Đền Nội – Một không gian di sản

Đỗ Minh| 17/04/2023 20:29

(NSHN) - Gắn với huyền tích Cha Rồng - Mẹ Tiên, đền Nội là di sản văn hóa có tầm quan trọng đặc biệt của huyện Thanh Oai và thành phố Hà Nội. Được dựng trên đất tương truyền là quê hương của Đức Quốc tổ Lạc Long Quân, ngôi đền bề thế còn lưu giữ bảo vật - bức phù điêu hình tượng Quốc tổ.

Dòng chảy lịch sử, văn hóa

Đến thôn Quyếch, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng với ngôi đền rộng lớn, kiến trúc bề thế. Trong những câu chuyện nối dài lịch sử, được biết, đền Nội có từ thời Bắc thuộc hơn nghìn năm trước, rộng hàng trăm gian. Trải qua biến thiên lịch sử, đền nhiều lần bị đốt cháy, phá dỡ rồi phục dựng, đến năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đền được nâng cấp, trùng tu như hiện nay.

Ngay trước đền Nội là hồ sen hay giếng Ngọc theo truyền thuyết.

Hậu cung đền Nội với nhiều di vật lịch sử.

Điểm nổi bật của đền Nội là hậu cung gồm một gian nhỏ đặt bức phù điêu - hiện vật có giá trị đặc biệt của di tích này. Bức phù điêu chạm khắc tinh xảo trên nền gỗ sơn son thếp vàng, miêu tả cảnh Lạc Long Quân cùng văn võ bá quan xem hội đua thuyền. Đức Quốc Tổ ngự trên ngai vàng, đầu đội vương miện chạm hình “lưỡng long chầu nguyệt” với khuôn mặt hiền từ, phúc hậu, mình khoác long bào, vóc dáng bệ vệ, oai phong.

Ngoài giá trị lịch sử, nghệ thuật, bức phù điêu (giá tượng) còn thể hiện rõ tín ngưỡng và tâm thức dân gian, giúp mọi người nhớ về nguồn cội. Giữ nguyên các giá trị gốc, bức phù điêu đình đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia. 

T.S Nguyễn Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) cho hay: Theo phong thủy, đền Nội tọa lạc trên thế đất “Kim quy ẩm thủy” (Rùa vàng ngắm nước), trong tổng thể thế đất của làng là “Lục long triều hội, lưỡng phượng giao phi” (6 con rồng chầu, 2 con phượng múa). Các đơn nguyên kiến trúc của đền Nội gồm có nội viên: Nhà khách, tiền môn, tả hữu mạc, phương đình, đại bái, trung cung, hậu cung và khu vực ngoại viên rộng lớn. Ngôi đền bề thế nhất khu vực phía Nam Hà Nội chứa đựng dòng chảy lịch sử văn hóa của dân tộc.

Lối vào đền Nội.

Tục hèm độc đáo trong lễ hội Bình Đà

Lễ hội đền Nội - Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai) đặc sắc, có sức thu hút rất lớn. Hằng năm, cứ đến lễ hội, các làng có nơi thờ tự Quốc mẫu Âu Cơ, đền Hùng, Phú Thọ, đều cử các đoàn cán bộ, bô lão về dâng hương Quốc tổ (vào ngày mùng 5 - 6 tháng 3 âm lịch) và xin rước chân hương. Và cứ đến dịp Lễ đại kỳ phước Quốc mẫu Âu Cơ, ngày giỗ Tổ Hùng Vương, các cụ cao niên làng Bình Đà lại cử đoàn đại biểu dâng hương tri ân.

Trưởng phòng Văn hóa huyện Thanh Oai Nguyễn Văn Lợi cho biết: Ngoài các nghi lễ có nhiều điểm chung của vùng đồng bằng Bắc Bộ, vào ngày giỗ chính của hai vị Thánh (26 tháng Hai và mồng 6 tháng Ba âm lịch) có thêm nghi lễ dâng các phẩm vật như: Tại đình Ngoại Bình Đà, dâng bò sống để tế Đức Đương cảnh Thành hoàng Linh Lang Đại vương. Tại đình Nội dâng bánh Thánh tế Đức Thánh Tổ - Quốc Tổ Lạc Long Quân và năm mươi người con. Tục hèm này đã có từ rất lâu, được các cụ cao niên mật truyền, với ý “thiên cơ bất khả lộ”.

Phần lễ luôn được người dân Bình Minh chuẩn bị chu đáo trong lễ hội Bình Đà hằng năm.

Làng có nhiều dòng họ, nhưng duy nhất dòng họ Nguyễn Văn được chọn để làm bánh Thánh. Cách thức làm và số lượng bánh dâng Thánh chỉ có Trưởng tộc Nguyễn Văn nắm giữ, truyền lại cho thế hệ tiếp theo (nếu trưởng tộc không có con trai, dòng họ sẽ phải làm lễ phong trưởng, chọn con trai ở chi kế tiếp). Bánh được làm vào ngày mồng 5 tháng 3 âm lịch, làm lễ thỉnh bánh vào đêm đó, sáng hôm sau chính hội thì làm lễ thả bánh Thánh xuống giếng Ngọc.

Tương truyền giếng Ngọc có mạch ngầm thông xuống Thủy cung. Đức Quốc Tổ là giống rồng nên bánh dâng cho ngài phải đưa được xuống Thủy cung. Vào ngày chính hội, xung quanh giếng Ngọc, cả mấy ngàn người khấp khởi chen nhau chờ đợi. Sau phần nghi lễ, quan tế mở đài lấy từng chiếc bánh thả xuống nước, xem chiếc nào nổi, chiếc nào chìm, chiếc nào lơ lửng... Sau đó, chủ tế bóp nát các bánh cho chìm về Thủy cung. Khi bánh chìm hết xuống giếng thì người hành lễ mới tròn trách nhiệm. Đây là một hình thức thể hiện đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”, hướng về Đức Quốc tổ.

Một nghi lễ đặc biệt nữa của hội làng là vào đêm mùng 5, dâng lễ Văn Trào. Chập tối, cửa đền tạm khép, nội bất xuất, ngoại bất nhập, sau một tuần nhang trong Hậu Cung chỉ có thủ nhang đình Nội, đình Ngoại, người đứng đầu chính quyền và người làm lễ.  Nghi thức dâng Văn Trào là đọc một bản văn chữ Hán kéo dài bốn giờ đồng hồ trong không khí trang nghiêm, huyền ảo. Bài Văn Trào này được mật truyền dùng làm lễ cúng (được sao chép, tồn tại từ thời Vua Tự Đức). 

Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết: Thanh Oai đang nỗ lực triển khai các giải pháp gắn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đền Nội với du lịch và thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn. Phía trước còn nhiều việc phải làm. Bên cạnh đầu tư cho giao thông, các công trình dịch vụ, cần nâng cao nhận thức về phát triển văn hóa, đặc biệt là kết nối các không gian văn hóa, sản phẩm văn hóa trong đời sống đương đại. Trong ý nghĩa đó, đền Nội - một không gian văn hóa, một không gian di sản với mạch ngầm nối mãi qua những dặm dài lịch sử tự thuở ngàn xưa của dân tộc đến hôm nay sẽ càng phát huy được những giá trị nội tại sâu thẳm hơn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đền Nội – Một không gian di sản