Hoài Đức tọa đàm về giải pháp thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng

Ánh Dương| 10/10/2022 17:23

(NSHN) - Chiều 10-10, Huyện ủy Hoài Đức tổ chức hội nghị tọa đàm phát huy vai trò hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách về hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn.

Quang cảnh hội nghị.

Dự hội nghị có Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Phùng Văn Dũng.

Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hoài Đức Trần Văn Nghĩa cho biết, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Hoài Đức được chia làm 3 khu vực, vùng ngoài đê sông Đáy, vùng từ đê sông Đáy đến Vành đai IV, vùng phía Đông đường Vành đai IV được quy hoạch là đô thị trung tâm với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thuộc các Quy hoạch phân khu đô thị S2, S3, S4 và GS... Các dự án đô thị đang hoàn thiện và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch được triển khai.

Chính vì vậy, công tác giải phóng mặt bằng là khâu quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất, giảm thiểu tình trạng phát sinh tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của nhân dân.

Do đó, công tác giải phóng mặt bằng luôn được cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị huyện vào cuộc đồng bộ, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động; phổ biến sâu rộng Luật Đất đai, các chính sách của Đảng và Nhà nước về giải phóng mặt bằng..., từ đó, tạo được sự thống nhất, đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân khi Nhà nước thực hiện đầu tư các dự án.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hoài Đức Trần Văn Nghĩa phát biểu tại hội nghị.

Tính từ tháng 1-2021 đến nay, Hoài Đức đã thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng 61 dự án với tổng diện tích 72,45ha của các hộ gia đình, cá nhân và 16,15ha đất công, kinh phí bồi thường hỗ trợ khoảng 784 tỷ đồng; phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tổ chức chi trả 46 dự án với diện tích 28,19ha đất nông nghiệp và 1.404,7m2 đất ở của 1.620 hộ gia đình, cá nhân; 11,9ha đất phi nông nghiệp của 7 tổ chức; 5,08ha đất công do UBND xã quản lý, tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ khoảng 183,03 tỷ đồng; hỗ trợ di chuyển 233 ngôi mộ, số tiền 2,04 tỷ đồng...

Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức Cao Văn Toàn cho biết, để thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, trung tâm đã chủ động tham mưu UBND huyện triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ về công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn huyện; tập trung nghiên cứu từng hồ sơ, vận dụng đúng chính sách pháp luật của Nhà nước để thống nhất tham mưu lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện giải quyết triệt để các vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng; kịp thời nắm bắt tâm tư của các hộ dân có đất bị thu hồi, thực hiện tốt công tác dự báo, định hướng dư luận xã hội; kịp thời báo cáo, đề xuất UBND huyện để được giải quyết kịp thời, không để phát sinh đơn, thư tố cáo, khiếu nại.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Hoài Đức Nguyễn Viết Ngữ cho biết, qua tuyên truyền, vận động, việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn cơ bản đã tạo được sự đồng thuận của nhân dân, nhiều dự án được triển khai thuận lợi, bảo đảm tiến độ đề ra.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Hoài Đức cũng nêu một số kiến nghị: Đối với các quy hoạch, công trình trọng điểm, chính quyền các cấp cần tổ chức lấy ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc cùng cấp; lấy ý kiến của người dân, tạo sự đồng thuận trước khi trình các cấp phê duyệt.

Thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc các cấp trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách về hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng tại dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và các dự án khác trên địa bàn; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt các nội dung theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV và Chương trình thống nhất hành động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện đã đề ra.

Đại biểu cấp xã đề xuất ý kiến nhằm thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng.

Cũng tại hội nghị, đại diện các tổ chức, đoàn thể huyện, lãnh đạo các xã: Hội Nông dân huyện, Hội Cựu chiến binh huyện..., các xã Di Trạch, An Thượng, Đông La... đã đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng, như: Đề nghị thành phố kiến nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các chính sách bồi thường, hỗ trợ, đặc biệt là giá bồi thường về đất, công trình, kiến trúc gắn liền với đất, về giá cây trồng cho sát thực tế, nhằm tạo sự đồng thuận cao của người dân có đất bị thu hồi thực hiện công trình, dự án.

Các chính sách, quy định khác cũng cần rõ ràng, cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, công khai, minh bạch để thuận lợi cho việc tuyên truyền và thực hiện hiệu quả; đẩy mạnh tuyên truyền về các chủ trương, định hướng phát triển của thành phố, huyện, xã, làm cơ sở để người dân nắm rõ, đồng thuận và chấp hành; phát huy tính nêu gương của cán bộ, đảng viên, hội viên gương mẫu đi đầu trong công tác kiểm đếm, nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng...

Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Phùng Văn Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Phùng Văn Dũng đánh giá cao sự quan tâm của huyện Hoài Đức. Huyện Hoài Đức là địa phương thực hiện số lượng lớn các dự án, thực hiện dự án mặt bằng, đặc biệt là dự án đường Vành đai 4, có gần 10.000 hộ trên địa bàn huyện liên quan đến giải phóng mặt bằng, khoảng 7.000 ngôi mộ phải di chuyển... cho thấy nhiệm vụ thực hiện giải phóng mặt bằng với khối lượng công việc lớn và phải triển khai hết sức khẩn trương.

Đồng chí Phùng Văn Dũng đề nghị, huyện Hoài Đức bảo đảm các vấn đề hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô một cách sớm nhất, thực hiện đúng chính sách pháp luật, bảo đảm tối đa quyền và lợi ích của nhân dân, vận dụng chính sách đặc thù triển khai dự án, không để thất thoát ngân sách trong thực hiện dự án, nhất là trong bồi thường giải phóng mặt bằng; ngăn chặn ngay từ đầu những hiện tượng sai phạm và tiêu cực trong quá trình chỉ đạo triển khai, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị an toàn, không để xảy ra điểm nóng.

Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách từ thành phố đến huyện, xã, thôn, đặc biệt người đứng đầu phải vào cuộc; tăng cường tiếp dân, phát huy thật tốt vai trò tuyên truyền, giám sát phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này; phân công nhiệm vụ cụ thể, phát huy vai trò chủ động của các cấp, các ngành, đặc biệt là cán bộ đảng viên; thống nhất trong tuyên truyền vận động; biểu dương khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể thực hiện tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoài Đức tọa đàm về giải pháp thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng