đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ của Hội ngày càng vững mạnh.

Trong quá trình tham gia xây dựng các hồ, năm 1974, bà Nguyễn Thị Bích Lan và chị gái vinh dự được tham gia xây dựng Quảng trường Ba Đình. Khoe tấm ảnh chụp ở Lăng Bác năm 1976 cùng thẻ ra vào xây dựng Quảng trường Ba Đình, bà Lan chia sẻ: “Đây là niềm vinh dự không chỉ của riêng hai chị em tôi mà còn của cả gia đình”. Bà Lan hiện là Chi hội phó Chi hội cựu thanh niên xung phong địa bàn dân cư số 10, phường Tân Mai (quận Hoàng Mai). Học tập và làm theo gương Bác, hằng ngày bà Lan thực hành tiết kiệm, tích cực làm việc thiện, giúp ích cho đời.

Những năm 1992-1993, ông Nguyễn Quốc Toàn còn tham gia cải tạo hồ Thủ Lệ. Sau nhiều năm tháng gắn bó với Xí nghiệp xây dựng thanh niên Hà Nội, về hưu năm 2008, ông đã vinh dự nhận Bằng khen của Bộ Xây dựng. Bộc bạch những trăn trở, ông nói: “Tôi chỉ mong thế hệ trẻ thấm nhuần tinh thần cống hiến và phục vụ, như Bác Hồ căn dặn thanh niên: “Phải không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, để làm những điều tốt đẹp cho Thủ đô và đất nước”.

Hà Nội sắp vào thu, từng hồ nước trong lòng thành phố như nên thơ hơn, thầm nhắc mỗi người dân về một thời gian lao và vất vả, để mãi tri ân biết bao thanh niên xung phong đã dệt nên bức tranh phong cảnh của Thủ đô trong lành, mát xanh hôm nay…

Bên cạnh việc xây dựng các hồ, thanh niên xung phong của Xí nghiệp xây dựng thanh niên Hà Nội còn tham gia bảo đảm giao thông tuyến đường Quốc lộ 6 khi máy bay Mỹ đánh phá và tham gia ứng cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, khu phố Khâm Thiên trong trận “Điện Biên Phủ trên không năm 1972”; từ năm 1973 tham gia xây dựng các công trình trường học và nhà ở của Thủ đô… Ngoài thời gian lao động, đội viên thanh niên xung phong được học tập văn hóa, luyện tập quân sự, tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao… Đặc biệt, các hoạt động, phong trào thi đua của Đoàn thanh niên xí nghiệp được đẩy mạnh, thu hút tập hợp đông đảo thanh niên. 98% thanh niên vinh dự được kết nạp Đoàn. Xí nghiệp được Thành đoàn đánh giá cao, vinh dự nhận Bằng khen của Thành đoàn, Trung ương Đoàn.

Xí nghiệp xây dựng thanh niên Hà Nội sau đổi tên thành Công ty Xây dựng thanh niên vào năm 1991 và năm 2003 chuyển về Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cựu thanh niên xung phong kể chuyện đào hồ