Xưa và nay

Đình ở Hà Nội

Nguyễn Ngọc Tiến 14/10/2023 - 07:04

Hà Nội xưa nhiều làng không có chùa nhưng không thể thiếu đình. Hà Nội có bao nhiêu làng thì có bấy nhiêu đình, có làng tới 2 đình. Hà Nội hiện có 383 xã và 21 thị trấn, ít nhất phải có từng ấy đình, chưa tính số đình có ở trong nội thành.

dinh-hn.jpg
Đình Kim Ngân (phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm). Ảnh Bảo Khánh

Hà Nội có một ngôi đình được xây từ thế kỷ thứ VIII là đình Chèm (nay thuộc phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm). Ban đầu là đền sau thành đình thờ Lý Ông Trọng, người làng Chèm. Theo truyền thuyết, ông theo An Dương Vương đánh giặc, từng đem quân ra đất Lâm Thao đánh giặc Hung Nô. Đình được khởi công xây năm 715. Năm 866, khi Cao Biền nhà Đường làm Tĩnh Hải vương Tiết độ sứ An Nam đô hộ phủ đã cho tạc tượng Lý Ông Trọng.

Triều vua Lê Thánh Tông đã cho xây đình Quảng Văn ở cửa Đại Hưng của kinh thành Thăng Long (tương ứng với khu vực Cửa Nam hiện nay). Đình là nơi cho dân chúng đánh trống kêu oan, cũng là nơi dán cáo thị và giảng kinh.

Ở ngoại thành hiện vẫn còn rất nhiều ngôi đình đẹp với kiến trúc khác đình Trung Quốc. Ðình Tây Ðằng (thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì) thờ thánh Tản Viên. Qua cấu trúc và điêu khắc trang trí, một số kiến trúc sư cho rằng đình Tây Đằng là di vật của kiến trúc đời Trần. Ðình Chu Quyến (còn gọi là đình Chàng, thuộc xã Chu Minh, huyện Ba Vì) thờ Nhã Lang, nổi tiếng to, đẹp. Sàn lim, lan can quây quanh bốn mặt, trang trí hình rồng ngang, sư tử hí cầu, chạm nổi cảnh sinh hoạt dân gian, voi ngựa, phượng, tiên chạm tròn. Với phong cách trang trí tiên, hạc cổ kính, kiến trúc này có thể định tuổi vào khoảng thời Mạc. Ðình Tường Phiêu (thuộc xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ) thờ Thánh Tản. Sàn đình cao hơn hẳn các sàn đình khác, góc đao mái uốn nhọn.

Huyện Ba Vì còn có đình Phú Hữu (thuộc địa bàn xã Phú Sơn) thờ Thánh Tản. Đình dựng trên sườn đồi, mặt trông về núi Tản, được trung tu đầu thế kỷ XIX. Nền bệ cao, kiến trúc khang trang, đường bệ, trước mặt hai cấp sân chạy dài ra đến tam quan. Những gian hai bên làm sàn gỗ để trải chiếu cho dân làng ngồi họp. Xung quanh có lan can thấp, để trống thoáng như đình Tây Ðằng, Chu Quyến.

Ở xã Yên Sở (huyện Hoài Đức) có đình Yên Sở, còn gọi là quán Giá. Sở dĩ gọi là quán có lẽ vì giữ nguyên tên gọi và chức năng của loại kiến trúc cổ dựng bên đường hay đê cho khách dừng chân nghỉ ngơi, ăn uống.

Thông thường, đình làm theo chiều ngang nhưng đình Yên Phụ lại làm theo chiều dọc, mặt chính đình là đầu hồi. Một số đình ở Hà Nội có những kết cấu khác lạ như đình Nghi Tàm có mái che khung bảng tên, có hàng cột hiên làm bằng đá vuông. Mặt tiền đình Yên Phụ đắp long phượng chầu nguyệt, vẽ hai ông tướng đứng trấn hai bên. Ðình Thụy Khuê trổ cửa sổ hoa thị tròn. Ðình Hà Trì (quận Hà Đông), Thượng Cát (phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm), đình Thụy Phương (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm) đều xây dựng trước mặt tòa đại bái một phương đình.

Các phường nội đô cũng có đình như ở ngoại thành. Hiện khu vực nội đô có 14 đình thờ tổ nghề như đình Kim Ngân (phố Hàng Bạc) thờ tổ nghề kim hoàn, đình Phả Trúc Lâm (phố Hàng Hành) thờ tổ nghề giày, đình Tú Thị (phố Yên Thái) thờ ông tổ nghề thêu… Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp cải tạo khu vực phố cổ, mở rộng đường, vì thế, đất ở đây rất đắt. Đất công rộng chỉ còn đình và chùa nên xuất hiện những người “buôn đình, bán chùa”. Họ thì thầm với các trưởng phố cho xây đình mới nhỏ hơn, phần đất dư ra xây cửa hàng cho thuê.

Ở phố Cầu Gỗ, họ tìm cách đưa đình lên trên gác hai, ở dưới sửa sang làm cửa hàng. Năm 1925, đình Đồng Xuân ở phố Hàng Giấy vẫn còn nhưng sau đó đã biến mất. Đầu thập niên 60 thế kỷ XX, nhiều ngôi đình ở nội, ngoại thành bị biến thành nhà trẻ, mẫu giáo, trụ sở của hợp tác xã thủ công nghiệp. Đầu thế kỷ XXI, bằng ngân sách nhà nước, đóng góp của cá nhân, tổ chức, nhiều đình ở Hà Nội được trùng tu, tôn tạo rất khang trang.

Nguyên thủy, Thành hoàng làng được thờ ở các miếu, nghè (nơi miếu có nhiều cây cối bao quanh). Thời Trần, khi làng vào đám, mở hội, mới rước về đình. Về sau, vua đặt lệ phong các đại thần khi thất lộc được làm phúc thần, cho thờ bằng lọng vàng trong đình. Làng nào không có phúc thần thì xin phép hoặc tự ý tìm một thần linh, hoặc đế vương, trung thần, liệt nữ đời trước làm Thành hoàng.

Khi dựng đình, người ta phải mời thầy phong thủy xem hướng, người Việt xưa tin rằng sự an lành, thịnh vượng của dân làng phụ thuộc vào hướng. Nhưng dù hướng nào thì trước đình phải tụ thủy, tức là nhìn ra một khúc sông, ao, hồ hoặc một cánh đồng trũng thấp thì mới đọng của, làng mới giàu. Nếu có những mô đất nổi lên làm án, việc học và thi cử sẽ suôn sẻ, làng có người làm quan. Tuy nhiên, với các đình trong phố, không thể đáp ứng các điều kiện phong thủy thì phải làm nhân tạo.

Các ngôi đình ở Hà Nội không chỉ là nơi thực hành tín ngưỡng, tổ chức lễ hội mà còn là tài sản kiến trúc cần được gìn giữ, bảo tồn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đình ở Hà Nội