Xưa và nay

Dấu xưa phố cổ

Nguyễn Ngọc Tiến 11/11/2023 - 07:00

Ngày nay, dạo quanh khu vực “36 phố phường”, dấu tích xưa cũ chỉ còn lại rõ nhất là đình, đền, chùa, miếu, một vài tên hiệu buôn mà chủ nhà không nỡ bỏ đi. Phố vẫn trên đất xưa nhưng nhà cổ sao mà hiếm.

nha-co.jpg
Nhà số 8 phố Chân Cầm nổi bật với phong cách kiến trúc Đông Dương. Ảnh: Linh Tâm

Phố cổ Hà Nội hiện có ba lớp nhà đan xen. Đó là kết quả của sự thay đổi của lịch sử. Trước khi thực dân Pháp xâm chiếm Hà Nội năm 1882, khu vực “36 phố phường” có nhà tranh tre lẫn nhà xây. Nhà tranh tre có cột bằng gỗ hoặc tre, mái lợp lá gồi, không phải rạ hay lá mía đánh gianh như các vùng quê. Với nhà xây, hầu hết có hình thức giống nhau: Một tầng, mái lợp ngói ta, cửa bức bàn. Nếu nhà gác chồng diêm thì sàn gỗ, tầng hai thấp, không có ban công, tường trát phẳng không có trang trí hoa văn, cửa sổ hẹp vừa lấy ánh sáng cũng là để thông gió. Đầu thế kỷ XX, “36 phố phường” không còn nhà tranh tre lợp lá vì sợ hỏa hoạn nên chính quyền ra lệnh cấm. Nhiều chủ nhà không có điều kiện xây, buộc phải bán; khu vực “36 phố phường” chỉ còn nhà xây. Tuy nhiên, nhiều nhà đã phá đi xây mới, hoặc còn thì biến dạng. Nhà xây theo kiểu cổ hiện chỉ còn loáng thoáng vài ba cái ở phố Mã Mây, Hàng Cân, Lãn Ông, Thuốc Bắc…

Từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1954, khu phố cổ Hà Nội xuất hiện một lớp nhà phố thứ hai là nhà xây. Dù nhà một, hai hay ba tầng thì cũng đều ảnh hưởng kiến trúc Pháp. Năm 1943, Toàn quyền Đông Dương Jean Decoux ban hành nghị định, diện tích đất từ 100m2 trở lên nếu xây nhà thì phải thuê kiến trúc sư thiết kế. Trước năm này, ai muốn xây thế nào cũng được, miễn là đúng quy hoạch. Từ đầu thế kỷ XX đến năm 1931, người Pháp và người Việt giàu có xây biệt thự, nhà to đều thuê kiến trúc sư Pháp thiết kế. Nhưng từ năm 1931, khóa kiến trúc sư người Việt đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ra trường thì phần lớn người Việt giàu có xây nhà đều thuê kiến trúc sư Việt vẽ mẫu. Ngày nay, những ngôi nhà lớn, một vài biệt thự dù bị biến dạng song vẫn còn thấy ở phố cổ. Dù bị cơi nới, nhưng hình hài vẫn khá nguyên vẹn.

Thời bao cấp, khu vực “36 phố phường” dù xập xệ, cũ kỹ nhưng vẫn như xưa, mềm mại và đáng yêu. Thời kỳ này chỉ xuất hiện một vài nhà tập thể 5 tầng mọc lên trong khuôn viên các công sở cũ. Lý do là miền Bắc có chiến tranh, cuộc sống thiếu thốn, hoặc có muốn cũng chẳng xây được vì không có vật liệu, lại thêm những quy định ngặt nghèo. Những năm 1990, chính sách đổi mới đã đi vào cuộc sống, khu vực “36 phố phường” bừng tỉnh. Các gia đình khấm khá bắt đầu bung ra xây mới, sửa chữa, cơi nới. Những năm sau đó, khu “36 phố phường” mọc lên nhiều nhà mới, xuất hiện lớp phố thứ ba. Vật liệu xây nhà mới, sửa chữa hay cơi nới là tôn, cửa sắt, cửa sổ bằng nhôm kính hay cửa nhựa sản xuất công nghiệp. Với những người ưa gọn gàng ngăn nắp thì phố cổ hôm nay lộn xộn, song người dễ tính lại thấy sinh động.

Trong sự đa sắc của khu vực “36 phố phường” lại hiện ra nhà số 4 Hàng Rươi, số 2 phố Nhà Chung và một vài nhà khác như thách thức thời gian, vẫn như thuở ban đầu. Nhà số 4 Hàng Rươi xưa do một người giàu có ở phố Hàng Đồng mua lô đất trống xây liền 6 căn cho thuê. Nhà số 4 có kiến trúc đẹp nhất. Mặt tiền từ tầng một đến tầng hai được trang trí nhiều hoa văn độc lạ, phần nhô cao hơn mái được đắp những hình nổi vừa trang trí vừa là biểu tượng của gia chủ. Lan can sắt ở ban công tầng hai có chữ "Thọ". Người thiết kế ngôi nhà này được cho là họa đồ viên Nguyễn Duy Đạt - họa đồ viên chính của Sở Kiến trúc Đông Dương. Nhà số 2 Nhà Chung hai tầng nhỏ nhắn, xinh xắn, mặt tiền cũng trang trí nhiều cánh hoa đắp nổi rất ấn tượng. Căn cứ vào bản đồ Hà Nội do quân đội Pháp ở Đông Dương vẽ năm 1898 và bản đồ Hà Nội năm 1900 thì hai ngôi nhà này được xây khoảng năm 1898 - 1900.

Khu vực “36 phố phường” còn có một ngôi nhà đã xuống cấp trầm trọng, xây theo phong cách Đông Dương. Đó là nhà số 8 phố Chân Cầm. Bốn cột ở mặt tiền tầng 2 có 4 câu chữ Hán. Cửa ra vào, ban công các tầng trang trí hoa văn sắt rất lạ. Chủ nhân ban đầu là ông Vũ Huy Quang, một nhà buôn giàu có. Đầu thế kỷ XX, thương cảm những người chết không ai chôn và không có đất chôn, ông Vũ Huy Quang cùng 4 nhà tư sản dân tộc, trong đó có ông Bạch Thái Bưởi, lập ra hội Hợp Thiện. Họ mua mấy chục héc ta đất (ở cuối phố Minh Khai ngày nay) lập nghĩa trang Hợp Thiện. Hội bỏ tiền mua quan tài, tổ chức đám tang rồi chôn cất ở nghĩa trang cho người chết không nơi nương tựa, người nghèo. Hàng nghìn người chết vì đói và dịch tả năm 1945 được chôn ở nghĩa trang này.

Cùng với những biệt thự có kiến trúc đẹp, những ngôi nhà cổ này xứng đáng là tài sản văn hóa của Hà Nội, rất cần có cơ chế gìn giữ và bảo tồn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu xưa phố cổ