Hà Nội 360

Đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Lê Thi: Từ số phận cá nhân thấy được sức mạnh dân tộc

Mai Đình thực hiện 04/09/2023 - 07:23

Đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Đại tá Lê Thi gắn bó với Điện ảnh Quân đội từ những ngày đầu thành lập. Tên tuổi ông gắn với những tác phẩm điện ảnh tài liệu nổi tiếng như “Trường Sa - không xa” (1989), “Đường mòn trên biển Đông” (1995), “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình” (2019); “Con đường đã chọn” (2021). Gần đây, ông còn làm giám khảo tại nhiều cuộc thi, liên hoan phim, liên hoan truyền hình.

le-thi.jpg
Đạo diễn, NSND, Đại tá Lê Thi.

- Thưa Đại tá, NSND Lê Thi, ông gắn bó với Điện ảnh Quân đội từ khi còn trẻ. Ông còn nhớ bộ phim đầu tiên của mình trong vai trò đạo diễn?

- Cuối năm 1974, đầu năm 1975, tôi làm bộ phim tài liệu về Thạch Hãn (Quảng Trị) ngày đầu giải phóng. Lúc ấy tôi đang kiêm nhiệm công việc quay phim. Chính vì có nhiều năm gắn bó với công việc quay phim nên tôi đã có ý thức sau này có thể phát triển những ý tưởng, cảnh quay của mình thành đề tài của phim tài liệu. Trước đó, trong những lần sang Hungary, Ba Lan, Tiệp Khắc…, dù nhiệm vụ chỉ là quay phim tư liệu nhưng tôi đã có ý thức thu thập tư liệu để sau này về nước dựng thành phim.

- Gần đây ông tham gia sản xuất hai loạt phim tài liệu lớn trong vai trò Tổng đạo diễn: “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình” và “Con đường đã chọn”. Đã ở tuổi "xưa nay hiếm", vì sao ông vẫn nhận lời cùng với các đồng nghiệp thực hiện hai chủ đề lớn này?

- Tôi làm phim “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình” khi đã nghỉ hưu. Khi ấy, Xưởng phim Nhân dân chưa được thành lập, mới đang trực thuộc Truyền hình Nhân dân. Chúng tôi đã tổ chức một cuộc hội thảo để bàn xem nên làm như thế nào. Cá nhân tôi nghĩ rằng: Làm kiểu gì cũng cũ và làm kiểu gì cũng không đủ được. Lúc ấy cũng có nhiều ý kiến về việc thực hiện loạt phim tài liệu này như thế nào. Cách mà tôi đưa ra được một số người ủng hộ và sau đó tôi được mời.

Nhưng lý do thứ hai quan trọng hơn, đó là niềm đam mê trong tôi vẫn còn. Sức khỏe lúc ấy cũng cho phép tôi tham gia cùng anh em. Bộ phim tài liệu “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình” phản ánh một cách có hệ thống, đầy đủ, xuyên suốt về quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam, mở ra thời đại Hồ Chí Minh, thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc. Do vậy, ý kiến mà tôi đề xuất là viết kịch bản theo chiều dài lịch sử, chọn các sự kiện tiêu biểu của từng năm để kể lại trong từng tập phim, cùng với đó là bám vào các nghị quyết để triển khai vấn đề. Bộ phim thành công là bởi sự góp sức của cả một tập thể chứ không riêng mình tôi. Tôi luôn quan niệm: Mình phải biết mình đang ở đâu, mình có thể cộng tác việc gì thì làm việc đó.

Tôi nghĩ rằng, ở góc độ người làm phim, điều quan trọng nhất là sự nhiệt tình. Tôi có thể bảo đảm rằng mình là người nắm được cụ thể các tư liệu của Điện ảnh Quân đội. Tôi quý tư liệu, tiếc công sức của anh em nên nếu có điều kiện sử dụng tốt nguồn tư liệu ấy, tôi luôn sẵn sàng. Từ đó, anh em làm phim chúng tôi vẫn có thể cộng tác cùng nhau. Nói vậy không có nghĩa là chúng tôi lúc nào cũng thắng lợi. Có những tập phim, chúng tôi thừa nhận mình thất bại. Nhưng điều chúng tôi cảm thấy được an ủi là mình được nói đúng thời điểm, nhất là trong những thời điểm quan trọng.

- Điều ông cảm thấy thỏa mãn khi được thể hiện tiếng nói của mình trong hai loạt phim tài liệu “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình” và “Con đường đã chọn” là gì?

- Tôi nghĩ đó là sự nói thẳng, nói thật. Tôi luôn nhấn mạnh 3 yếu tố khi làm phim: Sự nhiệt tình, ê kíp có thể cộng tác được và cách nhìn của lãnh đạo cởi mở hay không… Đó là những yếu tố làm nên thành công của những bộ phim tài liệu.

- Suốt chặng đường gắn bó với điện ảnh tài liệu, đặc biệt là những thước phim về chiến tranh, điều gì giúp ông giữ được nhiệt huyết đến tận bây giờ?

- Trong mọi cuộc chiến tranh đều có những số phận. Nếu chiến tranh chỉ có sự ác liệt, chỉ có những con số mất mát, thương vong thì chưa đủ. Nhắc đến điều này tôi lại nhớ đến bộ phim “Đường mòn biển Đông” (1995). Trong phim, tôi kể về những số phận, những con người, có người đúng, người sai, có sự nhầm lẫn… Từ số phận mới thấy được sự hy sinh lớn lao của nhân dân ta, mới thấy được quy mô, tầm vóc của cuộc chiến.

Đây là bộ phim đầu tiên của điện ảnh tài liệu công khai về sự hình thành và phát triển của đoàn tàu không số, những con tàu bí mật vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam. Bộ phim thành công khi chú ý phản ánh số phận con người, đặc biệt là những con người vô danh, trên một trong những mặt trận kỳ lạ nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Tuy vậy, vẫn còn nhiều câu chuyện, nhiều số phận day dứt mà chúng tôi chưa thể đề cập. Khi làm phim, chúng ta nên bắt đầu từ số phận con người, từ đó cho thấy kỳ tích, sức mạnh thần kỳ đưa đến thắng lợi vĩ đại của cả dân tộc.

- Trân trọng cảm ơn Đại tá, NSND Lê Thi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Lê Thi: Từ số phận cá nhân thấy được sức mạnh dân tộc