Xưa và nay

Đình Xuân Đỗ Hạ

Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm 10/03/2024 14:15

Đình Xuân Đỗ Hạ (hay đình Đậu Hạ) tọa lạc tại làng Xuân Đỗ (xưa là ấp Hoa Động), thuộc phường Cự Khối (quận Long Biên, Hà Nội). Đình thờ nhị vị thành hoàng là Đức Thánh tổ Đào Khỏa tướng quân (Khỏa Ba Sơn) thời Trưng Vương (năm 40 - 43 sau Công nguyên) và nữ thần Lâu Ly Tiên Thiên (con gái Lạc Long Quân).

dinh-xuan.jpg

Thánh tích ngọc phả đình Xuân Đỗ Hạ ghi rằng: Khi Hai Bà Trưng dấy binh khởi nghĩa, Đào Khỏa đã tập hợp một đạo binh lớn và được Trưng Vương phong là Tiên Đạo Ngô Hội tướng quân, thống lĩnh đạo quân Đông Bắc, đóng quân ở ấp Hoa Động (Xuân Đỗ ngày nay) để tiến đánh thành Luy Lâu - đại bản doanh của thái thú Tô Định. Đêm trước ngày tiến quân, ông mơ thấy một tiên nữ là Tiên Thiên công chúa, tự xưng là con gái Lạc Long Quân xin âm phù tướng quân. Nhờ đó, đoàn quân của Đào Khỏa tướng quân đã đánh tan quân Tô Định, góp phần giải phóng đất nước.

Khi Hai Bà Trưng lên ngôi, làm lễ mừng tại Hoa Động, đang buổi lễ thì sấm chớp nổi lên, Đào Khỏa tướng quân cưỡi ngựa bay về trời. Trưng Vương bèn phong nhị vị là Thượng đẳng Phúc thần và chỉ dụ dân làng Hoa Động lập đình, miếu thờ cúng; hằng năm mở hội tri ân.

Hiện đình Xuân Đỗ Hạ còn lưu giữ 21 đạo sắc phong của các triều vua, đạo sắc xưa nhất là thời vua Lê Hiển Tông (1740 - 1785), và nhiều di vật quý hiếm như long đình, kiệu, bát cống, hương án... Lễ hội hằng năm được tổ chức long trọng với lễ rước nước, rước kiệu, có sự tham gia của đông đảo nhân dân trong khu vực và những nơi cùng thờ tướng Khỏa Ba Sơn như đình Vũ Thạch (phố Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm).

Đình Xuân Đỗ Hạ không chỉ mang những dấu ấn lịch sử - văn hóa mà còn bảo tồn được nét kiến trúc điển hình của đình làng Bắc Bộ. Vị trí xây dựng đình có sự liên kết với các di tích như chùa Xuân Đỗ (di tích quốc gia), văn chỉ (không gian tôn vinh văn hóa - giáo dục của địa phương), miếu thờ thần..., tạo nên không gian trung tâm công cộng của làng cổ truyền thống Bắc Bộ.

Trải qua không ít lần tu bổ, tôn tạo, phong cách kiến trúc của đình vẫn giữ được nét truyền thống với trục chính bố cục theo kiểu chữ “Đinh”. Phía trước là hồ nước, tam quan và sân đình. Phần thờ tự nằm ở vị trí trung tâm, với tiền đường là kiểu nhà một gian hai chái, mái lợp ngói âm dương, bốn góc là bốn mái đao hình rồng, bờ nóc trang trí mặt nguyệt. Đi sâu vào trong là hậu cung. Phía sau có sân trong, hai bên là nhà tả vu, hữu vu và vườn cây cổ thụ.

Năm 1994, đình Xuân Đỗ Hạ được xếp hạng Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đình Xuân Đỗ Hạ