Từ di sản nghìn năm lịch sử
Được định danh là Kinh đô - Thủ đô suốt hơn nghìn năm lịch sử, Thăng Long - Hà Nội, với đặc trưng hội tụ, kết tinh, lan tỏa, đã là nơi thu hút, đào tạo nhân tài cho đất nước và cũng là nơi để các tài năng dựng nghiệp, phát huy thế mạnh trên đất văn vật Kinh kỳ. Dấu ấn này đến nay vẫn còn hiển hiện rõ qua hệ thống di sản dày đặc, gần 6 nghìn di tích lịch sử - văn hóa, hơn 1,7 nghìn di sản văn hóa phi vật thể được nhận diện, kiểm kê, đưa vào danh sách bảo vệ, góp phần tạo dựng nền văn hóa tiêu biểu cho kỷ nguyên văn minh Đại Việt, đồng thời là hiện thân rõ nét cho đặc trưng, hồn cốt của mảnh đất Kinh kỳ - Kẻ Chợ.
Nói đến di sản nghìn năm trên đất Thăng Long - Hà Nội, không thể không nhắc đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám (năm 1070), lò luyện văn quốc gia, trung tâm đào tạo tiến sĩ, nơi được mệnh danh là trường đại học đầu tiên của cả nước. Với truyền thống tôn sư trọng đạo, coi trọng hiền tài, nơi đây đã đào tạo, tuyển chọn cho đất nước hàng nghìn trí thức khoa bảng. Nhiều người trong số họ là nhà văn, nhà chính trị - quân sự thiên tài, nhà giáo lỗi lạc… hỗ trợ triều đình chăm dân, trị quốc, tạo nguồn “nguyên khí quốc gia”.
Cùng với Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di sản tiêu biểu cho nền văn hóa dân tộc ở Hà Nội còn có Hoàng thành Thăng Long (năm 1010), quần thể di tích gắn với quá trình hình thành Kinh đô Thăng Long, nơi có liên hệ trực tiếp với nhiều thăng trầm lịch sử của Thủ đô và đất nước. Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản, gồm chiều dài lịch sử văn hóa, tính liên tục với tư cách là trung tâm quyền lực cùng các tầng di tích, di vật đa dạng, phong phú, đã đưa Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội vào danh mục Di sản văn hóa thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc - UNESCO.
Ngoài ra, công trình kiến trúc nghìn năm tuổi ở Hà Nội còn có chùa Một Cột khởi dựng thời Vua Lý Thái Tông (1028-1054); chùa Láng hình thành thời Vua Lý Anh Tông (1138-1175); chùa Kim Liên, thời Vua Lý Thần Tông (1128-1138)… và đặc biệt là Thăng Long tứ trấn - 4 ngôi đền lần lượt được xây dựng vào thế kỷ thứ 9, 10, 11 và 17, thờ 4 vị thần trấn giữ tứ phương huyết mạch của kinh thành. Ở mảng kiến trúc nhà ở, Hà Nội có khu phố cổ hình thành vào thời Lý - Trần, với hàng chục phường nghề quy tụ, tạo nên cảnh quan tấp nập, không khí giao thương sầm uất “phồn hoa thứ nhất Long thành, phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ”.
Cùng với hàng nghìn di tích lịch sử - văn hóa, những di tích nghìn năm trên đất Thăng Long - Hà Nội đã và đang góp phần phản ánh lịch sử, đồng thời có vai trò to lớn trong việc lưu giữ, bảo vệ truyền thống, bản sắc văn hóa Thủ đô.
Đến 11 thế kỷ lắng hồn sông núi
Từ một Kẻ Chợ với 36 phố phường, Thăng Long - Hà Nội trải qua 11 thế kỷ, dù có lúc thịnh, lúc suy, vẫn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của đất nước. Suốt dặm dài lịch sử, nơi đây diễn ra nhiều biến cố, thăng trầm, những bước ngoặt lớn của dân tộc, khiến cho Thăng Long - Hà Nội thực sự là nơi lắng hồn sông núi, kết tinh, lan tỏa văn hóa của cả nước. Cùng với hàng nghìn di tích, Thủ đô còn có kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đồ sộ, với hơn nghìn lễ hội truyền thống, hàng trăm nghề thủ công truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghệ thuật trình diễn dân gian… Nhiều đại diện đã có mặt từ thời tạo dựng Kinh đô Thăng Long, như: Hội Gióng, nghề gốm Bát Tràng, nghề dệt lụa Vạn Phúc, múa rối nước…
Những di sản văn hóa phi vật thể này hàm chứa các giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học, thẩm mỹ…; đồng thời thể hiện đậm nét hào khí, trí tuệ, cốt cách, bản sắc Thăng Long - Hà Nội. Chọn một nét chấm phá trong bản sắc, cốt cách người Hà Nội “Nhất cao là núi Ba Vì, nhất lịch, nhất sắc Kinh kỳ Thăng Long” để thấy, nét hào hoa, thanh lịch từ ngàn xưa đã là một đặc trưng của đất Kinh kỳ, một di sản khi nhắc đến văn hóa người Hà Nội. 11 thế kỷ lắng hồn sông núi cũng là chừng ấy thời gian Thăng Long - Hà Nội có những thay đổi lớn. Gần đây nhất, việc hợp nhất vùng văn hóa xứ Đoài, Sơn Nam Thượng vào, càng khiến nền văn hóa Thăng Long trở nên phong phú, đa dạng và đặc sắc hơn.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, chỉ tính một vài năm gần đây, Thủ đô đã dành hàng nghìn tỷ đồng cho việc trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp di tích lịch sử - văn hóa; thúc đẩy bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể thông qua hàng loạt chương trình, kế hoạch phục dựng, trao truyền, ghi danh, quảng bá… di sản và tích cực huy động các nguồn lực xã hội cho công tác này. “Qua nhiều năm triển khai, hệ thống di tích Hà Nội ngày một khang trang hơn, nhiều loại hình văn hóa truyền thống được phục dựng, văn hóa ứng xử ngày càng chuyển biến. Toàn thành phố hiện có 4 di sản được UNESCO ghi danh; 20 di tích quốc gia đặc biệt; 1.163 di tích quốc gia; 26 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…”, ông Đỗ Đình Hồng cho biết.
Hà Nội cũng rất thành công trong việc khôi phục nhiều không gian kiến trúc, trở thành điểm nhấn ấn tượng của một Thủ đô di sản. Gần đây nhất là Đề án cải tạo, chỉnh trang theo hướng phục dựng những giá trị kiến trúc đặc trưng, góp phần bảo tồn di sản kiến trúc, cải thiện điều kiện sống cho người dân, cũng như tăng sức hấp dẫn cho điểm đến du lịch phố cổ Hà Nội. Song hành với đó là các chương trình “Trải nghiệm cùng di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội”; lễ hội văn hóa dân gian đương đại… cho thấy những nỗ lực, sáng tạo không mệt mỏi của người Hà Nội, nhằm “đánh thức” những giá trị di sản nghìn năm trên đất Thăng Long. Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Thăng Long tứ trấn... đã và đang là biểu tượng văn hóa, niềm tự hào của người Hà Nội và nhân dân cả nước; điểm đến không thể bỏ qua của nhiều du khách quốc tế; gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc... là những sản phẩm được khắp nơi ưa chuộng; hay rối nước, múa bồng, hát cửa đình... là những hình thức diễn xướng dân gian không thể thiếu trong các hoạt động tôn vinh, quảng bá di sản Thăng Long - Hà Nội.
Cùng với việc ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng tầm nhìn đến năm 2045”; xây dựng Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; triển khai Chương trình số 06-Ctr/TU của Thành ủy về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025"…, nhằm khơi dậy, phát huy các giá trị của Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Viết Chức cho rằng, Thủ đô hiện đại bao giờ cũng có gắn kết với quá khứ. Trong những năm qua, Hà Nội chú trọng kế thừa và phát huy dòng chảy văn hóa sáng tạo của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Chính bởi lẽ đó, Hà Nội luôn có sự phát triển bền vững, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Đó cũng là nền tảng, là giá trị “gốc” để Hà Nội vững bước trên con đường hội nhập, trở thành Thủ đô năng động, hiện đại, song cũng đậm đà bản sắc.