Di sản

Đình Đoài kể chuyện nhân gian

Dã Liên 16/06/2024 - 18:29

Đình là nơi thờ Thành hoàng - vị thánh bảo trợ cho các ngôi làng, là chốn tôn nghiêm và linh thiêng, song cũng là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, là không gian văn hóa, sinh hoạt cộng đồng. Cũng bởi thế, điêu khắc đình xứ Đoài là cả một kho chuyện kể về cuộc sống xưa.

10.jpg
Đình So (xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai) được biết đến là “danh lam đệ nhất xứ Đoài”. Ảnh: Linh Tâm

Đồng bằng Bắc Bộ là cái nôi của nền văn minh Đại Việt xưa. Đây cũng là nơi thể hiện nét văn hóa làng Việt đặc sắc. Một trong những nét sinh hoạt văn hóa, tâm linh nổi bật nhất là văn hóa đình làng. Bao bọc kinh thành Thăng Long xưa là bốn tiểu vùng văn hóa: Xứ Đông, xứ Đoài, xứ Kinh Bắc, xứ Sơn Nam. Mỗi vùng lại có những nét đẹp riêng trên nền tảng chung của văn hóa lúa nước. Chẳng phải ngẫu nhiên mà dân gian đúc kết: “Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài”. Xứ Sơn Nam với vùng đất Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định ngày nay là vùng đất trũng, nhiều sông ngòi nên có nhiều cây cầu đẹp. Xứ Kinh Bắc là miền đất Phật. Còn xứ Đoài, là miền đất của những ngôi đình. Hàng loạt ngôi đình của xứ Đoài đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt như đình Chu Quyến, Tây Đằng, Tường Phiêu, Mông Phụ…

Bây giờ, đình làng không còn tính “mở” như xưa. Trước kia, đình làng còn là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Nhiều ngôi đình cổ xứ Đoài không xây tường bao mà để không gian mở. Đình Tây Đằng chỉ gồm phần mái và các cây cột đỡ. Đình Chu Quyến cũng tương tự thế, chỉ khác hơn là có hệ thống sàn gỗ bao quanh. Không gian mở nên người dân có thể ra vào một cách thoải mái. Ngôi đình gần gũi, thân thương hơn so với những ngôi đình có tường bưng kín các bên.

z5526454914982_2dd3d082d673870cc5e50bde1a33e06d.jpg
Điêu khắc tại Đình So (xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai) được biết đến là “danh lam đệ nhất xứ Đoài”. Ảnh: Linh Tâm

Nhưng đình xứ Đoài không chỉ đẹp về kiến trúc, với những mái đình đồ sộ, đầu đao cong vút; không chỉ có những bức chạm long tinh mỹ. Có lẽ, chính vì là nơi sinh hoạt cộng đồng nên những câu chuyện về cuộc sống đã được “ánh xạ” lên chính những nét chạm khắc ở mái đình. Mà ở đó, người ta có thể tìm được rất nhiều câu chuyện thú vị về sinh hoạt đời thường, về cuộc sống cha ông ta thuở trước.

Đình Tây Đằng (thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì) xứng danh là bảo tàng điêu khắc gỗ, nơi hội tụ của những bức tượng, bức chạm trổ về thần tiên, linh vật, muông thú, hoa lá… và con người. Những cấu kiện cổ nhất của ngôi đình thuộc về thời Mạc - Lê Trung hưng. Đình làng vốn là không gian thiêng. Nhưng có những bức chạm khiến các nhà nghiên cứu phải ngạc nhiên. Đó là cảnh người đàn ông chải tóc cho vợ, hay bức hình người phụ nữ với đôi quang gánh trên vai, mỗi đầu quang gánh là một đứa con nhỏ. Ngắm những bức chạm này, yếu tố linh thiêng của không gian thờ thần linh trở nên mờ nhạt hơn. Bởi trong thời đại phong kiến, tư tưởng trọng nam khinh nữ là phổ biến, nhưng những trang trí này xóa tan quan điểm đó. Hình ảnh người phụ nữ gánh gồng những đứa con dường như gửi gắm sự cảm thông của nghệ nhân với những vất vả của người phụ nữ trong cuộc sống. Nếu như các bức chạm rồng, phượng, hoa lá, mây lửa… thường được người thợ thủ công xưa chạm trổ cầu kỳ, tỉ mỉ từng chi tiết, đường nét thì những bức chạm về cuộc sống lại được thể hiện một cách rất “dân gian” theo lối đục chạm ước lệ, tượng trưng với những đường chạm trổ khoáng đạt.

Đình Hạ Hiệp (xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ) cũng là một kho chạm trổ về đề tài cuộc sống. Có những hình tượng người đạo sĩ ngồi bó gối trầm tư, hình ảnh người cưỡi ngựa, cưỡi voi… Nhưng gây “sốc” nhất là bức chạm cảnh đi săn; trong đó, có một người cầm súng, mũi lõ, vóc dáng cao lớn khác hẳn người Việt. Nhiều nhà khoa học cho rằng, hình ảnh này thể hiện một người nước ngoài đi săn. Bức chạm thường được gọi là “ông Tây bắn hổ”. Quan điểm này không phải không có cơ sở, bởi dưới thời Lê Trung hưng, khi chúa Trịnh nắm quyền điều hành đất nước, giao thương với phương Tây đã phát triển. Nhiều thương điếm của người nước ngoài được đặt ở kinh đô Thăng Long. Cũng trong khoảng thời gian này, nhiều cuốn sách do người phương Tây viết về Đàng Ngoài, về Thăng Long ra đời. Việc giao lưu với người nước ngoài có thể đã được phản ánh lên chạm khắc đình làng. Ngôi đình này cũng cho biết thêm về những trò chơi dân gian xưa, như trò “chồng nụ, chồng hoa” hay đá cầu…

Đình Đại Phùng (thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng) “kể” nhiều câu chuyện thú vị không kém. Đó là hình ảnh cô gái với đôi tay xòe quạt ngang ngực, đầu chít khăn vuông, áo tứ thân tha thướt. Bên cạnh là một chàng trai khỏe mạnh đá cầu với hành động sinh động và đẹp mắt. Một bên là cụ già chống gậy lom khom bước ra xem hội. Đất quê Phùng xưa nổi tiếng những lò vật, truyền thống thượng võ được thể hiện phong phú trên các bức chạm gỗ ở đình Phùng với những keo vật có nhiều thế khác nhau. Lạ nhất là bức chạm đặc tả đôi trai gái đứng tự tình, người con trai mình trần một tay khoác vai cô gái. Cô gái mặc váy, tóc buông dài. Người con trai… thò tay vào bên trong dải yếm cô gái. Bức chạm thể hiện cảnh trai gái nhưng không thấy tục, mà toát lên sự dí dỏm.

Còn rất nhiều câu chuyện thú vị về những bức chạm khắc trên những mái đình xứ Đoài. Sự đa dạng về sắc thái trang trí đòi hỏi mỗi khi tu bổ, các chuyên gia cần tiến hành cẩn trọng, để không mất đi nét đẹp dân gian xưa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đình Đoài kể chuyện nhân gian