Di sản

NSND Nguyễn Văn Nẫm: “Người chép sử bằng hình ảnh”

Vân Thảo 27/08/2023 - 15:41

Nhà quay phim, NSND Nguyễn Văn Nẫm là tác giả của hàng vạn mét phim tư liệu chiến tranh tại các chiến trường Lào, Quảng Trị, là người quay phim về lễ Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Ông cũng là một trong những người đã ghi lại hình ảnh về trận “Điện Biên Phủ trên không” tại Hà Nội vào tháng 12-1972.

scanned-documents.jpg

Đặc biệt, cảnh quay bộ đội ta kéo xác máy bay Mỹ trên đường Hoàng Hoa Thám, gần dốc Ngọc Hà vào buổi sáng ngày 28-12-1972 của ông đã được sử dụng trong nhiều bộ phim về Hà Nội như “Hà Nội trong mắt ai”, “Hà Nội 12 ngày đêm”...

1. Nghệ sĩ Nguyễn Văn Nẫm sinh năm 1944 trong một gia đình thuần nông ở làng Cổ Đô (xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội), nơi còn được gọi là “làng họa sĩ”, quê hương của nhiều họa sĩ hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Sớm có năng khiếu hội họa (ông có hai bức tranh vẽ năm 1960 hiện vẫn được treo trong nhà trưng bày của làng) nên năm 1961 Nguyễn Văn Nẫm quyết định thi vào Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam).

Tuy nhiên, vào đầu năm học mới, ông lại nhận được thư thông báo nhập học của Trường Đại học Điện ảnh Việt Nam (nay là Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội). “Tối hôm đó, tôi đang đập lúa ở sân hợp tác xã thì nhận được thư nói rằng hồ sơ cùng kết quả thi của tôi đã được chuyển từ trường Mỹ thuật sang trường Điện ảnh, nếu tôi đồng ý đi học thì thông báo cho nhà trường biết” - ông kể.

Cuối cùng, NSND Nguyễn Văn Nẫm trở thành học viên khóa đầu tiên của lớp Họa sĩ thiết kế (sau này là khoa Thiết kế mỹ thuật) Trường Điện ảnh Việt Nam. Ba năm sau, ông tốt nghiệp và về công tác tại Xưởng phim thời sự và tài liệu Việt Nam (nay là Công ty TNHH MTV Hãng phim tài liệu khoa học Trung ương) với công việc chính là thiết kế chữ, vẽ động cho phim khoa học và phim tài liệu lịch sử. Năm 1968, sau khi tốt nghiệp lớp quay phim mặt trận đầu tiên và duy nhất của điện ảnh cách mạng Việt Nam, ông bắt đầu những năm tháng xông pha trên chiến trường ghi lại những thước phim “màu lửa”.

Trên cương vị phóng viên chiến trường, nhà quay phim Nguyễn Văn Nẫm, bút danh Lê Mai Phong, nhận nhiệm vụ đầu tiên cùng 3 đồng nghiệp sang chiến trường Lào. Vừa quay phim vừa di chuyển liên tục để tránh bị địch tập kích, ông cùng đồng nghiệp thường xuyên bám sát bước chân bộ đội, phản ánh kịp thời tin tức và tình hình chiến trận, đời sống quân dân thuộc vùng Trung - Hạ Lào.

Trong khoảng thời gian ở chiến trường Lào, nghệ sĩ Nguyễn Văn Nẫm đã quay hàng nghìn mét phim tư liệu quý giá về chiến tranh trên nước bạn. Với chiếc máy quay phim 16 ly, ông đã trở thành đạo diễn ở tuổi 26 với phóng sự “Giải phóng Mường Phìn” - một huyện nằm trên đường số 9, tỉnh Xa-va-na-khẹt (Lào). Và, với bộ phim này, ông đã được Chính phủ Lào tặng Huy chương anh dũng chống Mỹ cứu nước.

Năm 1969, Nguyễn Văn Nẫm trở về nước, nhận nhiệm vụ ghi hình lễ Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình. Sau đó, ông tiếp tục đi làm nhiệm vụ tại Viêng Chăn (Lào). Rời chiến trường Lào vào giữa năm 1971, ông xung phong đi B, vượt Trường Sơn vào Quảng Bình, Vĩnh Linh rồi đến Quảng Trị. “Ngày 1-5-1972, tôi vào tới thị xã Quảng Trị. Đêm đến, nằm trên bãi cát trắng ở phía bắc sông Thạch Hãn, ban ngày cùng các chiến sĩ vào trận đánh với nhiệm vụ ghi hình” - ông kể lại.

Với vũ khí là chiếc máy quay phim nhựa 35 ly, chiến sĩ - nghệ sĩ Lê Mai Phong (tức Nguyễn Văn Nẫm) đã ghi lại hình ảnh thành cổ và vùng ven Quảng Trị, sau đó hoàn thành bộ phim thời sự tài liệu gồm 3 cuốn có tựa đề “Quảng Trị ngày đầu giải phóng”. Năm 1973, bộ phim được gửi tham dự Liên hoan phim quốc gia lần thứ II và giành giải thưởng Bông sen Bạc.

2. Từ chiến trường B, nhà quay phim Nguyễn Văn Nẫm trở về Hà Nội, tiếp tục công việc của một phóng viên quay phim. Ngày 17-12-1972, ông cùng quân dân Hà Nội bước vào cuộc chiến nóng bỏng 12 ngày đêm với nhiệm vụ “cầm máy quay trực 24/24, ở đâu có bom rơi đạn nổ là tới đó ghi lại”.

“Sáng nay được điều đi trận địa này, sáng mai lại điều đi trận địa khác, cứ thế anh em quay phim chúng tôi thay nhau đi khắp thành phố” - ông kể lại. “Sáng 18-12-1972, xưởng phim nhận được thông báo Mỹ sẽ đánh bom Hà Nội.

Đêm hôm đó, máy bay Mỹ quần thảo Đông Anh và các vùng lân cận, đất trời rung chuyển. Anh em quay phim, như đã phân công, mang theo máy và phim sát cánh cùng bộ đội. Quay chính như tôi hồi đó được giữ một máy quay Kônvát 35 ly và 120 mét phim đen trắng, nếu quay hết phim thì về xưởng lĩnh thêm”.

Suốt 12 ngày đêm trực chiến, nhiều lần chịu sức ép của bom đến ù cả tai nhưng Nguyễn Văn Nẫm vẫn luôn sẵn sàng cho những khuôn hình lịch sử mà mỗi thời khắc, mỗi sự kiện xảy ra với ông vẫn chỉ như mới hôm qua. Ông kể: “Khoảng 19h - 20h ngày 27-12-1972, còi báo động vang lên, tôi lập tức vác máy quay lên. Vài giây sau, khu vực Hoàng Hoa Thám xuất hiện những tiếng nổ lớn.

Mùa đông, bầu trời Hà Nội thấp lắm, cảm tưởng với tay tới được mây, máy bay rơi độ vài giây là chạm đất. Xăng và mảnh vỡ máy bay rơi lã chã từ chợ Bưởi đến vườn Bách Thảo. Tôi đưa máy quay lên ngắm, hướng có điểm sáng là máy bay cháy. Sáng hôm sau, ngày 28-12, khoảng 7h, trên đường đi xuống khu vực Cao - Xà - Lá để trực chiến, đến vườn Bách Thảo thì nghe thấy tiếng reo hò của bộ đội, tôi nhảy lên nóc xe ghi nhanh được cảnh bộ đội kéo lê xác máy bay về dốc Ngọc Hà”.

Sau trận “Điện Biên Phủ trên không”, nghệ sĩ Nguyễn Văn Nẫm và các đồng nghiệp đã hoàn thành bộ phim “Tội ác tột cùng - Trừng phạt thích đáng” được Thủ tướng Phạm Văn Đồng khen ngợi. Tại Liên hoan phim quốc gia lần thứ III - năm 1975, bộ phim đã giành giải thưởng Bông sen Bạc.

Sau ngày đất nước thống nhất, nghệ sĩ Nguyễn Văn Nẫm tiếp tục sứ mệnh của “người chép sử bằng hình” khi ngồi trên trực thăng 1 tháng trời để quay toàn bộ căn cứ quân sự của địch từ sông Bến Hải tới Sài Gòn, ra tận Cà Mau, Phú Quốc và quay phóng sự về ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên của đất nước thống nhất, cảnh duyệt binh tại Quảng trường Ba Đình...

3. Đam mê hội họa nhưng lại gắn bó với chiếc máy quay phim suốt 40 năm, NSND Nguyễn Văn Nẫm còn được xem là người quay kỹ xảo đầu tiên ở Việt Nam với những cảnh quay khó ở thời điểm đó. Ông tham gia làm các phim “Từ Thức lấy vợ Tiên”, “Cuộc sống”, “Chú chuột biến hình”, “Vợ chồng nhà sáo”, “Tiếng nhạc ve”, “Chuyện những đôi giày”...

Ông bảo, kiến thức hội họa đã giúp ông rất nhiều trong công việc ghi hình để mỗi cảnh quay đều có bố cục hài hòa. Đặc biệt, với kinh nghiệm tích lũy được trong những năm tháng quay phim thời sự chiến tranh, ông luôn khiến các đồng nghiệp thán phục khi không cần đo độ sáng của từng cảnh quay ngoài trời mà chỉnh sáng bằng... cảm nhận của bản thân.

Năm nay 79 tuổi, NSND Nguyễn Văn Nẫm đang tận hưởng cuộc sống yên bình sau những năm tháng xông pha trong lửa đạn. Ông là chứng nhân lịch sử, là “người chép sử bằng hình”, người lưu lại những thước phim tư liệu quý giá về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian khổ mà hào hùng của quân và dân ta. Những thước phim về Thành cổ Quảng Trị bị băm nát vì bom đạn cùng cảnh bộ đội hò reo kéo xác B52 trên đường Hoàng Hoa Thám... sẽ mãi là ký ức không phai mà ông và các đồng nghiệp đã quên mình lưu lại cho thế hệ mai sau.

NSND Nguyễn Văn Nẫm (bút danh Lê Mai Phong) là một trong 30 học viên lớp quay phim chiến trường. Trong vai trò quay phim tại Xưởng phim thời sự và tài liệu Việt Nam, ông tham gia nhiều bộ phim thời sự, tài liệu và khoa học như “Những chặng đường cách mạng vẻ vang”, “Nguyễn Ái Quốc đến với Lênin”, "Đường về Tổ quốc”, “Hà Nội trong mắt ai”, “Chuyện tử tế”, “Một phần năm mươi giây cuộc đời”, “Giữ trong tầm mắt”... Ông được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 2001 và NSND năm 2019.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
NSND Nguyễn Văn Nẫm: “Người chép sử bằng hình ảnh”