Hội quán Quảng Đông

Thủy Hương| 15/05/2022 06:10

(HNMCT) - Nhiều thế kỷ trước, Thăng Long từng là nơi có nhiều người Hoa đến sinh sống, lập nghiệp. Họ thường sống thành các cộng đồng và có những hội quán riêng. Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm ngày nay còn hiện hữu dấu tích của Hội quán Phúc Kiến (40 phố Lãn Ông, phường Hàng Bồ) và Hội quán Quảng Đông (hay Việt Đông hội quán, Dân Quốc hội quán) tại số 22 phố Hàng Buồm (phường Hàng Buồm).

Theo “Việt Đông hội quán bi ký”, Hội quán Quảng Đông được thành lập năm Gia Long thứ 2 (1803). Sau nhiều biến thiên lịch sử, Hội quán Quảng Đông từng là trụ sở của một trường mẫu giáo. Năm 2020, quận Hoàn Kiếm đã di dời trường học này để trả lại mặt bằng và tiến hành trùng tu, tôn tạo di tích theo hiện trạng kiến trúc ban đầu. Hội quán Quảng Đông có tổng diện tích 1.802m2, gồm: Lối dạo hai bên hành lang tả - hữu, sân thiên tỉnh, nhà tiền đường, phương đình, trung đường và hậu cung.

Bước vào hội quán là tiền đường gồm 3 gian với 2 bộ vì có kết cấu kiểu chồng rường giả thủ bào trơn đóng bén. Mái lợp ngói ống âm dương, đường diềm tráng men thanh lưu ly. Nóc mái gồm 3 tầng, được trang trí họa tiết bằng gốm sứ. Tường và nền ốp đá phiến màu xám. Chính giữa là một cửa lớn bằng gỗ lim đề 4 chữ: “Dân Quốc hội quán”. Phía trên là bức đại tự bằng đá khắc dòng chữ: “Việt Đông hội quán”.

Nhà phương đình có diện tích 334m2, mang kết cấu kiểu nhà vuông 4 mái. Bờ nóc, bờ dải được trang trí hoa chanh, bình hồ lô và hình lá đề cách điệu. Trung đường rộng 100m2, có hai hàng cột cùng hệ thống cửa vòm trang trí hình tượng dơi và chim phượng đang múa. Hai bên tả - hữu là dãy hành lang nối với hậu cung. 

Hậu cung (cung Quan Công) có cấu trúc 1 gian, 2 dĩ kiểu đầu hồi bít đốc với 2 bộ vì kèo kết cấu kiểu giá chiêng chồng rường con nhị. Các ban thờ được bố trí chạy ngang theo lòng nhà. Chính giữa là khám thờ Quan Công với một pho tượng lớn có khuôn mặt màu đỏ. Phía trước là 2 pho tượng thị giả cùng 4 bài vị và 6 long ngai; bài vị được bài trí trong 2 khám gỗ chạm trổ cầu kỳ.

Sát với cung Quan Công là cung Thiên Hậu có mặt bằng kiến trúc 1 gian, kết cấu theo kiểu trốn cột (không vì kèo), mái lợp ngói ống. Hệ thống cửa bức bàn, chấn song, cửa gió được trang trí hoa văn tinh xảo. Bên trong có một khám thờ lớn với tượng mẫu Thiên Hậu ngồi trên ngai cùng hai vị Thiên lý nhãn và Thuận phong nhĩ.

Năm 2007, Hội quán Quảng Đông được xếp hạng Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hội quán Quảng Đông