Chùa Mai Phúc
Chùa Mai Phúc (Minh Tông tự) tọa lạc tại số 231 đường Nguyễn Văn Linh (phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội). Chùa được khởi dựng vào khoảng thế kỷ XVII, dưới thời nhà Lê. Chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu lớn vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XX do thiên tai và chiến tranh. Vì vậy, kiến trúc chùa có sự thay đổi so với ban đầu.
Chùa Mai Phúc nằm sau khoảng vườn cây xanh mát, ngăn cách khuôn viên chùa với quốc lộ 5. Hai bên đường rẽ vào chùa là hàng cau cao vút và các tháp mộ nằm giữa vườn cây. Tam quan bề thế với 3 cửa vào chạm trổ hoa văn cầu kỳ. Cổng chính giữa xây kiểu hai tầng tám mái, bên trong gác chuông treo một quả đại hồng chung, ngoài đắp nổi điển tích về đức Phật. Phía dưới là hình lưỡng long chầu nhật và 3 chữ Hán: “Minh Tông tự”. Trên các trụ cột đều có các đôi câu đối bằng chữ Hán.
Sau tam quan là một giếng rộng hình tròn nằm chính giữa khuôn viên, có lan can và cầu ao làm bằng đá xanh chạm rồng. Bên phải là một khu vườn có giả sơn và tòa đình lục giác, trong đặt tượng Quan Thế âm Bồ tát. Đối diện qua giếng nước, bên trái có tượng Phật Di Lặc được tạc bằng đá trắng.
Tiếp đến là điện Mẫu, nhà Tổ rồi đến chùa chính. Chùa quay mặt về hướng tây nam, gồm: Tiền đường, thiêu hương, thượng điện được sắp xếp tạo thành mặt bằng tổng thể hình chữ “Đinh”. Tiền đường được xây dựng năm Canh Tuất (1910), dưới đời vua Duy Tân, rộng 5 gian 2 dĩ, đầu hồi bít đốc tay ngai. Bên hồi trái là một am nhỏ, nơi để bia và thờ hậu. Sát hai đầu hồi là 2 gian thờ Đức ông và Thánh tăng.
Tòa thiêu hương là nhà ngang gồm 4 gian 2 dĩ với 5 bộ vì, cột và các bệ được xây giật cấp thành tòa tam bảo. Trên các cấu kiện gỗ được chạm nổi nhiều họa tiết tinh xảo hình văn triện đan xen cúc dây, tứ linh, cá chép, ao sen...
Chùa Mai Phúc hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị, như 3 tấm bia đá niên đại Đức Nguyên thứ nhất (1674), Duy Tân 4 (1910), Bảo Đại 3 (1928); 3 quả chuông đồng, 1 quyển thần tích gồm 12 lá đồng, khổ 18x34cm, nặng 1kg; hệ thống hoành phi, câu đối, y môn, cuốn thư, hương án, long ngai, khám thờ. Ngoài ra còn có hệ thống tượng Phật mang dấu ấn nghệ thuật của thế kỷ XVIII - XIX.
Không chỉ là một di tích lịch sử - văn hóa, chùa Mai Phúc còn là một di tích cách mạng kháng chiến. Trong kháng chiến chống Pháp, chùa là cơ sở của các chiến sĩ quân báo theo dõi hoạt động của địch tại sân bay Gia Lâm.
Năm 1992, chùa Mai Phúc được xếp hạng Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia.