Nét đẹp từ ngôi làng cổ
Người ta thường nói” “Yên Sở nhất làng, nhất xã”. Tức là làng cũng chính là xã, xã nằm trong làng. Theo các cụ kể lại, thuở xa xưa làng Yên Sở mang tên là Cổ Sở, có tên nôm là Kẻ Giá (còn gọi là Giá Lụa) vì nơi đây có cánh bãi phù sa sông Đáy rộng gần 170ha chuyên trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa; lại có bến Cổ Sở nơi giao lưu buôn bán sầm uất. Chẳng thế mà người dân Yên Sở xưa kia được đánh giá là giàu có trong vùng. Dân gian từng lưu truyền câu “Thóc Lại Yên, tiền Kẻ Giá, cá Kẻ Canh” là vậy.
Chẳng những giàu có, đất Yên Sở còn có truyền thống văn hóa lâu đời. Phương ngôn có câu “Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy”. Rước Giá nổi tiếng với tích “nghiềm quân”, rước kiệu trong lễ hội từ mùng 10 đến 12 tháng Ba (âm lịch). Đây là ngày hội tưởng nhớ người anh hùng - Tướng công Lý Phục Man đã có công lớn giúp Lý Bôn dựng cờ khởi nghĩa năm 542 đánh đuổi giặc Lương ở phương Bắc và quân Lâm Ấp ở phương Nam, dựng nên nước Vạn Xuân - nhà nước độc lập, tự chủ đầu tiên của dân tộc ta ở thế kỷ VI.
Ngày nay, Yên Sở vẫn còn lưu giữ được Quán Giá và Rừng Giá với diện tích hơn 6ha, là nơi yên nghỉ và tôn thờ Tướng công Lý Phục Man. Di tích Quán Giá và Rừng Giá đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1991. Không chỉ có vậy, làng Giá xưa (nay là xã Yên Sở và Đắc Sở) còn được biết đến với những di tích đặc biệt “đình không xà, làng có 73 giếng”. Các giếng cổ được xây dựng từ rất lâu đời, có cấu tạo giống hệt nhau. Thành giếng xếp bằng đá, đáy giếng lót phiến gỗ lim chắc chắn. “Không ai biết giếng được xây dựng từ thời nào nhưng nhiều giả thuyết cho rằng giếng có từ thuở Tướng công Lý Phục Man đuổi giặc” - ông Nguyễn Đăng Hoan, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Yên Sở cho biết.
Không chỉ là mảnh đất giàu truyền thống, nhắc tới Yên Sở là nhắc cây dừa và nghề làm bánh gai. Tương truyền, từ giữa thế kỷ VI, dưới triều vua Lý Nam Đế, sau khi chiến thắng quân Lâm Ấp, bắt được hàng nghìn tù binh Chiêm Thành, võ tướng Phạm Tu - Lý Phục Man đã mang dừa phương Nam về trồng trên quê hương mình. Rất nhiều dừa trồng quanh làng nên Yên Sở còn được gọi với cái tên trìu mến “làng Dừa”.
Không chỉ có những công trình kiến trúc độc đáo, Yên Sở còn là mảnh đất có nhiều phong tục đẹp. Từ năm 1995, Yên Sở đã thông qua “Quy ước Làng Văn hóa Yên Sở”. Quy ước này kế thừa những giá trị tốt đẹp trong bản Hương ước cổ của làng, có bổ sung những điều khoản cho phù hợp với quy định của pháp luật. Quy ước gồm 6 chương, 63 điều, quy định khá đầy đủ những việc được và không được làm của người dân. Đặc biệt, quy ước nhấn mạnh đến các vấn đề về văn hóa, đạo đức, đạo lý gia đình, vệ sinh môi trường, trật tự trong làng xã...
Bảo tồn nét đẹp truyền thống
Truyền thống lịch sử, văn hóa là nền tảng để xã Yên Sở phát huy, đạt nhiều kết quả trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và phát triển lên phường trong tương lai.
Nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Yên Sở, ông Nguyễn Đăng Hoan đã chứng kiến từng bước đi của Yên Sở trong nhiều năm. Ông Hoan chia sẻ: Xã xác định đi đôi với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao vẫn phải giữ lại bằng được nét đặc trưng của làng. Chính vì vậy trong rất nhiều năm qua, địa phương vẫn không ngừng gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của làng quê.
Trong 26 năm qua, Quy ước làng Yên Sở đã phát huy tác dụng rất tốt, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ. Thực hiện Quy ước này, các gia đình cán bộ, đảng viên từ xã đến thôn đã xác định rõ bản thân và gia đình phải giương mẫu đi đầu. Đến nay, hầu hết đám cưới ở xã đều được tổ chức tại các nhà văn hóa thôn với hình thức trang trọng, tiết kiệm; đối với đám tang các cụ trên 80 tuổi, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã đứng ra làm tang lễ. Năm 2020, 96% số người quá cố trên địa bàn xã đã được hỏa táng, Yên Sở là địa phương có tỷ lệ hỏa táng cao nhất huyện Hoài Đức. Những chuyện khác như nuôi động vật, đổ rác đúng nơi quy định... được nhân dân thực hiện khá tốt.
Bảo tồn nét văn hóa làng chính là bảo tồn không gian văn hóa truyền thống. Ngày nay, Yên Sở còn giữ được khoảng 30 giếng cổ. Do có nước máy nên những giếng làng cổ không còn nhiều công năng sử dụng, người làng vẫn nâng niu giếng làng. Chính quyền và nhân dân thống kê từng giếng, xây khuôn viên sạch sẽ, làm rào chắn thép để bảo vệ giếng và bảo vệ trẻ em; tôn tạo giếng và quét dọn quanh khu vực nhằm bảo vệ, gìn giữ di tích của làng.
Được gọi với cái tên thân thuộc là “làng Dừa”, đã có lúc cây dừa có mặt tại khắp mọi nơi ở Yên Sở, từ vườn nhà cho đến quanh ao hồ, đường giao thông. Thế nhưng, do quá trình đô thị hóa, số lượng dừa trong làng giảm dần. Gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, xã Yên Sở đã vận động nhân dân trồng lại những hàng dừa xanh. Đến nay, xã đã trồng được hơn 100 cây tại các vị trí đất công như nhà văn hóa, trường học..., nâng tổng số cây dừa toàn xã lên khoảng 300 cây. Trong đó, gia đình ông Nguyễn Xuân Nông, ở thôn 7, vẫn giữ được cả 1 vườn dừa. Lá dừa còn được người dân sử dụng làm hộp đựng bánh gai - nghề truyền thống ở làng.
Cũng từ tinh thần đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm mà người dân Yên Sở luôn đồng thuận cao khi thực hiện các việc chung của làng. Thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong 5 năm gần đây, xã Yên Sở đã huy động được 230 tỷ đồng để nâng cấp 60 tuyến đường giao thông, hệ thống tiêu, thoát nước; các ao hồ trên địa bàn được kè và có đường dạo xung quanh, có cây bóng mát, đèn chiếu sáng. Các thôn trong làng đều có nhà văn hóa khang trang với đầy đủ thiết bị phục vụ sinh hoạt cộng đồng và vui chơi...