Xưa và nay

Đình Kim Quan

Quỳnh Ngọc 24/10/2023 - 06:13

Đình Kim Quan là tên gọi theo ngôi làng cổ nằm ở ngoài bãi ven sông Hồng, nay thuộc phường Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội).

Theo các nguồn sử liệu, làng Kim Quan được lập dưới triều vua Lê Hiến Tông (1497 - 1504), khi phò mã Lê Đạt Chiêu đưa dân làng Bạch Thổ (nay là thôn Giang Cao, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đến đây khẩn hoang, trồng trọt, sinh sống, trong đó có 4 dòng họ Âu, Lý, Nguyễn, Đinh tham gia khai khẩn đầu tiên. Khi người đông lên, phò mã Lê Đạt Chiêu tiếp tục di dân khai phá vùng đất phía bắc sông Đuống, hình thành khu Kim Quan Đông, còn làng cũ gọi là Kim Quan Thượng.

dinh-kim-quan.jpg

Đình Kim Quan nằm trên đất làng Kim Quan Thượng là nơi phụng thờ 5 vị thành hoàng làng có công với đất nước và lập làng, bảo hộ cho cuộc sống của người dân. Đó là Tôn thánh Linh Lang Đại vương, phò mã Lê Đạt Chiêu, viên quan tên là Trịnh Đồ Tư - người bên Bắc quốc, giỏi thuật phong thủy đã giúp dân xây cất nhà cửa, xây dựng cuộc sống yên bình, thịnh vượng. Ngoài ra còn có hai vị nữ thánh là Thiên Tiên Đào Hoa và Hà Tiên Phương Dung - người đã dùng tài ca hát làm lung lay ý chí của giặc, giúp đại quân ta chiến thắng. Hai bà được coi là Tổ sư của nghệ thuật ca trù Việt Nam.

Đình Kim Quan nằm trong cụm di tích gồm đình, chùa, nghè, miếu, văn chỉ và giếng nước được hình thành từ cuối thế kỷ XV. Đình nằm trên một khu đất cao rộng, quay về hướng đông nam và tách biệt với khu dân cư. Cổng đình được xây kiểu vòm cuốn. Qua cổng là khoảng sân rộng lát gạch Bát Tràng rồi đến nghi môn nội gồm 4 trụ biểu; hai trụ giữa có hình lồng đèn, phía trên đắp nổi hình chim phượng quay về 4 hướng; hai trụ bên ngoài đắp nổi hình nghê chầu. Tiếp đến lại là một khoảng sân rộng, hai bên là nhà giải vũ rồi tới nhà tiền tế rộng 7 gian bằng gỗ lim, mái lợp ngói, đầu hồi bít đốc, bộ kèo kiểu chồng rường.

Nhà trung tế là nơi diễn ra các nghi lễ và sinh hoạt việc làng. Tại đây có bức đại tự đề: “Thánh cung vạn tuế”. Đáng chú ý nhất là các mảng chạm khắc trên bộ khung gỗ với đề tài hình rồng, mây, hổ phù, tứ linh, tứ quý, hoa văn, lá... mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII - XVIII. Ngoài ra còn có bức hoành phi, bên trên đề 5 chữ: “Thượng đẳng tối linh từ” và các câu đối ca ngợi công đức của 5 vị thành hoàng. Hậu cung được xây nhỏ hơn và trang trí hoa văn đơn giản, chính giữa là bệ thờ cao 1m và là nơi đặt ngai thờ của các vị thành hoàng. Trong đình hiện còn lưu giữ nhiều đồ thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng, chạm trổ công phu và có niên đại khá lâu đời.

Năm 1992, cụm di tích đình, chùa Kim Quan đã được xếp hạng Di tích kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đình Kim Quan