Xưa và nay

Đền Miếu Trắng

Quỳnh Ngọc 02/09/2024 - 05:52

Đền Miếu Trắng (hay Thiên Tiên từ) là tên dân gian của ngôi đền nằm trong ngõ 194 phố Đội Cấn (phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội). Đền là nơi thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh, được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIII.

mieu-trang.jpg

Đền Miếu Trắng tọa lạc trong khuôn viên rộng, đối diện là đình Vạn Phúc. Đền quay mặt về hướng nam, bao gồm các công trình: Cổng, hồ bán nguyệt, sân vườn và khu kiến trúc chính của đền.

Cổng đền được xây kiểu nghi môn hai tầng tám mái đắp ngói giả ống. Các góc mái tạo thành hình rồng cách điệu hướng về bờ nóc trang trí hình đao lửa, mặt trời. Phần cổ diềm hình chữ nhật trang trí ô chữ nhật đề 3 chữ Hán: “Thiên Tiên từ”. Phía trước cổng chính có hai cột đồng trụ, đế thắt cổ bồng. Đỉnh trụ là bốn chim phượng chụm đuôi, đầu quay ra bốn hướng. Phía dưới là ô lồng đèn trang trí hình tứ linh. Hai cổng bên nhỏ hơn, xây kiểu hai tầng tám mái dạng chồng diêm. Các góc mái tạo thành hình đầu rồng uốn cong cách điệu. Thân các trụ biểu bổ khung đề các câu đối chữ Hán. Hai bên giao giữa cổng chính và cổng phụ đắp nổi hai bức phù điêu trang trí hình rồng, hổ theo quan niệm: “Tả thanh long, hữu bạch hổ”. Phía dưới là hai con lân chầu trên một khối gạch.

Sau nghi môn là khoảng sân rộng lát gạch Bát Tràng. Trong sân có hồ bán nguyệt; hai bên là lầu Cô, lầu Cậu; phía trước là lầu Lục (Bắc Lệ), lầu mẫu Thượng Thiên, lầu Cô Bơ... Chính giữa là nhà tiền tế gồm ba gian hai dĩ, mái lợp ngói mũi hài. Bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, chính giữa nóc mái đắp hình lưỡng long chầu nhật, các góc mái uốn cong. Đền chính có kiến trúc hình chuôi vồ với tòa đại bái rộng 5 gian, 4 mái uốn cong, nóc có rồng chầu mặt nguyệt, và cuối cùng là hậu cung.

Giá trị nổi bật của đền Miếu Trắng là phần trang trí trên kiến trúc mang đậm phong cách nghệ thuật dân gian truyền thống. Các mảng chạm được tập trung chủ yếu trên các bức cửa võng, cốn nách, đầu dư, kẻ hiên, câu đầu với những đề tài quen thuộc như phượng, lân... Giá trị độc đáo của di tích còn được thể hiện qua 30 pho tượng tròn mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX - XX.

Trong đền Miếu Trắng hiện còn lưu giữ hệ thống di vật phong phú, gồm: Pho tượng đồng, bát hương sứ thời Thanh, 1 tấm bia đá niên hiệu Tự Đức thứ 35 (1882), bộ bát bửu; 2 bộ chấp kích; long đình cùng bộ kiệu võng mẫu Thiên Tiên và 3 bộ kiệu võng Tam Tòa; hương án và 9 khám thờ. Ngoài ra, còn có hệ thống bia đá, minh chuông, hoành phi, câu đối... Năm 2006, đền Miếu Trắng được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đền Miếu Trắng